Bản chất đổi mới sáng tạo trong kinh tế số (kỳ 1): Kinh tế số là gì?
Kỳ trước, VietTimes đã giới thiệu tới độc giả kiến giải của ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - về nội hàm của kinh tế số.
Theo đó, kinh tế số không phải là một 'ngành' hay 'lĩnh vực' kinh tế mới tồn tại song song và độc lập với các hình thái kinh tế hiện tại, hay là một kiểu hình mới như kinh tế nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ.
Dưới góc nhìn của Viện trưởng DTSI, kinh tế số là một hình thái cộng sinh trên cơ sở nền tảng các hoạt động kinh tế truyền thống để tạo nên một lớp giá trị gia tăng mới. Chính đặc điểm quan trọng của kinh tế số này đã làm cho người ta thực sự “bối rối” khi tiếp cận với kinh tế số và tìm cách đo lường, tính toán các giá trị kinh tế số.
VietTimes trân trọng giới thiệu tới độc giả kỳ 2 của vệt bài này:
CÁCH KINH TẾ SỐ VẬN HÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
6 bước hình thành kinh tế số
Sự hình thành của kinh tế số có thể tóm gọn qua một tiến trình gồm 6 bước:
(i) Chuyển đổi nền tảng cách thức tạo ra giá trị từ hình thái tổ chức mới (chú trọng đến tiến trình tích hợp sản phẩm và dịch vụ thành một phức hợp mới sản phẩm-dịch vụ, không tách rời):
Cuộc cách mạng kỹ thuật số đi cùng với việc đưa số vào cốt lõi (digital to the core) của các sản phẩm-dịch vụ cũng đồng thời làm thay đổi các mô hình kinh doanh (business model) của các doanh nghiệp và theo đó, thay đổi tuyên bố giá trị (value proposition) của doanh nghiệp, hình thành nên cách kiến tạo giá trị mới dựa trên sự điều chỉnh số (digital remastery) các sản phẩm dịch vụ.
Điểm quan trọng ở đây, đó là giá trị thu được và gia tăng được từ các sản phẩm-dịch vụ đến từ năng lực thích nghi hiệu quả liên tục của các sản phẩm-dịch vụ nhờ các dữ liệu thu thập được trong tiến trình sử dụng các sản phẩm-dịch vụ của người tiêu dùng.
(ii) Thông qua tư duy số để kiến tạo nên phương thức vận hành kinh tế mới:
Việc thích nghi hiệu quả liên tục đòi hỏi chúng ta phải có một cách thức tư duy mới phù hợp. Thay vì tổ chức các hoạt động sản xuất, tư duy về thiết kế sản phẩm - dịch vụ, cùng việc tổ chức các kênh phân phối - bán hàng - hậu mãi theo cách thức truyền thống (vốn tuyến tính, một chiều, phản hồi chậm) và dựa chủ yếu trên nền tảng chủ động về sản phẩm - dịch vụ (đi cùng với thụ động về tiêu thụ đối với nhà sản xuất/cung ứng); và thụ động về sản phẩm-dịch vụ (đi cùng với chủ động về tiêu thụ đối với người tiêu dùng), giờ đây, nhà sản xuất và người tiêu dùng có thể tích hợp làm một (prosumer).
Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng sẽ cùng tham gia vào tiến trình tổ chức sản xuất, thiết kế sản phẩm-dịch vụ, và thiết lập các nền tảng giao dịch.
(iii) Định hình nên một nền tảng sản xuất mới:
Việc tích hợp làm một giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng này sẽ làm thay đổi hoàn toàn các nền tảng sản xuất truyền thống, đòi hỏi phải chuyển đổi sang một nền tảng sản xuất hoàn toàn mới.
Trong nền tảng sản xuất truyền thống, các nguồn lực, bí quyết sản xuất và các hệ thống vận hành đóng vai trò quan trọng và quyết định đến hiệu quả, hiệu suất và năng suất của một tiến trình kinh doanh.
