Báo Spiegel và DW lần lượt có bài viết ''Biển Đông: Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng trên các đảo ở Trường Sa'' và ''Trung Quốc muốn tạo sự đã rồi trong tranh chấp biển đảo'' đánh giá Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đá thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông một cách nhanh chóng.
Để có vật liệu xây đảo nhân tạo, Bắc Kinh phải sử dụng những máy xúc, máy hút công suất lớn để hút đất, cát từ Biển Đông, tàn phá nghiêm trọng môi trường biển. Các công trình mới xây dựng của Trung Quốc cho thấy rõ hơn quy mô đường băng để cất hạ cánh máy bay và các bến cảng neo đậu tàu thuyền.
Hai tờ báo này cùng dẫn một báo cáo mới công bố của Bộ quốc phòng Mỹ cho thấy diện tích được cải tạo ở các đảo, đá đã tăng gấp 4 lần từ hồi tháng 12/2014 đến hết tháng 4/2015 và tổng diện tích đảo nhân tạo Trung Quốc mở rộng thêm ở Biển Đông lên tới 600ha.
Bài viết trên tờ Spiegel dẫn phát biểu của Đô đốc Mỹ Harry Harris tại một hội nghị ở Australia hồi tháng 4/2015 rằng ông hết sức lo ngại trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông và đánh giá hoạt động xây đảo của Trung Quốc không chỉ tàn phá thiên nhiên và cảnh quan tươi đẹp của nhiều khu vực ở Biển Đông mà còn là hành động khiêu khích với các nước nhỏ hơn trong khu vực cũng có đòi hỏi chủ quyền với những đảo này.
Trong khi đó, theo bài viết của báo DW, Trung Quốc đang muốn nhanh chóng tạo dựng sự hiện trên thực tế ở các bãi đá trên Biển Đông, vốn trước đây không có người ở, bằng việc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự.
Báo DW cũng trích lại tuyên bố chủ tịch ASEAN tại Hội nghị cấp cao của khối vừa kết thúc cuối tháng 4/2015 về cảnh báo các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc làm "xói mòn lòng tin" và đe dọa đến "hòa bình, an ninh và ổn định'' của khu vực.
Một tờ báo lớn khác của Đức là báo FAZ có bài viết ''Mở rộng đảo gây tranh cãi: Trung Quốc biện minh cho việc xây dựng các đảo san hô'' nhận định cộng đồng quốc tế đang thể hiện rõ thái độ phản đối quyết liệt các hoạt động củng cố, cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc ở các đảo, đá ở Biển Đông.
Theo báo FAZ, ngoài Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Philippines Benigno Aquino và cả Hiệp hội ASEAN đều đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ lớn ảnh hưởng đến ổn định, hòa bình khu vực mà việc xây dựng đảo quy mô lớn của Trung Quốc tạo ra.
Tờ FAZ cũng cho rằng ý đồ muốn xử lý song phương vấn đề Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi đang thất bại khi Philippines đã xích lại gần với Việt Nam và Mỹ, còn cộng đồng ASEAN thể hiện ngày càng rõ thái độ của họ với Trung Quốc, trong khi liên minh quan trọng nhất ở khu vực là liên minh Mỹ-Nhật càng được củng cố và có lý do để hành động trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Mỹ vừa kết thúc của Thủ tướng Nhật Bản Abe, hai nước thống nhất quan điểm Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh ở Biển Đông thay vì tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và điều này buộc Mỹ và Nhật Bản đẩy mạnh hơn nữa các hợp tác về quân sự.
Theo: Vietnam+