Như đã nêu rõ trong bài trước, các ứng viên đảng Dân chủ cạnh tranh ghế tổng thống với ông Trump năm 2020, cơ quan lãnh đạo trung ương của đảng này, cùng nhiều vị lãnh đạo và thành viên của Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đang đưa đảng này chuyển dịch rất nhanh về hướng Chủ nghĩa xã hội.
Những đảng viên Dân chủ Cấp tiến và Cải cách (Liberal and Progressive Democrats) vốn lãnh đạo đảng này nhiều thập kỷ qua hiện thấy mình phần nào đã bị gạt ra lề khi các Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Elizabeth Warren đang vận động rất thành công bằng danh xưng “những người Xã hội chủ nghĩa – Socialists”. Về phía Hạ viện, 4 phụ nữ trẻ mới được bầu đã tự nguyện theo Chủ nghĩa xã hội và đang vượt qua những người Dân chủ khác trong việc theo đuổi chương trình nghị sự Xã hội chủ nghĩa (the Socialist agenda).
Ở giai đoạn sớm này của chu kỳ bầu cử, khó mà nói được chương trình Xã hội chủ nghĩa sẽ giữ được bao phần khi bước vào thời điểm bầu cử tháng 11 năm 2020. Phe Dân chủ có truyền thống ủng hộ những ứng cử viên cực đoan trong những vòng bầu cử sơ bộ nhằm chọn ra một ứng cử viên để cạnh tranh với phe Cộng hòa trong vòng tổng tuyển cử. Một khi ứng cử viên đã thắng vòng sơ bộ, phe Dân chủ thường dịch chuyển về phía trung dung để đánh bại những ứng viên Cộng hòa thiên hữu.
Song cuộc bầu cử 2020 có lẽ sẽ khác. Gần như mọi ứng viên tổng thống phe Dân chủ đều công khai ủng hộ hầu hết hoặc toàn bộ nghị trình Xã hội chủ nghĩa. Họ không né tránh danh xưng “Xã hội chủ nghĩa” như họ đã từng làm trong quá khứ.
Chủ nghĩa xã hội đã trở nên được ưa thích hơn với người Mỹ, đặc biệt là người trẻ. Khoảng 40% thích Chủ nghĩa xã hội hơn Chủ nghĩa tư bản. Phe Dân chủ tỏ ra thích Chủ nghĩa xã hội hơn hẳn phe Cộng hòa. Tuy vậy một số nghiên cứu cũng cho thấy người Mỹ thật ra cũng không chắc lắm (quite unsure) Chủ nghĩa xã hội là gì.
Vậy những nghị trình Xã hội chủ nghĩa cho cuộc đua 2020 sẽ có diện mạo ra sao. Theo những nghị trình này, những phân khúc ngành nghề (sectors) nào cần phải xã hội hóa (socialized)? Việc xã hội hóa sẽ tốn kém bao nhiêu? Và, việc hiện thực hóa những nghị trình này sẽ gặp những rào cản, vấn đề nào?
Nghị trình Xã hội chủ nghĩa hấp dẫn và Chi phí khổng lồ đi kèm
Gần như mọi ứng viên tổng thống phe Dân chủ đều đã đề xuất hoặc ủng hộ những chính sách dưới đây như là những tiền đề hướng tới một nước Mỹ Xã hội chủ nghĩa (xin xem thêm American Action Forum, Mercatus Center, Heritage Foundation, and Kaiser Family Foundation):
Bảo hiểm sức khỏe phổ quát: Hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ bấy lâu là sự kết hợp khá hổ lốn giữa những chương trình công cộng và tư nhân. Khoảng 181 triệu người Mỹ hưởng bảo hiểm y tế do công ty chi trả như là khoản phúc lợi cho người lao động. 53 triệu người từ 65 tuổi trở lên hưởng bảo hiểm y tế từ chương trình Medicare (chăm sóc y tế) của Chính phủ mà họ đã phải đóng góp trong suốt quãng đời lao động trước đó. Chính phủ bù đắp phần thiếu hụt của Medicare, cá nhân phải trả 20% phí bác sĩ và tiền mua một số loại thuốc. Chăm sóc ở bệnh viện được chi trả hoàn toàn. Hệ quả là từng cá nhân thường mua thêm bảo hiểm tư nhân để bổ sung cho nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe từ Medicare. Có khoảng 62 triệu người nghèo được Chính phủ dùng quỹ bảo hiểm Medicaid (trợ giúp y tế) để chăm sóc y tế. Chính phủ cũng vận hành một số bệnh viện để cung cấp gần như miễn phí dịch vụ y tế cho 15 triệu cựu chiến binh. Tổng cộng có tới 91,2% người Mỹ hưởng bảo hiểm sức khỏe; 67% có dùng dịch vụ bảo hiểm tư nhân.
