Báo Pháp tố Trung Quốc “leo thang quân sự” khi đưa tên lửa tới Hoàng Sa

Việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên quần đảo Hoàng Sa được hai tờ báo Pháp La Croix và Les Echos đánh giá là một bước tiến tới âm mưu quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Trung Quốc đã triển khai tên lửa phòng không tầm xa trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa
Trung Quốc đã triển khai tên lửa phòng không tầm xa trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa

Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos nhấn mạnh hành động trên là một sự leo thang, trái ngược với lời tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc là «hoàn toàn mang tính phòng vệ» nhằm bảo vệ nhân viên sống trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa Trung Quốc dùng vũ lực chiếm của Việt Nam.

Tờ báo kinh tế cho rằng «cuộc khủng hoảng tên lửa» là bước mới trong chiến lược «cấm qua lại» trong khu vực của Bắc Kinh. Sau khi tiến hành nhiều công trình bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, các cảng nước sâu, hải đăng và nhiều công trình khác, «Trung Quốc không còn trong quá trình chiếm đóng, mà thực sự đã làm xong việc này», theo như lời nhận định của ông Jean-Vincent Brisset, giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IRIS -Pháp.

Việc triển khai hai hệ thống gồm 8 tên lửa địa đối không chỉ là bước tiếp theo. Song khó mà tin được rằng chúng chỉ nhằm mục đích bảo vệ các vùng lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý (22 km). Vì với tầm bắn tới 200 km, các tên lửa Hồng Kỳ HQ-9 do Trung Quốc sản xuất có thể trở thành vũ khí tấn công. Ngoài ra, hệ thống radar của các tên lửa này còn có khả năng phát hiện mục tiêu như máy bay.

Nhà nghiên cứu Neil Ashdown, chuyên gia về châu Á tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng IHS Jane’s Defense, đánh giá: «Lần đầu tiên một hệ thống có quy mô như vậy được triển khai tại Biển Đông. Đây rõ ràng là hành động quân sự hóa khu vực». Thật vậy, việc triển khai một hệ thống tên lửa hiện đại tại ngã tư chiến lược đối với hoạt động giao thương hàng hải khó có thể tránh khỏi làm tăng thêm căng thẳng mà bắt đầu là từ các nước láng giềng.

Cả Les Echos và La Croix đều cho rằng chỉ một ngày sau hội nghị thượng đỉnh giữa khối ASEAN và Mỹ, tổng thống Barack Obama có cơ hội lý tưởng để tái khẳng định sự phản đối của mình trước chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Ngoài lời kêu gọi những giải pháp hữu hiệu để làm giảm căng thẳng trong khu vực, ông còn nhấn mạnh «không thể để giao thương hợp pháp bị cản trở. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay trên không phận và thực thi quyền đi lại khắp nơi trên thế giới được luật pháp quốc tế cho phép. Mỹ sẽ ủng hộ các nước khác cùng làm như vậy».