Báo Trung Quốc bắt đầu nói về khả năng Pháp, NATO can thiệp vào tình hình Biển Đông

VietTimes -- Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian gần đây đã tuyên bố rằng Liên minh châu Âu (EU) công khai phản đối bất cứ hành động nào đe dọa tự do đi lại ở Biển Đông. EU sẽ tổ chức cho hải quân các nước châu Âu đến Biển Đông bảo vệ tự do đi lại.
Ngày 5/6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Nguồn ảnh: Người quan sát, Trung Quốc.
Ngày 5/6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Nguồn ảnh: Người quan sát, Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 13/6 đăng bài viết của nhà nghiên cứu Vương Anh Lương, Trung tâm nghiển cứu quản lý và hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Phục Đán, Trung Quốc phân tích về sự can dự của Pháp đối với vấn đề Biển Đông. Sau đây là nội dung cơ bản của bài viết:

Tại Hội nghị Shangri-La của Diễn đàn quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương, Singapore ngày 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) công khai phản đối bất cứ hành động nào đe dọa tự do đi lại ở Biển Đông. 

Trong thời gian tới, EU sẽ tổ chức cho hải quân các nước châu Âu đến Biển Đông bảo vệ tự do đi lại.

Tự do đi lại ở Biển Đông là lợi ích kinh tế của EU, EU sẽ định kỳ điều tàu chiến bảo vệ an toàn trên biển, EU thúc giục các nước trong khu vực phối hợp giải quyết bất đồng, cảnh cáo Trung Quốc (không điểm danh) phải thận trọng hành động.

Trên thực tế, ngay từ ngày 3/5, tàu hộ vệ FS Guepratte lớp Lafayette Hải quân Pháp đã gia nhập hành động Biển Đông với biên đội tàu sân bay Mỹ. Theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, năm 2016, Pháp đã tham gia tổng cộng 3 lần hoạt động ở Biển Đông. 

Ngày 3/5/2016, tàu hộ vệ FS Guepratte lớp Lafayette Hải quân Pháp đã gia nhập hành động Biển Đông với biên đội tàu sân bay Mỹ. Nguồn ảnh: Chinatimes Đài Loan.
Ngày 3/5/2016, tàu hộ vệ FS Guepratte lớp Lafayette Hải quân Pháp đã gia nhập hành động Biển Đông với biên đội tàu sân bay Mỹ. Nguồn ảnh: Chinatimes Đài Loan.

Là một nước ngoài khu vực, Pháp mạnh mẽ tuyên bố can dự vấn đề Biển Đông như vậy chắc chắn có logic hành động sâu xa - nhà nghiên cứu Vương Anh Lương nhận xét.

Lấy lại hình tượng nước lớn

Theo Vương Anh Lương, trước tiên, Pháp tìm cách xây dựng lại hình tượng nước lớn, làm thay đổi hình tượng “đầu cầu” nhất quán của “chủ nghĩa chống Mỹ” ở châu Âu, can dự Biển Đông là một tín hiệu điều chỉnh chính sách Đông Á của chính quyền Tổng thống Francois Hollande.

Từ thập niên 1990 đến nay, Pháp bày tỏ không hài lòng với các hành động “chủ nghĩa đơn phương” ngày càng nhiều của Mỹ. Hơn nữa, Pháp và Mỹ có quan hệ "lục đục" trong lĩnh vực chống khủng bố, vấn đề người tị nạn châu Âu, trừng phạt và phát triển quan hệ với Nga, vấn đề quốc phòng châu Âu.

Lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố muốn lấy Biển Đông làm cơ hội, tiếp tục khẳng định hình tượng nước lớn, có ý đồ tích cực can dự vấn đề Biển Đông, kêu gọi EU can dự Biển Đông, đồng tình với quan niệm giá trị can thiệp Biển Đông của Mỹ, thay đổi phong cách thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tương đối. Trong chính sách Biển Đông, Pháp đã khởi động mô hình "đứng về một bên" rõ rệt. 

Cạnh tranh tiêu thụ vũ khí

Biên đội tàu sân bay Mỹ và tàu hộ vệ FS Guepratte Hải quân Pháp tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Biên đội tàu sân bay Mỹ và tàu hộ vệ FS Guepratte Hải quân Pháp tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Thứ hai, tiến hành tuyên truyền vũ khí đối với các nước Đông Nam Á. Theo nhà nghiên cứu Vương Anh Lương, Đông Nam Á là thị trường vũ khí quan trọng của thị trường vũ khí thế giới, những năm gần đây, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Pháp đều đang cạnh tranh thị trường tiêu thụ vũ khí ở Đông Nam Á. 

Nhu cầu nhiều nhất của các nước Đông Nam Á là các vũ khí cỡ lớn như tàu chiến, đồng thời các vũ khí kiểu cũ của các nước cũng cần tiến hành nâng cấp, đổi mới. Hoạt động của Pháp ở Biển Đông cũng đã cân nhắc đến việc phô diễn trình độ các trang bị hải quân và khả năng "răn đe vũ lực" của Pháp. 

