Bấy lâu nay, do sự mở cửa, hội nhập chủ động và tích cực của nước ta với các nước khu vực và thế giới đã cho ra nhiều hiện tượng trái ngược với thuần phong mỹ tục, cốt cách, văn hóa cha ông bao đời vun đắp dựng xây. Rất nhiều nam thanh nữ tú ở ta mặc ngắn, phản cảm vì hở thịt, hở da đi dự lễ hội, vào chùa, vào nơi thờ tự tôn nghiêm, khiến người khác phải đỏ mặt hộ.
Ở nơi công cộng, nhiều bạn nữ thích sống phong cách “tây”, mặc mà dường như không mặc.
|
Ở nơi công cộng, nhiều bạn nữ thích sống phong cách “tây”, mặc mà dường như không mặc, hoặc luôn có ý định “biến đường phố thành bãi biển”. Các chuyên gia văn hóa cho rằng, phương châm sống “em đẹp em có quyền”, “biết tuốt” để thể hiện cá tính trong giới trẻ hiện nay là thứ vi-rút độc hại ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, đó là cách sống mất gốc, không có chiều sâu nếu không muốn nói là a dua, đua đòi.
Ngay cả những nơi linh thiêng như thế này mà không ít người vẫn hành xử như ở chốn không người.
|
Hoa sen vốn là loài hoa đẹp thanh cao và gắn bó với lịch sử truyền thống dân tộc lâu nay, đặc biệt với nhà Phật. Đối với người Việt chúng ta, câu ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đã ăn sâu vào tiềm thức từ ngày trong nôi. Tuy chưa có quy định công nhận hoa sen là quốc hoa, nhưng với việc được bình chọn đạt tỷ lệ cao hơn các loài hoa khác do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến rộng rãi vào năm 2011 đã cho thấy, sự tôn trọng của người Việt Nam dành cho hoa sen đáng quý biết nhường nào!
Sư ông Tuệ Mẫn ở chùa Thanh Am, Hà Nội bình luận về hoa sen: Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết, thánh thiện và trí tuệ siêu việt và niềm khao khát giác ngộ. Sen được dùng cúng Phật vì lẽ nó thanh cao, vượt lên trên những bùn lầy trần tục như sự giải thoát khỏi phiền trược của công việc tu đạo. Đức Phật Thích Ca từ lúc đản sinh cho đến lúc nhập diệt đều ở trên hoa sen. Điều này biểu trưng cho tinh thần bất nhiễm trần của đấng Giác ngộ, tượng trưng cho trí tuệ, cho triết lý cao siêu của Phật giáo. Thế nên, không thể chấp nhận hành vi con người đối đãi với hoa sen thiếu văn hóa mà lại đi chùa cầu sự thanh tịnh và bình an. Đó là nghiệp chướng.
Những hình ảnh rất phản cảm được tung đầy trên các trang mạng
|
Ấy nhưng, mùa sen nở này, ở nhiều đầm sen ở các địa phương trong cả nước bùng lên phong trào chụp ảnh với sen. Thôi thì đủ cả. Người áo yếm, kẻ tứ thân và đáng buồn là có cả những kẻ không mặc gì. Không chịu lép vế trước phong trào chụp ảnh với sen của các nữ tú, nhiều nam thanh cũng uốn éo khoe thân cùng sen. Bi hài nhất vẫn là các mẹ, các chị tuổi xồm xồm, eo bành mỳ, mặt căng phấn, lưng to hơn cái phản cũng a dua theo bọn “trẩu tre”, uốn a uốn éo cố vớt vát tí sắc xuân còn lại của cuộc đời để minh chứng cho thiên hạ thấy mình đã “dậy thì thành công” hoặc là để làm kỷ niệm cho bằng chị bằng em.
Trước hiện tượng này, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, giảng viên Viện Văn hóa phát triển, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phân tích: Sen là biểu tượng dành cho cái đẹp tao nhã, thanh cao. Phàm đã là phụ nữ thì họ có quyền gắn mình cùng cái đẹp ví dụ với hoa sen như một sự so sánh thuần khiết. Nhưng nên nhớ - dải yếm là thứ trang phục truyền thống dành cho phụ nữ. Nó là biểu tượng về cái đẹp của sự xuân thì chứ không là biểu tượng của tuổi già.
Cái đẹp chỉ có giá trị văn hóa khi được mọi người trong xã hội cảm nhận, công nhận về kết quả và hiệu ứng mà nó mang lại.
|
Các bô lão đeo dải yếm chụp ảnh với sen kể cũng chẳng khác đàn ông đóng khố và đeo cavat. Nó là tập hợp lộn ngược của cái đẹp. Những nhà nhiếp ảnh thì hành động vì tiền chứ không vì cái đẹp nên đã tạo ra sự lộn xộn. Nó lố lăng từ kẻ chụp ảnh không liêm sỉ cho đến kẻ đua đòi buộc yếm vào cổ mà không hề hiểu giá trị thẩm mỹ của cái yếm trong quá khứ. Tất cả đều do nguyên nhân thiếu phông văn hóa cơ bản nhất. Vì thế, trong việc này, sen vô tội khi phục vụ cái đẹp vốn bị tưởng nhầm là đẹp.
Cái đẹp chỉ có giá trị văn hóa khi được mọi người trong xã hội cảm nhận, công nhận về kết quả và hiệu ứng mà nó mang lại. Tất nhiên, xã hội cũng sẽ không dung nạp và quy tụ những sản phẩm phản văn hóa. Thế nên, để “văn hóa cởi” không có đất sống thì mỗi chúng ta cần nâng cao giá trị hưởng thụ văn hóa. Lên án những giá trị văn hóa thấp hèn, dung tục cũng chính là cách để “văn hóa cởi” hết trò để diễn với đời.