Báo Đài Loan "mổ xẻ" cuộc tập trận chung Nga, Trung Quốc

VietTimes -- Cuộc tập trận này đặt ra yêu cầu cao là "sát chiến đấu thực tế", binh sĩ, phương tiện của hai bên được tổ chức trộn lẫn với nhau, tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến liên hợp của hải quân hai nước.
Sáng ngày 18/9/2016, Hải quân Trung Quốc và Nga tổ chức diễn tập khoa mục đánh chiếm kiểm soát đảo đá lập thể liên hợp. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
Sáng ngày 18/9/2016, Hải quân Trung Quốc và Nga tổ chức diễn tập khoa mục đánh chiếm kiểm soát đảo đá lập thể liên hợp. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

Tờ Vượng báo Đài Loan ngày 20/9 cho hay cuộc tập trận chung "Liên hợp trên biển - 2016" do Trung Quốc và Nga tổ chức ở Biển Đông đã kết thúc vào sáng ngày 19/9 tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Hai bên đều nhấn mạnh điều này tượng trưng cho "hợp tác chiến lược toàn diện" giữa hải quân hai nước ngày càng chặt chẽ, mức độ lòng tin gia tăng, thậm chí có ý nghĩa "liên minh chính trị".

Tại lễ bế mạc, Phó Tư lệnh Hải quân, Tổng chỉ huy cuộc tập trận phía Trung Quốc, Phó Đô đốc Vương Hải cho rằng cuộc tập trận lần này tiếp tục là một "thành công" trong hợp tác quân sự giữa hai bên, là hành động cụ thể tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa Hải quân Trung Quốc và Nga trên một khởi điểm mới; tăng cường trình độ sát chiến đấu thực tế, thông tin hóa, chuẩn hóa của cuộc tập trận trên biển của Trung Quốc và Nga.

Hải quân Trung Quốc và Nga tổ chức diễn tập khoa mục đổ bộ đánh chiếm đảo đá trên Biển Đông. Ảnh: Chinatimes
Hải quân Trung Quốc và Nga tổ chức diễn tập khoa mục đổ bộ đánh chiếm đảo đá trên Biển Đông. Ảnh: Chinatimes

Là cuộc tập trận chung trên biển có quy mô lớn nhất trong khuôn khổ song phương, tập trận "Liên hợp trên biển" giữa Trung Quốc và Nga bắt đầu tổ chức từ năm 2012, mỗi năm tổ chức một lần, đến năm nay là năm thứ 5.

Sát chiến đấu thực tế

Cuộc tập trận lần này lần đầu tiên đưa ra yêu cầu phải sát chiến đấu thực tế, tất cả mọi thiết kế về tập trận đều xuất phát từ góc độ của yêu cầu này. Khi tổng kết, Chuẩn Đô đốc Đổng Quân, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc cho biết cuộc tập trận lần này từ lập kế hoạch ban đầu đến khi tổ chức thực hiện đều quán triệt yêu cầu sát chiến đấu thực tế.

Trong mô hình chỉ huy, đã chuyển đổi từ chỉ huy theo kế hoạch sang kết hợp chỉ huy theo kế hoạch và theo thời cơ, đã tổ chức đối kháng "không biết nhau" (tức là "lưng tựa lưng") giữa quân đỏ và quân xanh.

Bố trí nội dung diễn tập có tình tiết chiến dịch, tăng cấp độ diễn tập. Thiết kế chiến trường biển có tính phức tạp, tình hình đối phương không thể dự đoán và có tính đối kháng rất cao.

Đã tăng cường hiệp đồng giữa các vị trí chiến đấu, hiệp đồng đơn lẻ và hiệp đồng hệ thống, đã nâng cao khả năng tác chiến hệ thống của biên đội hỗn hợp, khả năng chỉ huy kiểm soát của sở chỉ huy các cấp trên bờ, trên biển.

