Năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã đến thăm Bắc Cực. Ảnh: Sina |
Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 27/3 cho hay trong thời điểm Mỹ sắp kết thúc nhiệm kỳ nước Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực, Hiệp hội quan hệ đối ngoại Mỹ gần đây công bố báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của Bắc Cực trong an ninh quốc gia Mỹ, đề xuất Mỹ phải ứng phó với mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực.
Báo cáo này có tên là "Bắc Cực không thể coi thường: Tăng cường chiến lược 'bờ biển thứ tư' của Mỹ", được đưa ra trong tháng 3/2017. Theo báo cáo, Hiệp hội quan hệ đối ngoại cho rằng, chính sách của chính quyền Barack Obama chỉ chú trọng tới nghiên cứu khoa học và môi trường ở Bắc Cực hiện đã không còn thích hợp.
Cùng với khí hậu toàn cầu nóng lên, băng ở Bắc Băng Dương tan chảy, tầm quan trọng của Bắc Cực đối với an ninh quốc gia của Mỹ ngày càng nổi bật. Trong khi đó, ở Bắc Cực, Nga và Trung Quốc có khả năng thách thức lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Hội đồng Bắc Cực được thành lập vào năm 1996, có 8 thành viên gồm Mỹ, Canada, Nga, Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thuỵ Điển. Mỗi nước luân phiên đảm nhiệm cương vị nước Chủ tịch, Mỹ là nước Chủ tịch trong giai đoạn 2015 - 2017, nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 5/2017.
Thông thường, Mỹ gọi Đại Tây Dương, vịnh Mexico và Thái Bình Dương là 3 bờ biển lớn của nước này, sau đó do có vấn đề Alaska, Bắc Băng Dương được gọi là "bờ biển thứ tư".
Tầm quan trọng của Bắc Cực
Báo cáo chỉ ra, đối với Mỹ, Bắc Cực có giá trị chiến lược, kinh tế và khoa học quan trọng. Tốc độ ấm lên của khí hậu Bắc Cực nhanh hơn rất nhiều so với dự báo của các nhà khoa học, cơ bản gấp đôi các khu vực khác trên thế giới.
Điều này có nghĩa là sau khi một bộ phận vùng biển tan băng, Bắc Cực sẽ trở thành khu vực quan trọng của thương mại, vận tải và khai thác tài nguyên. Điều này sẽ thu hút Nga và Trung Quốc tiến hành các hoạt động ở khu vực này, do đó có thể sẽ xảy ra xung đột với lợi ích của Mỹ.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, chính sách Bắc Cực của Mỹ tập trung vào các vấn đề khoa học, năng lượng và môi trường. Những vấn đề này rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là Mỹ cần cân nhắc vấn đề này từ góc độ an ninh quốc gia.
Báo cáo đã đưa ra 6 nhiệm vụ mà Mỹ cần chú trọng xử lý: Bảo đảm lợi ích của Mỹ tại thềm lục địa khoảng 1 triệu km2 ở Bắc Cực; đầu tư chế tạo 6 tàu phá băng và do Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ quản lý; nâng cấp hạ tầng cơ sở thông tin, năng lượng và các công trình khác ở Alaska; đi sâu hợp tác với các nước Bắc Cực khác trong đó có Nga, phát huy vai trò tích cực ở Hội đồng Bắc Cực; ủng hộ nâng cao chất lượng sống và phát triển bền vững của người dân gốc tại khu vực Bắc Cực; ủng hộ các chương trình nghiên cứu Bắc Cực.
Chính sách Bắc Cực của Mỹ
Báo cáo chỉ ra, chính sách Bắc Cực của chính quyền Barack Obama lấy hợp tác nghiên cứu khoa học và khí hậu toàn cầu nóng lên làm vấn đề trung tâm, còn an ninh quốc gia và chính sách kinh tế chỉ là vấn đề thứ yếu.
Vào các năm 2014, 2015, chính quyền Barack Obama đã thông qua các bộ luật liên quan đến Bắc Cực. Hơn nữa, trong năm 2015, ông Barack Obama đã đến Bắc Cực, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Bắc Cực trong nhiệm kỳ.
Đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, chính phủ mới cần cân nhắc tiếp tục phát huy vai trò trong vấn đề Bắc Cực sau khi kết thúc nhiệm kỳ nước Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực vào tháng 5/2017.
Mối đe dọa đến từ Trung Quốc và Nga
Báo cáo tập trung mô tả các hoạt động của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực có thể tạo ra mối đe dọa cho Mỹ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Bắc Cực từng là trận địa tuyến đầu của Mỹ - Liên Xô, Mỹ từng liên kết với Canada, Đan Mạch và Iceland xây dựng hệ thống radar ở Bắc Cực.
Mặc dù bảo vệ lãnh thổ vẫn quan trọng, nhưng Mỹ cần tập trung hơn vào an ninh môi trường và năng lượng của khu vực Bắc Cực.
Sau khi Nga đã rút ra khỏi nhiều cơ chế quốc tế liên quan đến Bắc Cực, đối thoại giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Bắc Cực ngày càng ít. Ngoài ra, quan hệ căng thẳng giữa Mỹ - Nga trong các vấn đề như Crimea cũng có thể ảnh hưởng đến hợp tác hai nước ở khu vực Bắc Cực.
Đối với khu vực trọng yếu chiến lược như Bắc Cực, giữa Mỹ và Nga có thể áp dụng phương thức hợp tác ngoài vũ trụ thời kỳ Liên Xô để tiến hành hợp tác với nhau. Như vậy có thể hóa giải bất đồng và mâu thuẫn, tiện lợi cho cùng khai thác Bắc Cực.
Khi đề cập đến Trung Quốc, báo cáo cho rằng mặc dù Trung Quốc không phải là quốc gia Bắc Cực, nhưng những năm gần đây Trung Quốc tiến hành đầu tư sản xuất ở đảo Greenland (Bắc Cực) và tiến hành đàm phán thương mại tự do với Iceland, khiến cho người ta không thể coi nhẹ sự hiện diện của Trung Quốc trong các vấn đề Bắc Cực.
Trung Quốc cũng thông qua chế tạo tàu phá băng, mở rộng ngư trường biển xa, xây dựng trạm nghiên cứu khoa học, mở rộng các phương thức như vận tải biển để mở rộng vai trò ảnh hưởng ở khu vực Bắc Cực.
Chẳng hạn, tháng 9/2015, Hải quân Trung Quốc từng đến biển Bering. Căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, mặc dù hành vi này của Trung Quốc là đi qua vô hại, nhưng hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương gia tăng cũng gây lo ngại cho Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn khuyến khích tàu thương mại của họ tìm cách sử dụng tuyến đường hàng hải Bắc Cực. Quân đội Trung Quốc cũng đang xây dựng hạm đội tàu phá băng của họ. Hiện nay, Trung Quốc đang chế tạo tàu phá băng thứ ba.
Báo cáo cho rằng, cho dù Trung Quốc chưa đóng vai trò quan trọng ở khu vực Bắc Cực, nhưng tham vọng của họ đáng để Mỹ quan tâm.
Ngoài ra, về tàu phá băng, báo cáo cho rằng Nga có khoảng 40 chiếc, trong đó còn có không ít tàu sử dụng động cơ hạt nhân. Trung Quốc cũng đang chế tạo chiếc thứ ba. Mỹ hiện chỉ có 2 tàu phá băng còn hoạt động.
Trung Quốc nói gì?
Những năm gần đây, Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với các nước Bắc Cực như Nga, Iceland, đồng thời năm 2013 chính thức trở thành nước quan sát viên vĩnh viễn của Hội đồng Bắc Cực.
Năm 2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Vấn đề Bắc Cực là vấn đề khu vực, cũng có các vấn đề liên khu vực như biến đổi khí hậu, vận tải đường biển. Trung Quốc nhất quán chủ trương các nước Bắc Cực và không phải Bắc Cực cần trên cơ sở thừa nhận và tôn trọng quyền lợi của nhau, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cùng hợp tác ứng phó để thực hiện hòa bình, ổn định và phát triển bền vững Bắc Cực".