Bao Fan: Chủ tịch ngân hàng đầu tư hàng đầu Trung Quốc vừa mất tích bí ẩn là ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bao Fan (Bao Phàm) – vị tỷ phú am hiểu về cộng đồng tài chính Trung Quốc, đã mất tích một cách bí ẩn, làm dậy sóng thị trường tài chính nước này.
Bao Fan (Bao Phàm) - Chủ tịch và giám đốc điều hành của China Renaissance Group (Ảnh: Bloomberg)
Bao Fan (Bao Phàm) - Chủ tịch và giám đốc điều hành của China Renaissance Group (Ảnh: Bloomberg)

Người se duyên cho các thương vụ M&A của giới công nghệ Trung Quốc

Bao Phàm sinh năm 1970 tại Thượng Hải, Trung Quốc, có cha và mẹ đều làm việc trong chính phủ.

“Cha mẹ tôi không làm chức vụ gì cao cấp. Tôi cũng không phải là hoàng tử (ám chỉ con cái của giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của Trung Quốc - PV)", ông nói.

Ông học tại Đại học Phúc Đán danh tiếng của Thượng Hải trước khi gia nhập làn sóng du học nước ngoài. Trong khi nhiều người chọn tới Mỹ hoặc Anh, Bao Phàm đã dành bốn năm tại Trường Kinh doanh Na Uy BI ở Oslo.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ kinh tế ở Na Uy, Bao Phàm làm việc tại Credit Suisse và Morgan Stanley ở London và New York. Cuối năm 1990, ông chuyển tới Hồng Kông. Tại đây, ông tập trung vào các công ty trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông.

Năm 2000, Bao Phàm rời Morgan Stanley để trở thành giám đốc chiến lược tại AsiaInfo - một nhà sản xuất phần mềm có trụ sở tại Bắc Kinh, và là một trong những công ty công nghệ của Trung Quốc sớm niêm yết tại Mỹ.

“Những người này thông minh, nhanh nhẹn và cực kỳ năng động, và rất nhiều trong số đó là di sản từ văn hóa Thung lũng Silicon. Tất cả họ đều có nhu cầu về mặt tài chính doanh nghiệp", Bao Phàm chia sẻ.

Công việc giúp ông được giới thiệu với các doanh nhân mới nổi như Jack Ma - khi ấy đang phải vật lộn để tìm kiếm lợi nhuận. Bảo cho rằng nhiều công ty khởi nghiệp địa phương cũng chung một con thuyền. Họ quá nhỏ để thu hút các ngân hàng đầu tư quốc tế.

Năm 2004, ông quyết định tự mình thành lập China Renaissance để thu xếp các giao dịch tài chính tư nhân nhỏ cho các công ty thu hút được các vòng tài trợ vốn mạo hiểm ban đầu.

“Hồi đó những công ty này rất nhỏ, nhưng bạn có thể thấy chúng có tiềm năng to lớn để phát triển với tốc độ cực nhanh,” ông nói. “Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có thể bắt đầu phục vụ những người này sớm, chúng ta có thể cùng nhau phát triển.”

Chiến lược đó đã hoạt động hiệu quả. Kể từ đó, Bao Phàm đã tư vấn cho các đợt IPO trị giá 26 tỷ USD, các thương vụ M&A, chào bán trái phiếu chuyển đổi và phát hành riêng lẻ cho các khách hàng công nghệ Trung Quốc. Và China Renaissance đã xây dựng khoảng 600 triệu USD tài sản được quản lý bằng cách mua cổ phần trong các công ty đầy triển vọng.

Bao Phàm cho rằng, ông thành công là nhờ vào lợi thế của người đi trước và có một nhóm am hiểu công nghệ mà ông gọi là “Nhóm Alpha” để tìm ra những người thông minh nhất trong số những người thông minh.

Ở một quốc gia nơi các ngân hàng đầu tư địa phương tích lũy tiền dễ dàng khi đưa các doanh nghiệp nhà nước tham gia thị trường, Bao Phàm đã biến các công ty công nghệ thuộc khu vực tư nhân thành thị trường ngách của mình.

Ông đã tuyển dụng nhân viên ngân hàng đầu tư và cựu nhà đầu tư mạo hiểm Xiang Zhou, 34 tuổi, để lãnh đạo Nhóm Alpha. Ruoyu Sun, 24 tuổi, là chuyên gia công nghệ. Bộ đôi này đã tạo ra một nền tảng Internet dựa trên ứng dụng nhắn tin WeChat để kết nối các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu với các nhà tài trợ.

Công ty của ông cũng đã đầu tư vào các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Nio (NIO) và Li Auto được niêm yết tại Mỹ, đồng thời giúp những gã khổng lồ internet Trung Quốc Baidu (BIDU) và JD.com (JD) hoàn thành việc niêm yết thứ cấp của họ tại Hồng Kông.

Ông đã giúp môi giới cho vụ sáp nhập năm 2015 giữa hai dịch vụ giao đồ ăn hàng đầu của đất nước là Meituan và Dianping. Ngày nay, nền tảng “siêu ứng dụng” của công ty kết hợp đã phổ biến ở Trung Quốc.

Khát vọng tìm ra Jack Ma 2.0

Ở một quốc gia mà Jack Ma - một người từng là giáo viên - nổi lên như một hiện tượng khi đã biến Alibaba thành công ty bán lẻ điện tử tầm cỡ, Bảo Phàm tự tin rằng sẽ có nhiều người như Jack Ma hơn với những ý tưởng vươn tầm thế giới. “Chúng tôi đang rất cố gắng để tìm ra một Alibaba tiếp theo,” ông nói.

Theo Bao Phàm, mục tiêu tìm kiếm công ty của ông là công nghệ theo nghĩa rộng, tập trung vào các công ty sẽ phát triển mạnh trong “nền kinh tế mới” của Trung Quốc. Đó là nền kinh tế được thúc đẩy bởi việc áp dụng các đổi mới kỹ thuật số đang làm rung chuyển các ngành truyền thống như bán lẻ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hậu cần, trong số những người khác.

“Nếu bạn muốn đầu tư vào Trung Quốc, không có gì khác để đầu tư ngoài những công ty công nghệ này vì mọi thứ khác đều đã chết,” ông nói. “Chỉ có các công ty công nghệ đang phát triển.”

Giống như trường hợp của BitAuto Holdings, một công ty truyền thông trực tuyến cung cấp thông tin toàn quốc về giá xe hơi tại các đại lý khác nhau, cũng như tin tức và đánh giá về ngành.

Năm 2007, China Renaissance đã giúp công ty thu về 15 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm DCM, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Thung lũng Silicon và Bắc Kinh. BitAuto đã ra mắt công chúng tại Mỹ vào năm 2010 và kể từ đó, cổ phiếu của nó đã tăng gấp 5 lần./.

(Nguồn tham khảo: Forbes, Bloomberg, NYT)