Báo Mỹ: Phó Tổng thống Joe Biden sẽ gặp phải áp lực trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối diện với một loạt các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng như vụ xảy ra hôm thứ Bảy nhắm vào một đám cưới của người Kurd ở Gaziantep.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden

Khi Phó Tổng thống Joe Biden đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Tư, ông sẽ là lãnh đạo cấp cao nhất của phương Tây đến thăm đất nước này kể từ vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bất thành vào ngày 15/7. 

Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang tức giận về điều mà họ cho là thiếu đoàn kết từ phương Tây, trong khi nhiều người ở phương Tây lo ngại về việc Ankara sa thải hoặc đình chỉ gần 80.000 nhân viên chính phủ và binh sĩ kể từ cuộc đảo chính bất thành. 

Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối diện với một loạt các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng như vụ xảy ra hôm thứ Bảy nhắm vào một đám cưới của người Kurd ở Gaziantep, theo sau một âm mưu đảo chính bao gồm vụ đánh bom đầu tiên vào quốc hội nước này. 

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết về mục tiêu của Phó Tổng thống Biden trong chuyến thăm này:

“Đầu tiên và trên hết là thông điệp mà Phó Tổng thống sẽ đưa ra là sự hỗ trợ mạnh mẽ, liên tục của chúng ta đối với các đồng minh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Rõ ràng đây là một đất nước đang gặp phải rất nhiều chuyện”.

Một số nhà phân tích nói hầu hết người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã chỉ trích thái quá phản ứng của Ankara sau cuộc đảo chính.

Ông Kemal Kirisci của Viện Brookings nói:

“Công chúng Thổ Nhĩ Kỳ hoang mang là tại sao một đồng minh rất lâu đời của Thổ Nhĩ Kỳ lại phải mất một thời gian dài như vậy để bày tỏ và biểu lộ tình đoàn kết qua một chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, và câu hỏi này cũng đặt ra cho EU”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo sống tại Mỹ Fethullah Gulen đã gây ra vụ đảo chính và yêu cầu Washington trao ông ta cho Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức.

Ông Erdogan nói:

“Chúng tôi nói với Mỹ: phải chăng chúng ta là đối tác chiến lược? Phải chăng chúng ta không có hiệp ước dẫn độ? Nếu đúng, thì khi anh yêu cầu dẫn độ những kẻ khủng bố, chúng tôi không đòi hỏi hồ sơ.”

Từ ngôi nhà ở Pennsylvania của mình, giáo sĩ Gulen nói với đài VOA rằng ông không tham gia vào cuộc đảo chính và ông lên án bạo lực. Luật sư của ông nói:

“Sẽ là điều chưa từng có tiền lệ và kinh khủng nếu Mỹ bắt một ông già yếu ớt, gần tám mươi tuổi, nhét ông ta lên máy bay để quay trở về nơi mà toàn bộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sắp đặt sẵn những điều ghê tởm để nói về ông ấy”.

Điều mà ông Biden có phần chắc sẽ lặp lại tại Ankara là những gì mà Thư ký báo chí Earnest giải thích vào hôm thứ Hai:

“Có một hiệp ước, hiệp ước dẫn độ đã được ký kết giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ hơn 30 năm qua”.

Ông Earnest cho biết một số giới chức của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ tuần này để xem xét một số bằng chứng mà họ đã thu thập được. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng và các quy định của hiệp ước.