Tờ Rossiyskaya Gazeta (Nga) ngày 19/6 cho rằng, trong một loạt bài phát biểu trong tranh cử và sau khi trúng cử Tổng thống Hàn Quốc của ông Moon Jae-in đã có dấu hiệu cho thấy ông Moon Jae-in dự định thực hiện chính sách Triều Tiên khác với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhân dịp tròn 17 năm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên, ngày 15/6, nhà lãnh đạo Hàn Quốc kêu gọi tôn trọng, tuân thủ thỏa thuận hợp tác được hai miền Triều Tiên ký trước đây và thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Hội đàm sáu bên, đồng thời mời Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại.
Ông Moon Jae-in nhấn mạnh: “Nếu Triều Tiên chấm dứt thách thức tên lửa và hạt nhân, chúng tôi sẵn sàng triển khai đối thoại trực tiếp vô điều kiện”.
Như vậy, ông Moon Jae-in đã từ bỏ lập trường của các nhà lãnh đạo phe bảo thủ trước đó là ông Lee Myung-bak và bà Park Geun-hye, yêu cầu Bình Nhưỡng áp dụng các biện pháp sơ bộ phi hạt nhân hóa, rồi mới thảo luận đàm phán. Đến nay, Mỹ cũng áp dụng lập trường này.
Trong một cuộc hội thảo ở Washington Mỹ, ông Moon Chung-in, trợ lý đặc biệt phụ trách vấn đề ngoại giao và an ninh của Phủ Tổng thống Hàn Quốc thậm chí tuyên bố: “Nếu Triều Tiên chấm dứt các hoạt động hạt nhân và tên lửa, chúng tôi có thể cùng Mỹ bàn bạc thu hẹp quy mô tập trận hàng năm giữa Hàn - Mỹ cũng như quy mô Mỹ triển khai vũ khí chiến lược ở bán đảo Triều Tiên”.
Đồng thời, ông Moon Chung-in còn cho hay đây là đề nghị và quan điểm cá nhân của nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in. Nhìn vào điều này cho thấy, Seoul và Washington đã xuất hiện bất đồng nghiêm trọng về lập trường.
Báo Nga cho rằng Hàn Quốc đã gia nhập “mặt trận” của Trung Quốc và Nga. Trung Quốc và Nga đã nhiều lần đề nghị hai bên phải nhượng bộ lẫn nhau. Trong đó, Triều Tiên phải tuyên bố tạm dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, Hàn Quốc và Mỹ thu hẹp quy mô tập trận, rút tàu sân bay khỏi bờ biển Triều Tiên. Trong thời kỳ cầm quyền của bà Park Geun-hye, Seoul đứng ở tuyến đầu gây sức ép cứng rắn với Bình Nhưỡng, không đồng ý tiến hành trao đổi.
Theo báo Nga, việc Seoul trình bày quan điểm về Triều Tiên trước cuộc hội đàm cấp cao Hàn - Mỹ từ ngày 29 - 30/6 cho thấy tân chính phủ Hàn Quốc đã tương đối “mạnh dạn”. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc và cá nhân ông Moon Jae-in cũng tuyên bố hiện là lúc bản thân Hàn Quốc quyết định chính sách đối với Triều Tiên.
Mặc dù Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhanh chóng lên tiếng “nói tránh nói giảm” cho rằng đó là những quan điểm cá nhân của ông Moon Jae-in và nói chuyện với tư cách là học giả, nhưng tín hiệu của Seoul là rõ ràng. Hàn Quốc dự định triển khai đối thoại với Triều Tiên và họ đang tìm các loại lý do cho phù hợp.
Ban đầu, Washington không đưa ra phản ứng với Hàn Quốc, nhưng sau đó Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Lập trường của Mỹ đối với Triều Tiên không có gì thay đổi: Trước khi bắt đầu đối thoại, Triều Tiên cần áp dụng biện pháp từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Như vậy, bất đồng giữa Hàn Quốc và Mỹ trong vấn đề Triều Tiên đã rất rõ ràng. Mỹ vẫn đặt ra điều kiện tiền đề, kiên trì đi con đường cứng rắn, đồng thời yêu cầu các nước khác áp dụng thái độ tương tự với Triều Tiên.
Hiện nay, Hàn Quốc coi nhẹ thỏa thuận đạt được với Mỹ thời kỳ bà Park Geun-hye, tạm dừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở lãnh thổ Hàn Quốc, cho dù Washington bày tỏ “hiểu và tiếp nhận lập trường” của Seoul.
Tại Mỹ, ông Moon Chung-in còn thẳng thắn khẳng định, Hàn Quốc sẽ không triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trong vòng 1 năm, bởi vì Hàn Quốc không để dự báo được các tác động ảnh hưởng đối với môi trường.
Cuối cùng, báo Nga cho rằng, sau khi đứng về phía Mỹ và gây sức ép với Triều Tiên ở tuyến đầu, Seoul hiện đã chuyển sang gia nhập “mặt trận Trung - Nga”, bắt đầu kêu gọi khởi động đối thoại vô điều kiện, tiến hành nhượng bộ lẫn nhau một cách có thể chấp nhận được.