Nhật báo kinh tế Nikkei (Nhật Bản) cho rằng những động thái gần đây của Tổng thống Rodrigo Duterte với xu hướng xích lại gần Trung Quốc có thể sẽ khiến Việt Nam với nền quốc phòng phát triển nhanh chóng, trở thành một nhân tố quan trọng hơn trong vấn đề địa chính trị ở Biển Đông.
Theo Nikkei, việc thúc đẩy nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) để đối phó với diễn biến tình hình phức tạp trên Biển Đông đã chỉ được một số nhà quan sát nhìn nhận dựa trên cơ sở mua bán khối lượng lớn vũ khí lớn trong thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên cách nhìn đơn giản này lại bỏ qua những thay đổi ngầm về cấu trúc đang diễn ra bên trong quân đội Việt Nam và làm giảm vai trò chiến lược ngày càng tăng của QĐNDVN trong vấn đề quốc phòng và hoạch định chính sách đối ngoại.
Mãi cho đến tận đầu những năm 2000, QĐNDVN vẫn là lực lượng quân sự chủ yếu dựa vào sức mạnh lục quân, điều chỉnh để phù hợp với những nhiệm vụ thời bình, sau chiến dịch thực hiện nghĩa vụ quốc tế kéo dài cả thập kỷ ở Campuchia, cuộc chiến này chính thức kết thúc vào tháng 10/1991 giữa lúc Việt Nam mở cửa nền kinh tế.
Trong những năm qua, trong khi phải đối mặt với những căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông do các tranh chấp lãnh hải, QĐNDVN đã bắt tay vào một nhiệm vụ tái xây dựng từ đầu để trở thành một lực lượng hiện đại và chuyên nghiệp có khả năng thực hiện răn đe trong lĩnh vực hàng hải. Nỗ lực này dựa trên ba trụ cột quan trọng, các trụ cột này thông báo các hành động quân sự của Việt Nam đã được thực hiện và sẽ thực hiện trong tương lai, đặc biệt là trên Biển Đông, Nikkei nhận định.
Sẵn sàng chiến đấu cao
Trước tiên là một đề án đang được triển khai với tên gọi chính thức là “Điều chỉnh tổ chức QĐNDVN đến năm 2020”. Mục tiêu của đề án này là biến quân đội Việt Nam thành một lực lượng chiến đấu tinh gọn, mạnh mẽ, cơ động cao và linh hoạt”. Theo chiến lược trụ cột này, những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là hiện đại hóa hoàn toàn lực lượng hải quân, không quân và cảnh sát biển Việt Nam và tiến hành nghiên cứu công nghệ trong lĩnh vực thông tin liên lạc, tác chiến điện tử và kỹ thuật trinh sát.
Nikkei đánh giá, việc Việt Nam mua của Nga các tàu ngầm lớp Kilo, tàu hộ vệ tên lửa Gepard và các máy bay chiến đấu Su-30MK2, mua sắm tàu tuần tra mới cho lực lượng cảnh sát biển và nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa phòng thủ biển trong những năm gần đây đã giúp củng cố đáng kể sức mạnh của QĐNDVN.
Đồng thời, Việt Nam cũng tập trung tăng cường chất lượng chương trình đào tạo và huấn luyện quốc phòng. Khi Tổng Tham mưu trưởng kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Phan Văn Giang phát biểu trước các quân nhân hồi tháng 8/2016, ông đã nhấn mạnh rằng việc xây dựng một quân đội “tinh gọn, mạnh mẽ, cơ động và linh hoạt”, đòi hỏi một sự thay đổi về cả vũ khí, trang bị lẫn nhân sự.
Chín quân khu của Việt Nam đươc phân chia theo hình thế địa lý đang dần đẩy mạnh cường độ các cuộc diễn tập, các khóa huấn luyện và kế hoạch tác chiến đột xuất theo những điều kiện chiến đấu thực tế. Theo chương trình thúc đẩy hiện đại hóa, các sĩ quan chỉ huy và chính trị viên kỳ vọng nâng tầm sánh ngang với triển vọng an ninh khu vực đang ngày càng phát triển, học hỏi các chiến lược quốc phòng và an ninh của các nước lớn và theo đó điều chỉnh chiến lược của Việt Nam.
Theo Nikkei, trong khi đó Việt Nam đang chú trọng vào việc giám sát một đề án đặc biệt của Bộ quốc phòng, chương trình đảm bảo các sĩ quan nắm vững và làm chủ hoàn toàn các vũ khí và công nghệ mới.
Đây là một thách thức lớn đối với quân đội đang đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa như Việt Nam và kết quả là QĐNDVN ngày càng tự tin hơn trong hoạt động hàng hải. Việt Nam đã cho tàu ngầm Kilo đầu tiên của mình hoạt động tuần tra dọc bờ biển năm ngoái và hạm đội tàu ngầm mới sẽ đi vào vận hành vào cuối năm 2017. Lực lượng hải quân đánh bộ hồi đầu năm 2016 đã tiến hành tập trận mô phỏng việc tái chiếm đảo ở Biển Đông giữa lúc Việt Nam đang theo dõi sát những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, trong bối cảnh các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự do nước ngoài bồi lấp, xây dựng phi pháp ráo riết trên quần đảo Trường Sa.
Nikkei ghi nhận, đáng chú ý là cuộc diễn tập phòng không bắn đạn thật ở phía bắc hồi tháng 10 có sự tham gia của lực lượng từ 3 trong số 9 quân khu tiến hành với sự yểm trợ của các binh chủng lục quân và hải quân. Cuộc tập trận hợp đồng tác chiến này là một chỉ báo sớm về kế hoạch của QĐNDVN dự định sau này sẽ tác chiến dưới một hệ thống chỉ huy chung trong tương lai. Nhiều nguồn tin nước ngoài hồi tháng 8 nói rằng, Việt Nam có thể đã triển khai các hệ thống tên lửa cơ động tới năm tiền đồn ở quần đảo Trường Sa, báo hiệu rằng việc xây dựng năng lực quốc phòng hiện đang đóng vai trò quyết định giúp Việt Nam quản lý tình hình Biển Đông.
(còn tiếp)