Trong nền tảng sản xuất mới, dữ liệu đóng vai trò quan trọng và kiến tạo nên những cách thức tạo giá trị mới nhờ sự tích hợp làm một (prosumer) giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, theo đó:
(i) sự đồng sáng tạo sẽ cho phép có được những cách thức tối ưu hóa các nguồn lực một cách thích ứng liên tục theo tiến trình sản xuất-tiêu dùng;
(ii) sự đồng tư duy sẽ cho phép các bí quyết sản xuất liên tục được đổi mới và sáng tạo nhờ phương thức cộng sinh (wiki way) dựa trên cộng đồng, cho phép liên tục có được những cách thức phát triển sản phẩm tốt nhất;
(iii) sự đồng cộng tác cho phép giảm thiểu tối đa các bất đối xứng trong tiến trình giao dịch, cho phép các tiến trình giao dịch trở nên hiệu quả hơn về nhiều mặt và do vậy, tăng cao mức độ các giao dịch được kiến tạo, hoàn thành và hiệu quả.
Nền tảng sản xuất mới này được định hình theo một phương thức được chúng tôi gọi là hệ thống - đồng bộ - cộng hưởng hiệu quả.
(iv) Tạo ra những giá trị gia tăng mới (giá trị mặc định – default value) từ hiệu quả tổng thể của tiến trình:
Với phương thức hệ thống-đồng bộ-cộng hưởng hiệu quả của một nền tảng sản xuất mới đã cho phép kiến tạo nên những giá trị mới dựa trên việc gia tăng hiệu quả các nền tảng giá trị truyền thống hiện có.
Với nền tảng sản xuất truyền thống, giá trị gia tăng được hình thành nhờ sự kiểm soát hiệu quả giá thành và việc gia tăng giá trị từ thương hiệu.
Tuy nhiên, việc gia tăng giá trị này sẽ bị hạn chế bởi không thể giảm giá thành mãi, và sẽ có xu hướng tiệm cận bằng 0; giá trị thương hiệu cũng vậy, sẽ bị giới hạn bởi mức độ chấp nhận và phổ cập mà giá trị thương hiệu có thể đem lại, không thể tăng vượt quá những tiềm năng giá trị mà thương hiệu đó đem lại. Nền tảng sản xuất truyền thống dựa trên nguyên tắc khan hiếm (scarce).
Nền tảng sản xuất mới, nhờ tiến trình đưa số vào cốt lõi các sản phẩm-dịch vụ, sẽ cho phép tạo ra các năng lực tổ hợp mở rộng không giới hạn về không gian, thời gian và khả năng hấp thụ giá trị nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa người và máy (human-to-machine), hình thành nên một nguyên tắc mới, nguyên tắc dư thừa (abundance).
Khả năng tổ hợp sẽ cho phép giá thành của mỗi sản phẩm-dịch vụ vượt ra khỏi những hữu hạn của một sản phẩm-dịch vụ và được phân chia trong các tổ hợp sản phẩm-dịch vụ cộng sinh cùng, phép phức hợp này sẽ cho phép vượt ra khỏi phép cộng '1 + 1 = 2' và trở thành '1 + 1 = n'.
Năng lực tổ hợp cũng cho phép tạo ra một sự mặc định về giá trị vào giá trị thương hiệu để tài sản hóa thương hiệu theo một cách thức mới, mà theo đó nhờ việc token hóa (tokenize) giá trị thương hiệu trong mỗi sản phẩm-dịch vụ trở thành một mặc định tài sản số (default of digital asset), hình thành nên một giá trị mặc định đạt được nhờ sự đồng thỏa thuận và được chứng thực hóa bởi một giao thức tín nhiệm (blockchain) cho phép các bên liên quan duy trì và xác lập được giá trị đã thỏa thuận.