Một số ứng cử viên, do ông Sanders cầm đầu, muốn loại bỏ hoàn toàn bảo hiểm tư nhân và chỉ cung cấp bảo hiểm công cộng. Những ứng viên khác như Joe Biden thì muốn cung cấp những dịch vụ bảo hiểm công cộng có trợ giá, rẻ hơn cho những người không thích bảo hiểm tư nhân. Dụng ý chính sách là rốt cuộc sẽ loại bỏ những công ty bảo hiểm tư nhân.
Mọi ứng viên đều sẵn lòng cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho 1 triệu dân nhập cư bất hợp pháp tới Mỹ mỗi năm. California thì có hẳn một chương trình cấp toàn bang: tiêu tới 98 triệu USD mỗi năm để chăm sóc 90 ngàn người nhập cư trẻ đã thành niên. Như vậy, chăm sóc y tế cho toàn bộ người nhập cư bất hợp pháp mỗi năm sẽ tiêu tốn của nước Mỹ thêm 1 tỉ USD.
Trở ngại cho phe Dân chủ: Hiện có tới 907 công ty bảo hiểm sức khỏe tư nhân, đang sử dụng 871 ngàn lao động, thu bảo hiểm phí tới 868 tỉ USD/năm. Xóa bỏ khu vực này sẽ gây thảm họa cho nền kinh tế. Mặt khác, các quỹ hưu trí ở Mỹ, cũng như những người nắm giữ cổ phiếu trước nay đầu tư rất nhiều vào các công ty bảo hiểm, do vậy xóa bỏ những công ty này sẽ làm nhiều quỹ hưu trí của người lao động sụp đổ. Chưa kể người lao động Mỹ có xu hướng thích được ông chủ trả bảo hiểm sức khỏe, một trong các lý do là họ sẽ được chủ động chọn bác sĩ, bệnh viện, chọn mức chi trả. Trong chăm sóc sức khỏe, được chủ động lựa chọn là chuyện hết sức quan trọng.
Số lượng người không được bảo hiểm hiện khoảng 27 triệu, giảm từ 44 triệu năm 2013. Một câu hỏi lớn cho những người Xã hội chủ nghĩa là có tái cấu trúc hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân và biến nó thành một hệ thống công cộng rộng khắp để phục vụ những người chưa được bảo hiểm hay không. Những người chưa được bảo hiểm cũng cần được chi trả, song những người chỉ trích đề xuất này thì lại nêu chất vấn là tại sao toàn bộ hệ thống lại cần phải chuyển đổi theo kiểu như vậy.
Tổng chi phi dự kiến: 3 ngàn tỉ - 4 ngàn tỉ USD mỗi năm.
Giáo dục miễn phí: Giáo dục công từ nhà trẻ đến phổ thông sẽ do thuế tài trợ, chủ yếu là thuế địa phương, cộng một phần ngân sách liên bang. Lương giáo viên do địa phương chi trả. Giáo dục đại học thì hoặc là tư nhân cộng tài trợ một phần từ chính phủ, hoặc công cộng với sinh viên chi trả một phần học phí. Chính phủ liên bang cho sinh viên vay dài hạn lãi suất thấp để theo học trường công hoặc trường tư.