Binh sĩ Trung Quốc sử dụng máy bay trực thăng tiến hành đột kích lập thể. Ảnh: Chinatimes
Binh sĩ Trung Quốc sử dụng máy bay trực thăng tiến hành đột kích lập thể. Ảnh: Chinatimes

Trộn lẫn binh sĩ hai nước vào nhau

Trong cuộc tập trận lần này, lực lượng hai bên đã tiến hành tổ chức lực lượng trộn lẫn hoàn toàn ở từng cấp độ. Không chỉ từng bộ phận của Bộ tổng chỉ huy liên hợp đều có cả sĩ quan chỉ huy của Trung Quốc và Nga, mà biên đội tàu chiến, thậm chí phân đội đánh bộ cũng đều do tàu chiến và binh sĩ hai nước trộn lẫn vào nhau.

Binh sĩ hai bên cùng nghiên cứu kế hoạch tác chiến, tổ chức hành động, bổ sung ưu thế cho nhau, đặc biệt cùng sử dụng hệ thống thông tin chỉ huy chung, cùng chia sẻ tình hình chiến trường, cùng hạ lệnh chỉ huy tác chiến, bảo đảm cho hành động của hai bên thống nhất cao.

Trên cơ sở đó, hai bên hiệp đồng chặt chẽ, triển khai diễn tập các khoa mục như tìm kiếm cứu nạn liên hợp, lục soát bắt giữ liên hợp, bảo vệ hàng hải liên hợp, phòng không liên hợp, săn ngầm liên hợp, tìm diệt trên biển trên không liên hợp, đánh chiếm kiểm soát đảo đá lập thể liên hợp, sử dụng vũ khí thực tế.

Đặc biệt, hai bên lần đầu tiên tổ chức diễn tập đánh chiếm kiểm soát đảo đá lập thể liên hợp, kiểm nghiệm khả năng chỉ huy liên hợp và hành động liên hợp, tăng cường trình độ tổ chức trong lập kế hoạch, chỉ huy, hiệp đồng các lực lượng, vận dụng chiến thuật, bảo đảm tổng hợp và huấn luyện sát chiến đấu thực tế, đặt cơ sở cho độc lập hoặc liên hợp ứng phó với các mối đe dọa an ninh trên biển trong tương lai.

Ngày 16/9/2016, Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành diễn tập khoa mục lục soát bắt giữ liên hợp. Ảnh: Chinanews
Ngày 16/9/2016, Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành diễn tập khoa mục lục soát bắt giữ liên hợp. Ảnh: Chinanews

Ba hạm đội lớn Trung Quốc lần lượt hợp tác với phía Nga

Tập trận "Liên hợp trên biển" giữa Trung Quốc và Nga đã tiến hành được 5 năm, trước đây lần lượt do Nga và Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc tổ chức, lần lượt triển khai ở các vùng biển, vùng trời như biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông, biển Nhật Bản và Địa Trung Hải.

Năm nay, hai bên lần đầu tiên tổ chức tập trận chung trên Biển Đông, lực lượng chủ lực tham gia tập trận là Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc. Khu vực tập trận được bố trí ở vùng biển, vùng trời phía đông Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Đến đây, ba hạm đội lớn của Trung Quốc đều đã tổ chức tập trận chung với phía Nga "trong khu vực quản lý của mình".

Phó Tư lệnh Hải quân Nga, Tổng chỉ huy tập trận phía Nga, Phó Đô đốc Alexander Fedotenkov đánh giá: "Một loạt cuộc tập trận liên hợp đã cho thấy đầy đủ khả năng xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ của hải quân hai nước Trung Quốc và Nga trong các loại môi trường chiến trường".

Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rằng: Cuộc tập trận lần này là giao lưu và hợp tác quân sự thường lệ, thường niên của Hải quân Trung Quốc và Nga, không chống lại bên thứ ba, cũng không nhằm vào khu vực cụ thể, tập trận cũng không bị nước nào gây phiền phức.

Binh sĩ Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận Liên hợp trên biển 2016. Ảnh: Chinatimes
Binh sĩ Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận Liên hợp trên biển 2016. Ảnh: Chinatimes