Như vậy, việc tổ hợp theo phép phức hợp sẽ cho phép tạo ra một giá trị mặc định đến từ hiệu quả tổng thể của tiến trình sản phẩm-dịch vụ từ khi hình thành ý tưởng đến khi tiêu dùng sản phẩm-dịch vụ đó.
(v) Với lợi thế cạnh tranh đến từ năng lực vốn hóa dữ liệu:
Giá trị mặc định hình thành từ hiệu quả tổng thể của tiến trình sản phẩm-dịch vụ như đã kiến giải bên trên đã cho chúng ta thấy rõ vai trò của dữ liệu như một nền tảng quan trọng để kiến tạo nên giá trị trong nền sản xuất mới (kinh tế số). Đó cũng chính là quá trình vốn hóa dữ liệu, biến dữ liệu thành một nguồn vốn mới – vốn dữ liệu (data-capital).
Dữ liệu và năng lực tổ hợp dữ liệu thông qua các phép phức hợp và được cụ thể hóa bằng năng lực ra quyết định dựa trên dữ liệu một cách hiệu quả để hình thành và hoàn thành các giao dịch một cách tối ưu, hiệu quả đã định hình nên một lợi thế cạnh tranh mới – lợi thế cạnh tranh động.
Lợi thế cạnh tranh này lấy dữ liệu làm trung tâm và lấy năng lực vốn hóa dữ liệu làm nền tảng định hình nên sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thu được.
(vi) Kiến tạo nên một tầng kinh tế mới – kinh tế số:
Như vậy, chúng ta có thể thấy, kinh tế số, về bản chất không phải là một hoạt động tách rời, hình thành mới và phát sinh độc lập khỏi các tiến trình kinh tế truyền thống. Kinh tế số, về bản chất, là một tiến trình cộng sinh trên nền tảng các hoạt động kinh tế truyền thống.
Giá trị mà kinh tế số tạo ra được định hình thông qua quá trình vốn hóa dữ liệu cộng sinh trên nền tảng các sản phẩm-dịch vụ truyền thống để tạo nên một giá trị mở rộng của giá trị mà các sản phẩm-dịch vụ truyền thống có thể tạo ra. Và về căn bản, giá trị này vượt khỏi những giới hạn truyền thống, cho phép hấp thu các giá trị và mở rộng giá trị đến vô hạn trên một nền tảng “vật chủ” mang giá trị (sản phẩm-dịch vụ).
Có thể nói, kinh tế số là một giải pháp để giải quyết bài toán “thừa tiền” của nền kinh tế truyền thống, cho phép hấp thu giá trị và tạo lập nên những phương thức mới để duy trì “vòng quay tài chính”, đang ngày càng được gia tốc và đã vượt khỏi mọi giới hạn có thể hấp thụ được của những phương thức hiện hữu.
Điều đó cũng có nghĩa rằng, việc phát triển kinh tế số không thể thực hiện được nếu không duy trì và phát triển một nền tảng sản xuất các sản phẩm-dịch vụ mang tính nền tảng và căn bản. Những cách thức dựa trên đầu cơ, giao dịch thu lợi nhuận biên tế hay các hình thức tương tự sẽ không đem đến sự phát triển bền vững.
Chỉ những quốc gia, những doanh nghiệp nào làm chủ được các tiến trình sản xuất căn bản, đóng vai trò quyết định trong việc kiến tạo các sản phẩm-dịch vụ, làm chủ nghiên cứu & phát triển, có năng lực khoa học-công nghệ-kỹ thuật vượt trội, mới có thể làm chủ và vốn hóa dữ liệu hiệu quả trong nền kinh tế số.