Các ứng cử viên hiện kêu gọi giáo dục miễn phí tại mọi trường đại học công và cao đẳng công. Các trường tư sẽ vẫn hoạt động, nhưng sẽ phải cạnh tranh với những trường công rẻ hơn nhiều. Theo chủ trương này, những trường tư có phần chắc sẽ đóng cửa hết loạt
Chi phí ước tính: 79 tỉ USD mỗi năm.
Chính phủ liên bang đến nay đã cho sinh viên vay khoảng 1600 tỉ USD. Mỗi năm có khoảng 1 triệu sinh viên không trả nổi tiền vay đúng hạn theo chương trình này. Các ứng viên đang đề xuất xóa hoàn toàn hoặc xóa phần lớn những khoản vay này. Những sinh viên nào đã trả nợ vay rồi thì không được rút lại tiền.
Thực tế, các đại học công và tư có thể tăng học phí khi muốn. Kể từ 2001, học phí đã tăng 100%. Các trường đại học dựa vào các khoản vay của sinh viên để chi trả lương ngày càng cao cho giảng viên và đặc biệt là bộ máy quản trị. Các đại học công hiện bị ảnh hưởng mạnh, do các chính quyền bang và địa phương đang cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm ngân sách dành cho đại học. Xóa bỏ các khoản vay cũng sẽ gây họa cho tài chính các trường đại học. Mặt khác, các trường đại học cũng sẽ bị chính phủ liên bang kiểm soát ngày một nhiều hơn. Các đại học tư tiếp tục tồn tại sẽ tạo ra vấn đề về bình đẳng khi sinh viên không thể trả nổi học phí sẽ bị buộc phải gia nhập khối đại học công. Chi phí trung bình cho một tấm bằng đại học 4 năm tại trường tư là khoảng 140 ngàn USD.
Điều quan trọng là sinh viên không chỉ dùng tiền vay nộp học phí, mà còn dùng trang trải những khoản khác ở mức tương đương học phí.
Ước tính chi phí: 1,6 ngàn tỉ USD (thanh toán 1 lần)
Ngay cả khi giáo viên các trường địa phương được địa phương trả lương, một số ứng cử viên vẫn muốn tăng lương cho họ từ ngân sách liên bang. Chương trình này sẽ làm gia tăng kiểm soát của chính phủ liên bang đối với các hệ thống trường địa phương.
Ước tính chi phí: 31 tỉ USD mỗi năm.
Đảm bảo thu nhập: Nhiều ứng cử viên còn đề nghị những cách tái phân bổ của cải bằng phân phát tiền mặt để người nhận có thêm thu nhập, thậm chí cho cả những người không muốn làm việc. Những ứng viên khác thì chủ trương chính phủ liên bang sẽ đảm bảo việc làm cho bất cứ ai muốn đi làm.
Ước tính chi phí: 600 tỉ USD mỗi năm.
Gần như mọi ứng viên đều muốn tăng lương tối thiểu từ 7.25 USD lên 15 USD/giờ để chi trả cho 17 triệu công nhân. Giới phản đối chỉ ra rằng 1,3 triệu công nhân thuộc giới trẻ sẽ mất việc, nhất là ở khu vực doanh nghiệp nhỏ, khu nông thôn, vì giới chủ sẽ sa thải họ (xin xem thêm Congressional Budget Office). Tăng lương tối thiểu cũng sẽ làm hại những công nhân thường nhận khoản thưởng vượt trội phần lương tối thiểu
Ước tính chi phí: chi phí xã hội từ việc sa thải người lao động, trợ cấp thất nghiệp đều sẽ là những con số rất lớn.
Đảm bảo nhà ở: Sẽ mở rộng những lựa chọn nhà ở. Có một đề xuất là chính phủ sẽ giảm giá bán nhà nếu người mua là dân Mỹ da đen.
