Gần đây, khi được hỏi về khả năng phá hủy đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông, Trung tướng Kenneth F. McKenzie, Giám đốc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của Lầu Năm Góc tuyên bố, quân đội Mỹ có kinh nghiệm phá hủy các đảo nhỏ bị cô lập ở Tây Thái Bình Dương, đây là một khả năng cốt lõi của quân đội Mỹ.
Sina Trung Quốc ngày 2/6 cho rằng, để “phá hủy các đảo nhỏ”, quân đội Mỹ dựa vào những vũ khí trang bị sau: Một là cụm chiến đấu tàu sân bay, theo đó, hải quân Mỹ có thể sử dụng tàu sân bay động cơ hạt nhân của Hạm đội 7. Chẳng hạn cụm chiến đấu tàu sân bay USS Ronald Reagan có thể hoàn thành nhiệm vụ này.
Hai là máy bay ném bom tầm xa. Các máy bay ném bom B-52H và B-1B triển khai ở Guam sử dụng tên lửa Tomahawk và bom dẫn đường chính xác cũng có thể đạt được mục đích.
Ba là tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình. Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio và tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles triển khai ở Guam có khả năng tấn công.
Trước “mối đe dọa” từ quân đội Mỹ, Sina cho rằng Trung Quốc cũng có khả năng đáp trả: Một là bắn chìm cụm chiến đấu tàu sân bay khi “phá hủy đảo”, chẳng hạn sử dụng tên lửa đạn đạo Đông Phong-21D và Đông Phong-26 hoặc các lực lượng chống tàu sân bay khác.
Trung tướng Kenneth F. McKenzie, Giám đốc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của Lầu Năm Góc, Mỹ. Ảnh:Ifeng.
|
Hai là tên lửa Đông Phong Trung Quốc trực tiếp phá hủy căn cứ cất, hạ cánh máy bay ném bom. Ba là cụm tàu ngầm tấn công thông thường và hạt nhân với trên 70 chiếc sẽ phối hợp với các tàu hộ vệ Type 054 và Type 056A tiêu diệt bất cứ mối đe dọa nào từ dưới lòng biển khơi.
Sina Trung Quốc nhấn mạnh, bất cứ cường quốc quân sự hay nước lớn hạt nhân nào đều có giới hạn chiến lược, phá hủy “đảo nhân tạo” do Trung Quốc xây dựng (phi pháp) là một trong những giới hạn chiến lược mới nhất của Trung Quốc. Sina Trung Quốc còn đe dọa, Trung Quốc không chỉ kiên quyết đáp trả cứng rắn với hành động này, mà còn sẽ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo các nguồn tin, gần đây, Trung Quốc đã liên tục có các hành động quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông, gây lo ngại đặc biệt cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và các nước xung quanh Biển Đông. Mỹ đã trực tiếp lên án Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2018 và đã liên tiếp có các hành động quân sự để đáp trả.