Bản án dành cho ông chủ của FTX và 'giấc mơ không thành' của tiền mã hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sam Bankman-Fried, người sáng lập FTX, từng dự đoán tiền mã hoá sẽ nuốt chửng tài chính truyền thống, nhưng giờ mọi chuyện đã khác.

1.png
Sam Bankman-Fried, ông chủ của FTX, mới đây đã bị kết án tội danh lừa đảo (Ảnh: WSJ)

Sam Bankman-Fried đã sụp đổ. Và tiền mã hoá đã quay trở lại 'hoạt động yêu thích' của nó: một đợt tăng giá do đầu cơ.

Phiên tòa xét xử người sáng lập sàn giao dịch FTX có sự tham gia của nhiều nhân chứng, mô tả chi tiết về vụ lừa đảo trị giá hàng tỉ USD, thu hút được sự quan tâm đặc biệt trên thị trường tiền mã hoá.

Nhưng điều đó cũng không làm giảm đi sự hứng thú của các nhà đầu tư tiền mã hoá. Trong quá trình xét xử, giá tiền điện tử tăng vọt do lạc quan rằng các cơ quan quản lý Mỹ sẽ cho phép một quỹ giao dịch nắm giữ bitcoin. Giá bitcoin đã tăng hơn 25% kể từ đầu tháng 10 và gần đây đã chạm mức cao nhất trong 18 tháng.

Trong khi đó, tham vọng tái thiết lập hệ thống tài chính truyền thống của những người ủng hộ tiền mã hoá vẫn là một giấc mơ xa vời.

Các công ty từng được coi là trụ cột của nền kinh tế tài sản kỹ thuật số mới, chẳng hạn như FTX và công ty cho vay tiền mã hoá Genesis Global, đều đã phá sản. Đầu tư vốn mạo hiểm vào tiền mã hoá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020. Nhiều nhà đầu tư trước đây từng nỗ lực xây dựng các tổ chức tương đương ngân hàng và sàn giao dịch dựa trên công nghệ blockchain giờ đã từ bỏ.

Sam Bankman-Fried từng là người ủng hộ lớn nhất cho ý tưởng tiền mã hoá sẽ "nuốt chửng" tài chính truyền thống. Khi vẫn còn là một người được yêu thích trong ngành, ông đã tính tới việc mua lại ngân hàng Goldman Sachs. Vào tháng 7/2022, ông nói với The Wall Street Journal về tham vọng biến FTX thành một loại “siêu thị tài chính”, cung cấp mọi thứ từ thanh toán, cho vay cho đến giao dịch chứng khoán.

Nhưng giờ điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra. Hôm 2/11, Bankman-Fried đã bị kết án 7 tội danh lừa đảo và âm mưu lừa đảo. Luật sư của ông cho biết ông sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại những cáo buộc này.

im-881169.jpg
Sam Bankman-Fried, khi còn là giám đốc điều hành của FTX, tại phiên điều trần tại Thượng viện vào tháng 2/2022 (Ảnh: Bloomberg)

Vàng kỹ thuật số

Những tham vọng về tiền mã hoá đã bị thu hẹp kể từ sau sự sụp đổ của FTX.

Sự phản đối về việc phê duyệt quỹ hoán đổi danh mục (ETF) phần lớn dựa trên quan điểm cho rằng bitcoin có thể đóng vai trò là phương tiện lưu trữ giá trị - một dạng vàng kỹ thuật số.

Các nhà đầu tư tiền mã hoá từ lâu đã hy vọng rằng các cơ quan quản lý sẽ cho phép quỹ ETF bitcoin “giao ngay” hoạt động, nắm giữ các đồng tiền thực tế thay vì hợp đồng tương lai liên quan đến giá bitcoin. Giống như dòng tiền đổ vào các quỹ vàng có thể thúc đẩy giá kim loại quý, các nhà đầu tư tiền mã hoá hy vọng rằng việc ra mắt quỹ ETF bitcoin có thể thúc đẩy sự phục hồi của nó.