Tích lũy kinh nghiệm để can dự Bắc Băng Dương/Địa Trung Hải

Thứ ba, tích lũy kinh nghiệm để can dự các cuộc xung đột lợi ích tiềm tàng ở Bắc Băng Dương và Địa Trung Hải. Nhà nghiên cứu Vương Anh Lương cho rằng, Bắc Băng Dương luôn bị Nga coi là "nội thủy". 

Những năm gần đây, Nga đã tích cực tăng cường triển khai quân sự ở Bắc Băng Dương, hơn nữa đã thiết lập riêng một đội quân ứng phó sự cố.

Do khí hậu nóng lên, Bắc Băng Dương đối mặt với xu thế tan băng. Trong khi đó, Nga đang giữ chắc phần lớn các tuyến đường hàng hải ở Bắc Băng Dương. Pháp muốn duy trì vị thế quốc tế thì phải duy trì sự hiện diện sức mạnh cần thiết ở các điểm tựa chiến lược trên biển ở các khu vực quan trọng trên thế giới.

Trước đây, Hải quân Nga đồn trú ở Địa Trung Hải và vấn đề người tị nạn châu Âu gần đây cũng làm cho Pháp ý thức được Địa Trung Hải là khu vực trọng yếu bảo đảm an ninh tự thân và an ninh châu Âu. 

Ngoài ra, trong các nước xung quanh Địa Trung Hải cũng đang tồn tại tranh chấp quyền lợi biển đảo, thậm chí nguy cơ đối đầu quân sự như giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Do Biển Đông được coi là một khối trộn lẫn một số mâu thuẫn của Bắc Băng Dương và Địa Trung Hải, Pháp lấy lý do "tự do đi lại" và "tuyến đường hàng hải quốc tế", đồng thời kêu gọi EU can thiệp Biển Đông. 

Biên đội tàu sân bay Mỹ và tàu hộ vệ FS Guepratte Hải quân Pháp tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Biên đội tàu sân bay Mỹ và tàu hộ vệ FS Guepratte Hải quân Pháp tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Loại mô hình này thực ra thống nhất với ứng phó Nga coi Bắc Băng Dương là "nội thủy", ứng phó với cục diện bất ổn ở khu vực Địa Trung Hải. Do đó, Pháp lựa chọn Biển Đông làm nơi "thử nghiệm" để lấy "kinh nghiệm" - Vương Anh Lương bình luận.

Mỹ tìm cách tái cấu trúc NATO?

Vương Anh Lương cho rằng, Pháp là một nước ngoài khu vực Biển Đông, lựa chọn thời điểm này công khai can dự Biển Đông chắc chắn làm cho cục diện Biển Đông phức tạp hơn, làm tăng độ nóng vấn đề và thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Trong quá trình này, Mỹ tìm cách dựa vào Biển Đông để tái cấu trúc lực lượng NATO. Gần đây, Ngoại trưởng Montenegro và các nước thành viên NATO đã ký kết hiệp định gia nhập NATO.

NATO đã gia tăng diễn tập quân sự ở Ba Lan để ứng phó thách thức quân sự từ Nga. Việc mở rộng vững chắc của NATO cũng đã tìm được “mục tiêu mới”. 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp kêu gọi EU cùng hành động, NATO thể hiện thái độ muốn tăng cường trao đổi quốc phòng, tình báo với các nước ASEAN và diễn tập quân sự bảo vệ an ninh hàng hải. 

Lần này, Mỹ, một quốc gia lãnh đạo của NATO, dẫn dắt NATO nhìn sang phương Đông, tạo ra “mục tiêu mới” cũng là một cơ hội tăng cường khả năng lãnh đạo và tái cấu trúc NATO của Mỹ. 

Ứng phó Trung Quốc

Mỹ tìm cách tập hợp lực lượng đối phó Trung Quốc ở Biển Đông. Để đối phó Trung Quốc, Mỹ bố trí các lực lượng tương ứng cả về chính trị, kinh tế, quân sự và không gian mạng. 

Ngay từ năm 2014, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất "Chiến lược triệt tiêu lần thứ ba" nhằm hạn chế ưu thế của Trung Quốc và duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ. Mỹ ý thức được tính hạn chế của việc "đơn phương độc mã" hành động trên Biển Đông. 

Trong khi đó, trong việc ứng phó với hoạt động xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, NATO là lực lượng Mỹ có thể dẫn dắt và có thể lãnh đạo. 

Sự can dự của NATO cộng với việc Nhật Bản trước đó cho biết sẽ ủng hộ các nước Đông Nam Á kiềm chế Trung Quốc, hơn nữa quan hệ đặc biệt tương đối đã hình thành giữa Mỹ với các nước ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines - dáng dấp một mạng lưới, hệ thống có tính chất quân sự đang hình thành.

Điều này đã khắc phục hạn chế của lực lượng đồn trú Mỹ tại Afghanistan khi răn đe Trung Quốc từ phía tây. Việc tập hợp NATO triển khai hành động ở Biển Đông cũng đã mở ra một mô hình mới ngăn chặn Trung Quốc bành trướng.