Báo Trung Quốc: Nỗi sợ về việc Nhật Bản xả thải đang gây hại cho chính Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Báo điện tử Sohu ngày 29/8 đã đăng bài “Sự hoảng sợ quá mức về ô nhiễm hạt nhân sẽ khiến ngành thủy sản hơn 700 tỉ NDT của Trung Quốc bị giáng đòn chí mạng”.

Việc Nhật xả nước thải đã qua xử lý của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển đã gây nên làn sóng tẩy chay hải sản Nhật ở Trung Quốc (Ảnh: Takungpao)
Việc Nhật xả nước thải đã qua xử lý của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển đã gây nên làn sóng tẩy chay hải sản Nhật ở Trung Quốc (Ảnh: Takungpao)

Theo bài viết, việc Nhật Bản xả nước thải nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển đã gây ra một làn sóng bàn luận và cũng khiến nhiều người Trung Quốc hoảng loạn, tẩy chay hải sản và mỹ phẩm của Nhật. Do truyền thông tuyên truyền cường điệu về nguy hại của việc Nhật xả nước thải đã gây nên làn sóng dân chúng tranh mua tích trữ muối; ngư dân, đồ hải sản trong nước và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng bị ảnh hưởng; nhiều hiệu ứng kiểu domino đã xuất hiện.

Theo báo Nam Phương Cuối tuần, năm 2022, giá trị sản lượng đánh bắt cá biển của Trung Quốc là 248,891 tỉ NDT (34,845 tỉ USD). Tương lai của hơn 1 triệu ngư dân đánh cá trên biển đang trở nên không chắc chắn. “Hải sản của chúng tôi không có ai ăn, chúng tôi bán cho ai?”, “Chúng tôi đã bị cắt mất nguồn thu nhập”, các ngư dân đi biển đã lâm vào tình cảnh khốn đốn. Sự hoảng loạn quá mức về ô nhiễm phóng xạ đang giáng đòn chí mạng vào ngành thủy sản trị giá hơn 700 tỉ NDT (khoảng 98 tỉ USD) của Trung Quốc.

Tranh mua muoi tich tru.png
Người dân Trung Quốc đổ xô mua muối tích trữ (Ảnh: Sohu).

Tâm lý hoang mang quá độ

Sohu cho rằng, tâm lý trong nước Trung Quốc hiện nay quá lo sợ ô nhiễm phóng xạ thực ra khá giống với nỗi lo sợ dịch bệnh trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trước hết có thể thấy cả COVID-19 và ô nhiễm phóng xạ đều xuất phát từ tác động chưa rõ ràng đối với sức khỏe người dân. Rất khó để định lượng và đánh giá một cách khoa học các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và gây tổn hại.

Nhận thức không rõ, không thể đánh giá được sẽ rơi vào hoảng loạn, khi hoảng loạn dễ giành giật, tích trữ vật tư. Trước tình hình dịch bệnh trước đây, về cách phòng tránh dịch, có người cho rằng vị thuốc Lam Bản Căn (Radix isatidis) có tác dụng nên dân chúng đổ xô đi mua tích trữ. Có người nói thuốc đông y Liên Hoa Thanh Ôn có thể chữa được COVID-19, thế là nhiều người lại đổ xô tranh mua tích trữ loại thuốc này. Sau khi được tung ra thị trường, ibuprofen cũng lại bị tranh mua hết, tiếp theo là các ngành liên quan bị tàn phá và tình trạng tích trữ sẽ xảy ra.

Tình hình hiện nay cũng rất giống thời đại dịch COVID-19, Nhật Bản xả nước thải nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, người dân Trung Quốc lo muối biển không ăn được nên điên cuồng tích trữ muối.

Ngu dan livestream keu cuu.png
Ngư dân Trung Quốc livestream kêu cứu vì không được đánh bắt cá (Ảnh: Sohu).

Nhiều ngành nghề chịu thiệt hại

Bị tác động đầu tiên là ngư dân. Theo truyền thông đưa tin, ngay đêm 24/8 Nhật Bản bắt đầu xả nước thải, trong buổi livestream của nhiều ngư dân Trung Quốc đã xuất hiện những bình luận không thân thiện. Có người nói “người Nhật đã dùng cá voi để uống thử nước”; ngư dân thì khóc ròng: “sản phẩm hiện có vấn đề gì đâu, sao không cho chúng tôi đánh bắt?”…Một số người thậm chí còn đưa ra dự đoán về tác động của các sự kiện được phóng đại quá mức.

Đầu tiên là hàng Nhật bị tẩy chay ở Trung Quốc, tiếp theo là hàng loạt nhà hướng biển bị rao bán với giá thấp, tiếp đến là hàng loạt ngư dân ven biển mất việc làm, các cửa hàng hải sản liên quan phải đóng cửa và hoạt động sản xuất chế biến của nhà máy phải chuyển đổi. Điều tiếp theo là ngành du lịch ở các thành phố ven biển bị ảnh hưởng, đồng thời đây không còn là những thành phố đáng sống, thậm chí một lượng lớn người dân đã bắt đầu rời đi.

Xét từ những dự báo này, Nhật Bản chỉ tổn hại ngành thủy sản, trong khi Trung Quốc thì các ngành thủy sản, bất động sản, du lịch và sản xuất đều bị ảnh hưởng.

Binh luan ho hao khong an hai ssan.png
Những bình luận khi CCTV-2 phát sóng trực tiếp hô hào mọi người không ăn hải sản
(Ảnh: Sohu)

Gần đây, CDC Giang Tô đã xuất bản một bài báo về tác động có thể xảy ra của việc xả nước thải nhà máy điện hạt nhân Fukushima đối với các khu vực ven biển của Trung Quốc, nói rằng ngay cả khi có nguy cơ ô nhiễm, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể ăn hải sản của chính mình. Thực tế, chỉ cần mua hải sản đạt tiêu chuẩn kiểm nghiệm quốc gia thông qua các kênh thông thường thì chúng ta có thể yên tâm ăn. Thế nhưng nhiều cư dân mạng lại đang kêu gọi tẩy chay toàn bộ hải sản trong nước.

Nhìn lại tình hình dịch COVID-19 ba năm qua, bài học lớn nhất cho Trung Quốc là khi đối mặt với thiên tai và nhân họa, ai cũng có một loại cảm xúc mất kiểm soát và hoang mang mù quáng. Kiểu hoảng loạn mù quáng này thường gây ra sức tàn phá rất mạnh đối với nền kinh tế và ngành công nghiệp.

Ngày nay, khi Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển, dường như ai cũng vừa nghe đã hoảng sợ, so với sự bình tĩnh của nước ngoài thì phản ứng và cảm xúc của người Trung Quốc có phần quá mức. Tất nhiên, có cảm giác khủng hoảng là điều tốt. Chúng ta có thể giải quyết trước các tác động tiêu cực khác nhau của ô nhiễm hạt nhân, nhưng nếu sự hoảng loạn quá mức và phản ứng thái quá thì tác động trực tiếp nhất sẽ là đòn giáng chí mạng vào các ngành nghề liên quan.

Bài viết kết luận: Đừng để sự hoảng loạn quá mức ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta. Tin rằng sau ba năm xảy ra dịch bệnh, nhiều người đã thấy rõ nghèo đói và bệnh tật khủng khiếp hơn mọi thứ khác. Chúng ta không thể quay lại quá khứ. Đây là điều mọi người dân Trung Quốc hiện nay cần phải cảnh giác và suy xét.

Theo Sohu