Đổi mới sáng tạo trong kinh tế số
Chúng ta có thể định hình nên những đặc trưng của một nền kinh tế số như sau:
i) Dữ liệu trở thành nhân tố sản xuất chủ chốt định hướng cho tăng trưởng kinh tế: Dữ liệu từng bước trở thành một tài sản mang tính chiến lược quan trọng. Các nguồn dữ liệu trở thành trung tâm sức mạnh của các doanh nghiệp và tạo nên lợi thế cạnh tranh. Cũng như đất đai và lao động trong kỷ nguyên nông nghiệp; công nghệ và vốn trong kỷ nguyên công nghiệp; dữ liệu trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất trong kỷ nguyên số;
ii) Hạ tầng số trở thành một loại hình hạ tầng mới: Trong kỷ nguyên công nghiệp, các hoạt động kinh tế dựa trên các nền tảng hạ tầng vật chất như đường sá, sân bay, bến cảng, hạ tầng điện,... Sự xuất hiện của công nghệ số và dữ liệu số đã từng bước hình thành nên hạ tầng thông tin (information infrastructure) và cùng với tiến trình chuyển đổi số đã hình thành nên hạ tầng số là sự kết hợp của hạ tầng thông tin và và sự chuyển đổi số các hạ tầng vật chất, tạo thành một hạ tầng tổng thể cho phép nền kinh tế phát triển.
iii) Năng lực số trở thành một đòi hỏi mới đối với người lao động và người tiêu dùng: Khi công nghệ số thâm nhập vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, nó ngày càng đòi hỏi người lao động phải có năng lực kép: cả kỹ năng số và kỹ năng chuyên môn. Do vậy, việc đòi hỏi có năng lực số trở thành một nhân tố quan trọng để trở thành một người lao động giỏi trong kỷ nguyên số.
Người tiêu dùng cũng vậy, nếu không có năng lực số tốt, cũng sẽ trở thành một “kẻ mù mờ” trong kỷ nguyên số khi không có khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số để ra quyết định chọn lựa và bảo vệ các quyền cơ bản của mình trong quá trình tiêu dùng và sử dụng các sản phẩm-dịch vụ.
iv) Biên giới giữa cung và cầu ngày càng trở nên mờ nhạt đi: Trong các hoạt động kinh tế truyền thống, có một biên giới rõ ràng giữa bên cung và bên cầu. Trong nền kinh tế số, biên giới này trở nên mờ nhạt, và có thể bị xóa nhòa, nhà cung cấp và người tiêu dùng tiến tới tích hợp thành cái gọi là “nhà tiêu dùng” (prosumer).
Điều này sẽ làm đảo lộn cũng như thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của nền kinh tế trước đây theo một hướng hoàn toàn khác, đồng thời cũng tạo nên một môi trường kinh tế (kinh doanh) mới với sự giảm thiểu tối đa sự bất đối xứng thông tin thông qua phương thức kinh tế chia sẻ.
Như Fredmund Malik đã nói: “Nguyên liệu không phải là vấn đề. Cách nguyên liệu được sắp xếp, trật tự và sự kết nối cần thiết giữa chúng mới tạo ra sự sống; việc đưa chúng vào một hình mẫu, hoặc cung cấp thông tin để các nguyên liệu đi vào một trật tự động mới là quan trọng.”
Chúng ta có thể nhìn thấy thông qua cách kinh tế số vận hành và phát triển cùng với những đặc trưng của nó cho thấy, để vốn hóa dữ liệu thành công hình thành nên các giá trị mặc định một cách hiệu quả nhất, vấn đề không phải chỉ nằm ở chúng ta có những gì trong tay (điều kiện cần), mà quan trọng nhất là chúng ta sẽ biết tổ hợp những gì chúng ta có theo một phép phức hợp để tạo nên lợi thế cạnh tranh và giá trị mặc định tối ưu nhất (điều kiện đủ).
Điều này không thể có được nếu không bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, một sự đổi mới và sáng tạo liên tục đến từ năng lực học hỏi không ngừng.
Do vậy, có thể nói: Đổi mới sáng tạo là bản chất của kinh tế số, không có đổi mới sáng tạo, kinh tế số cũng giống như cỗ máy không có nhiên liệu để vận hành./.
(*) Lê Nguyễn Trường Giang: Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI)