Như đã biết, dự án chế tạo tên lửa phòng không hiện đại Made in Vietnam đã đạt được những bước tiến dài. Tới đây, hàng nghìn quả tên lửa hiện đại sẽ được xuất xưởng.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng nói chung, trong đó có công nghiệp tên lửa nói riêng, đến nay, chúng ta đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần tạo nền móng vững chắc, là bệ phóng cho giai đoạn "cất cánh" ngoạn mục.
Nhằm tiếp tục thông tin về những thành tựu mới trong lĩnh vực chế tạo tên lửa phòng không, cùng tìm hiểu về năng lực sản xuất tên lửa phòng không tầm thấp "Made in Vietnam" để cùng tự hào và thêm tin tưởng vào sự lớn mạnh không những của QĐND Việt Nam nói chung và CNQP Việt Nam nói riêng.
Đến nay, Dự án chế tạo tên lửa TL-01 đã đạt được những kết quả khả quan khi các nhà khoa học đầy nhiệt huyết và sáng tạo Việt Nam làm chủ được công nghệ chế tạo các thành phần đặc biệt quan trọng của loại tên lửa phòng không tầm thấp này.
Một trong những thành tựu ấy chính là chế tạo thành công pin nhiệt được dùng cho tên lửa phòng không tầm thấp với nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho đầu tự dẫn hồng ngoại để bắt mục tiêu.
Không ai khác, chính các nhà khoa học thuộc Bộ môn Hóa, Khoa Hóa lý kỹ thuật (Học viện Kỹ thuật quân sự) là những người xứng đáng được vinh danh, khi hoàn thành đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng: "Hoàn thiện công nghệ chế tạo pin nhiệt cho tên lửa phòng không tầm thấp".
Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, "đầu bài" đặt ra với yêu cầu rất cao, trong khi nguồn lực có hạn và vấn đề mới mẻ, bởi đây là công nghệ luôn được các quốc gia giữ bí mật, nhưng vượt qua tất cả, sản phẩm pin nhiệt chế thử đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra, qua thử nghiệm bảo đảm chất lượng tốt.
Đến nay, đề tài đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo pin nhiệt; xây dựng dây chuyền lắp ráp đạt công suất 300 sản phẩm/năm và hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm.
Rất vui mừng được biết, một khi làm chủ được việc chế tạo pin cho tên lửa phòng không tầm thấp thì không lý gì lại không vươn tới được pin nhiệt cho các dòng tên lửa hiện đại hơn, tầm xa hơn. Mấu chốt của vấn đề chính là ở đó.
Ngược dòng lịch sử một chút để thấy vai trò đặc biệt quan trọng trong tác chiến phòng không của tên lửa phòng không tầm thấp hay (tên lửa phòng không vác vai).
Ngay khi được Liên Xô viện trợ tên lửa phòng không tầm thấp A-72 (đưa vào sử dụng năm 1972), khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay thấp của quân đội Việt Nam đã thay đổi toàn diện, khiến kẻ địch khiếp sợ.
Bởi dưới bàn tay vàng của những xạ thủ tên lửa, hiệu suất chiến đầu của A-72 được nâng cao đáng kể, đạt 0,375 vượt trội hơn hẳn so với hiệu suất chiến đấu là 0,3 theo tính toán thiết kế của nhà sản xuất (tức 1.000 quả đạn diệt 300 máy bay).
Riêng kỳ tích mà liệt sĩ, Anh hùng Hoàng Văn Quyết đạt được, bắn rơi 16 máy bay, hiện đang giữ kỷ lục của Quân chủng PK-KQ Việt Nam và có thể coi là một kỷ lục thế giới.
Trở lại với vấn đề chính, hiện nay Việt Nam đang cùng lúc triển khai song song 2 dự án chế tạo và sản xuất tên lửa phòng không tầm thấp gồm: Dự án sản xuất tên lửa Igla-1 (SA-16 Gimlet) và TL-01.
Trong đó, Igla-1 đã đi vào sản xuất từ vài năm nay và cung cấp hàng trăm quả đạn cho các đơn vị phòng không. Riêng TL-01 thực sự "Made in Vietnam" mới đang trong quá trình chế thử, phải ít lâu nữa mới có sản phẩm hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, một trong những thông tin hé lộ cho thấy số lượng tên lửa phòng không tầm thấp Việt Nam có thể sản xuất mỗi năm sẽ lên tới hàng trăm quả. Sở dĩ nói thế là vì dây chuyền sản xuất, lắp ráp pin nhiệt đạt công suất 300 sản phẩm/năm. Một con số thật ý nghĩa.
Dù vậy, công suất thiết kế là thế, nhưng sản xuất bao nhiêu, thấp hơn hay đạt mức cao nhất lại là chuyện khác, tùy theo yêu cầu tình hình. Một khi ta làm chủ công nghệ chế tạo thì không gì ngăn nổi ta tăng tốc cho ra đời hàng trăm quả tên lửa mỗi năm.
Dẫu biết rằng, 300 sản phẩm pin nhiệt ra lò mỗi năm ấy (nếu được sản xuất) không đồng nghĩa với sản xuất được 300 quả tên lửa, vì số pin còn phải dành cho dự trữ, thay thế những sản phẩm đã hết hạn, hoặc không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và có thể dùng cho những mục đích khác ngoài chế tạo tên lửa.
Nhưng, rõ ràng, nếu mỗi năm sản xuất một vài trăm quả đạn thì chắc chắn 10 năm tới, Việt Nam sẽ sở hữu trong tay hàng nghìn quả tên lửa phòng không tầm thấp hiện đại, gồm cả Igla sản xuất theo giấy phép chuyển giao công nghệ và TL-01 "Made in Vietnam".
Trong chiến tranh hiện đại, để đối phó với các loại mục tiêu bay thấp tấn công ồ ạt hoặc phục kích tiêu diệt địch đổ bộ đường không, thì việc dự trữ sẵn một lượng lớn đạn tên lửa phòng không tầm thấp không bao giờ thừa.
Nên nhớ, theo thống kê của Steven Zaloga trên Tạp chí JIR số 4-1994, tại chiến trường Việt Nam từ 1972-1975 đã có 528 tên lửa A-72 được phóng đi.
Theo Sputnik