Ước lượng chi phí: 3,5 tỉ USD/năm
An ninh thực phẩm. Thêm nhiều người sẽ được hưởng chương trình bao cấp thực phẩm.
Ước tính chi phí: 3 tỉ USD/năm
Green New Deal: Chương trình GND – Nền tảng cho những đề xuất chính sách Xã hội chủ nghĩa – bao gồm những chính sách năng lượng và môi trường vốn được gắn với Chủ nghĩa xã hội. Chẳng hạn chuyển công nhân đang làm trong những ngành sản xuất thép, nhôm sang những ngành sản xuất năng lượng bền vững. Thượng viện đã bỏ phiếu (57 – 0) bác đề xuất này (xem thêm 116th US Congress, House Resolution 109; và Mercatus Center)
Triển vọng của những ứng cử viên Dân chủ
Những chính sách Xã hội chủ nghĩa của phe Dân chủ vẫn chỉ là những mơ ước cho đến khi nó được thể chế hóa, được thực hiện, và được chi trả.
Còn lúc này hãy xem xét tư cách và năng lực của 5 ứng viên Dân chủ đang chủ trương Chủ nghĩa xã hội. Họ có là những ứng viên thích hợp để bảo vệ Nghị trình Xã hội chủ nghĩa hay không?
Trừ ngoại lệ là ông Bernie Sanders, người đã nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội nhiều thập kỷ nay, những ứng viên tổng thống còn lại đều đến gần đây mới cổ xúy nó. Bà Elizabeth Warren nguyên là giáo sư luật đại học Harvard mới tham gia Thượng viện được 8 năm. Bà từng là một đảng viên Cộng hòa bảo thủ. Những ý tưởng của bà về nghị trình Xã hội chủ nghĩa là do một nhóm những nhà tư vấn hàn lâm gán ép, mà nhóm này thì bao giờ cũng sẵn sàng đề xuất bất cứ chính sách tả khuynh nào mà người ta có thể tưởng tượng ra.
Pete Buttigieg, mới 37 tuổi, nguyên là sĩ quan hải quân và thị trưởng của thành phố nhỏ ở Indiana trong 8 năm. Anh ta sử dụng cương lĩnh bênh vực quyền lợi người đồng tính Cơ đốc.
Kamala Harris, 54 tuổi, xưa nay chủ yếu làm công tố viên, đã vào thượng viện được 2 năm. Bà tranh cử như một phụ nữ thiểu số.
Joe Biden, 77 tuổi, là phó tổng thống thời Barack Obama, một cựu chiến binh đã 36 năm trong Thượng viện. Biden chủ trương kế thừa di sản của Obama. Ông cũng cố gắng tỏ ra mình giờ đã khác với những năm tháng ở Thượng viện đại diện cho những chính sách và những hành động mà giờ đã không còn được đảng Dân chủ ưa chuộng hoặc không còn phù hợp với khuynh hướng Xã hội chủ nghĩa đang nổi lên của đảng này.
Vấn đề với toàn nhóm ứng cử viên này còn là họ không có được hiểu biết đủ rành rẽ để diễn thuyết hay bảo vệ được nghị trình của mình. Chẳng hạn, một ứng viên ủng hộ mạnh mẽ Medicare for All (chăm sóc y tế cho mọi người), nhưng khi được hỏi thì lại nói sẽ không xóa bỏ bảo hiểm tư nhân. Rồi sau đó lại nói là những công ty bảo hiểm tư nhân sẽ bị xóa bỏ. Cuối cùng, khi bị hỏi dồn thì lại nói là những bình luận trước đó là để nói về những khoản bảo hiểm mà bản thân đang có! Không ổn !
Tiếp theo chúng ta sẽ thảo luận câu hỏi ai sẽ trả tiền nếu nghị trình Xã hội chủ nghĩa được thực thi, và trả như thế nào.
Hải Văn (chuyển ngữ)