Kỳ vọng về ETF bitcoin cho thấy tiền mã hoá đã phát triển đến mức nào, kể từ giấc mơ phá vỡ Phố Wall. Các nhà quản lý tiền lớn như BlackRock và Fidelity Investments sẽ kiếm được phí nếu quỹ ETF bitcoin của họ được “bật đèn xanh”.

Bitcoin ETF cũng sẽ không thể biến tiền mã hoá thành một dạng tiền khả thi, được sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ. Đó là tầm nhìn ban đầu về bitcoin, được đặt ra bởi người sáng tạo có biệt danh là Satoshi Nakamoto, trong một sách trắng phát hành 15 năm trước. Ngày nay, việc sử dụng tiền mã hoá để thanh toán trong thế giới thực thực tế là không thể và được xếp ở mức độ ưu tiên thấp đối với các công ty tiền mã hoá.

2.png
Hayden Adams, người sáng lập sàn giao dịch phi tập trung Uniswap, cho biết: ‘Chúng ta cần phải làm tốt hơn với tư cách là một ngành’ (Ảnh: Bloomberg)

Giới đầu tư không còn mặn mà

Chắc chắn rằng những người ủng hộ mạnh mẽ tiền mã hoá vẫn hy vọng tạo ra một hệ thống tài chính phi tập trung. Họ cho rằng việc giam giữ những kẻ phạm tội như Bankman-Fried sẽ giúp các nhà phát triển trung thực xây dựng các dự án sáng tạo một cách dễ dàng hơn.

“Trong chu kỳ tiếp theo, chúng ta cần phải làm tốt hơn với tư cách là một ngành”, Hayden Adams, người tạo ra sàn giao dịch phi tập trung Uniswap, viết trên nền tảng X sau phán quyết của Bankman-Fried. Ông kêu gọi những người ủng hộ tiền mã hoá của mình “tập trung vào công nghệ và giá trị, nhận ra các dấu hiệu cảnh báo và bỏ qua những kẻ sùng bái cá nhân”.

Tài chính phi tập trung, hay DeFi, là một trong những lĩnh vực nóng nhất của tiền mã hoá vài năm trước. Ý tưởng của nó là đưa các hoạt động tài chính truyền thống như giao dịch và cho vay vào blockchain, loại bỏ các ngân hàng và những bên trung gian khác. Những người ủng hộ DeFi cho biết nó có thể giúp ích cho những người không có tài khoản ngân hàng trên toàn thế giới.

Những mong muốn như vậy là thiếu thực tế. DeFi ngày nay phần lớn bao gồm các dự án cạnh tranh lẫn nhau để có trải nghiệm giao dịch token kỹ thuật số nhanh hơn, hiệu quả hơn một chút – nói cách khác là các công cụ để đầu cơ.

Các nhà đầu tư đã chán nản với DeFi. Theo nhà cung cấp dữ liệu DefiLlama, tổng giá trị khóa (TVL), thước đo số tiền cam kết cho các dự án tài chính phi tập trung, là khoảng 42 tỉ USD, giảm mạnh so với mức đỉnh gần 180 tỉ USD vào tháng 11/2021.

Các hội nghị về tiền mã hoá cũng giảm. Mainnet, một sự kiện tiền mã hoá thường niên được tổ chức tại thành phố New York, đã thu hút khoảng 2.000 người vào tháng 9, giảm so với hơn 3.000 người vào năm ngoái, theo Messari, bên tổ chức hội nghị. Người phát ngôn của công ty này cho biết sự kiện năm 2023 đã thu hút “những con người chất lượng và những người ra quyết định”.

Theo PitchBook, các công ty đầu tư mạo hiểm đã đầu tư 2 tỉ USD vào các công ty tiền mã hoá trong quý 3 năm nay, giảm so với mức đỉnh 11,5 tỉ USD trong quý 1 năm 2022. Các nhà đầu tư mạo hiểm – từng là nguồn hỗ trợ khổng lồ cho các công ty khởi nghiệp tiền mã hoá – giờ chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực sôi động hơn như trí tuệ nhân tạo./.

Theo Wall Street Journal