Theo Thời báo Hoàn cầu – một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo - ngày 25/12, bản báo cáo này đã nêu chi tiết nhiều loại vũ khí của Hải quân Trung Quốc bao gồm tên lửa đạn đạo chống hạm, tên lửa hành trình chống hạm, tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay, máy bay không người lái, v.v...
Trong số đó, thứ vũ khí trọng điểm đầu tiên được báo cáo của Lầu Năm Góc nói đến là tên lửa đạn đạo chống hạm. Ngoài các tên lửa đạn đạo chống hạm “Dongfeng-21D” và “Dongfeng-26” đã thu hút nhiều sự chú ý từ trước đó, báo cáo cũng đề cập đến việc “Trung Quốc đang phát triển thiết bị lượn siêu âm; nếu kết hợp nó với tên lửa đạn đạo chống hạm thì sẽ rất khó bị đánh chặn”.
Tên lửa hành trình chống hạm YJ-18 của Trung Quốc trình làng trong cuộc diễu binh hôm 1/10.
|
Đồng thời, báo cáo cũng đề cập đến tên lửa hành trình chống hạm “Yingji-18” (YJ-18), nói rằng số lượng hạm tàu Trung Quốc được trang bị loại vũ khí tấn công tầm xa như vậy hiện đã vượt xa Hải quân Mỹ.
Vũ khí thứ hai được nêu bật trong báo cáo là tàu ngầm. Báo cáo dự đoán Trung Quốc sẽ có khoảng 65 đến 70 tàu ngầm các loại vào năm 2020, bao gồm các tàu ngầm thông thường tiên tiến nhất lớp “Nguyên” (Yuan class SSN, hay Type 039A), tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp “Thương” (Shang class SSN, hay Type 093) và tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp “Tấn” (Jin class SSN hay Type 094). Trong số đó, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp “Tấn” có thể mang 12 tên lửa phóng từ tàu ngầm “Julang-2” và tên lửa “Julang-3” tiên tiến hơn đang được phát triển.
Tên lửa đạn đạo chống hạm Dongfeng-21D - "Sát thủ tàu sân bay" .
|
Về tàu sân bay, báo cáo nêu rõ rằng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang được đóng và chiếc thứ tư sẽ được khởi đóng vào năm 2021.
Ngoài ra, báo cáo đã tiến hành so sánh số lượng tàu hải quân giữa Trung Quốc và Mỹ. Bắt đầu từ năm 2005, số lượng tàu hải quân Trung Quốc đã tăng lên hàng năm, trong khi số lượng tàu hải quân Mỹ về cơ bản vẫn giữ nguyên ở mức khoảng 280 chiếc. Báo cáo tiếp tục chỉ ra rằng, trong khi các tàu mới và cũ của Hải quân Mỹ áp dụng mô hình chuyển giao “một đổi một”, thì Hải quân Trung Quốc không chỉ nhanh chóng thay thế các tàu nhỏ kiểu cũ bằng tàu mới và lớn, mà còn tăng tổng số hạm tàu trên cơ sở này.
Báo cáo nêu rõ, việc xây dựng hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, bao gồm hiện đại hóa hải quân, đã trở thành trọng điểm của trọng điểm trong kế hoạch quốc phòng và ngân sách quốc phòng của Mỹ. Hải quân Trung Quốc bị coi là một thách thức lớn và chủ yếu đối với Hải quân Mỹ trong việc hiện thực hóa và duy trì quyền kiểm soát vùng biển sâu Tây Thái Bình Dương trong thời chiến. Đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ đối mặt với thách thức như vậy kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Tàu Sơn Đông thử nghiệm thực hiện cơ động gấp với tốc độ nhanh trên biển.
|
Quan hệ Trung - Mỹ đã liên tục căng thẳng trong những năm gần đây, bao trùm các vấn đề như thương mại, Đài Loan, Biển Đông và quân sự. Sự đối đầu Trung - Mỹ ngày càng trở nên khốc liệt. Vào ngày 17/12, khi lúc tàu Sơn Đông được Trung Quốc đưa vào biên chế, chiếc tàu sân bay siêu hạng thứ hai lớp Ford đang được chế tạo tại Mỹ cũng đã chính thức được hạ thủy, đây được cho là mang ý nghĩa “đối đáp nhau” khá rõ ràng.
Đối với việc đưa tàu Sơn Đông vào biên chế, dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm mạnh mẽ. Tạp chí công nghệ MIT Technology Review nói trong một bài báo rằng, các tàu sân bay khiến quân đội Mỹ thể hiện sức mạnh ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, hơn bất kỳ công nghệ đơn lẻ nào khác. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc thua xa Mỹ và có thể không bao giờ đuổi kịp.
Ngày 17/12, Mỹ hạ thủy chiếc tàu sân bay hạt nhân lớp Ford siêu hạng thứ hai, được cho là đáp lại việc Trung Quốc đưa tàu Sơn Đông vào biên chế.
|
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông của Mỹ như The New York Times chỉ rõ, việc tàu Sơn Đông được đưa vào phục vụ đã biến Trung Quốc thành quốc gia có lực lượng trên biển lớn nhất ở Tây Thái Bình Dương chỉ sau Hải quân Mỹ, sẽ đe dọa nghiêm trọng sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng rất cảnh giác về sự phát triển của lực lượng hải quân Trung Quốc. Lầu Năm Góc tuyên bố trong báo cáo rằng, Hải quân Mỹ sẽ phát triển khái niệm tác chiến mới và trong mấy năm tới sẽ chuyển sang cấu trúc hạm đội phân tán hơn, nghĩa là số lượng tàu lớn sẽ giảm bớt, số lượng tàu nhỏ sẽ tăng lên và sẽ sử dụng đầy đủ nhiều thiết bị không người lái hơn để đối phó với “mối thách thức Trung Quốc”.