Chưa có hành lang pháp lý
Họa sĩ Lê Thiết Cương bức xúc cho rằng sự phát lộ của các đường dây làm tranh giả hé lộ những bí mật còn nằm sâu kín mà trước đây chỉ những người trong giới mỹ thuật mới có thể hiểu được. Không chỉ vụ 17 bức tranh giả của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã khiến công chúng bàng hoàng, mà ngay sau đó, bức tranh bị họa sĩ Bùi Thanh Phương kết luận là đã làm giả một cách thô thiển tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái cũng được bán trong một buổi đấu giá từ thiện với mức giá 102.000 USD (tức hơn 2,4 tỉ đồng).
Tác phẩm của các bộ tứ đình đám: Nghiêm - Liên - Sáng – Phái; Trí - Lân - Vân - Cẩn; Phổ - Thứ - Lựu – Đàm, các họa sĩ tiêu biểu cho nền mỹ thuật Đông Dương và thời kỳ đầu mỹ thuật Việt Nam, mỹ thuật Đông Nam Á bị làm giả, làm nhái ngang nhiên buôn qua bán lại, nâng từ hàng vô giá trị lên đến tuyệt phẩm vô giá. Họa sĩ, nghệ sĩ đương đại ai cũng cảm thấy cay đắng vì mọi thứ lộn xộn khó kiểm soát, tài năng lúc đương thời khó khẳng định, nên hầu hết đều nghèo, vậy mà chỉ cần có chút danh tiếng thì lập tức bị vi phạm bản quyền đủ kiểu vì các cá nhân núp trong bóng tối sẵn sàng đạp lên luật pháp kiếm lời bất chính.
Bà Lý Bích Ngọc – sáng lập và là giám đốc điều hành Lythi Auction House. |
Ở một góc nhìn khác, nhiều họa sĩ cảm thấy tuyệt vọng khi gia đình họa sĩ Tạ Tỵ đệ đơn lên Tòa án nhân dân TPHCM kiện nhà sưu tập Vũ Xuân Chung vụ tranh giả nhưng vụ việc lòng vòng đẩy từ TAND thành phố xuống TAND quận 4 rồi quay trở lại TAND TPHCM mà cuối cùng vẫn chẳng có kết quả gì.
“Giữa lúc hỗn mang này, những người muốn tiến vào thị trường một cách chuyên nghiệp thực sự còn rất nhiều khó khăn” – Nhà sưu tập Nguyễn Văn Sĩ nói. Nhưng họa sĩ Đào Châu Hải cho rằng: “Gia đình họa sĩ Tạ Tỵ nên theo đuổi vụ kiện bản quyền tranh đến cùng, có thể bị chậm trễ về thời gian nhưng nếu quyết tâm thì tôi nghĩ vẫn có hy vọng. Vấn đề bản quyền đặc biệt là lại có yếu tố người nước ngoài thì pháp luật Việt Nam cũng chưa phải ứng xử bao giờ. Đưa ra tòa một sự việc chưa từng có tiền lệ như thế thì đương nhiên phải khó khăn, chậm trễ nhưng Việt Nam đã gia nhập công ước Berne nên đương nhiên cuối cùng tòa sẽ phải xử thôi”.
Nghệ sĩ đương đại – giám tuyển nghệ thuật độc lập Nguyễn Như Huy tự tin khẳng định: “Đừng sợ những sự vụ đang phát lộ. Chính ở vào giai đoạn lộn xộn dữ dội này, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang dần hình thành. Trên tiến trình cân bằng giữa giá trị và giá cả, rất cần xuất hiện các nhà đấu giá, cần định chế pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý”.
Những bước chuyển mạnh mẽ
Lythi Auction House mới đây vừa tổ chức thành công Art Night tại TP HCM với chủ đề cảm hứng từ sắc đẹp của phái nữ. Cũng thời điểm này, ở Hà Nội, Chọn Auction House vừa kết thúc phiên đấu giá “Ảo ức” dành riêng cho tranh đương đại Việt với tổng giao dịch toàn phiên lên tới 99.350 USD.
Tranh ở đêm Art Night của Lythi Auction. |
Nhiều nhà sưu tập trên thị trường Việt Nam cho rằng sự xuất hiện của các nhà đấu giá và các hội chợ nghệ thuật là rất quan trọng. Nếu nhà sưu tập chỉ mua tranh rồi mang về giữ ở nhà thì chưa tạo ra thị trường nghệ thuật, chưa có vòng xoay luân chuyển. Trong bối cảnh đó nhà sưu tập phải với tay ra thị trường nước ngoài, ứng xử với các nhà đấu giá nước ngoài, và người thua thiệt nhiều nhất là nghệ sĩ Việt.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Chánh phát biểu: “Sự xuất hiện của những sàn đấu giá như Lythi Auction hay Chọn Auction rất tốt, nghệ thuật là một loại hàng hóa đặc biệt, hàng hóa tương lai, nếu người Việt có tiền và có kiến thức để hiểu được cách đầu tư nghệ thuật, có thể làm được một mặt bằng giá tốt cho nghệ thuật thì chúng ta có thể trao đổi, đàm phán với bên ngoài. Trước nay chúng ta chưa có điều kiện có nhà đấu giá của mình nên tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn bị người nước ngoài mua với giá rẻ rồi kinh doanh kiếm lời trên chất xám của nghệ sĩ Việt”.
“Những người tham gia vào thị trường nghệ thuật bây giờ sẽ có cơ hội cống hiến cho một di sản sau này” - Bà Lý Bích Ngọc hào hứng khẳng định.
Các tác phẩm từ cảm hứng bởi cái đẹp nữ tính - Lythi Auction House trưng bày. |
Nghệ sĩ Như Huy đánh giá: “Khi có các sàn đấu giá công khai và các hội chợ, sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường nghệ thuật. Rất khó có thể tránh được tâm lý hám lợi ngắn hạn nên sẽ vẫn có những người làm giả tác phẩm. Đến kim cương bạc vàng châu báu cũng có đồ giả, không thể bắn chết được cái giả nên tốt nhất là hãy đấu tranh đến cùng cho cái thật và tạo ra niềm yêu thích cái thật, để bớt đi cơ hội lan truyền, luân chuyển của những cái giả. Tôi tin rằng ở đâu càng có nhiều cái giả thì giá của cái thật sẽ càng lên cao”.
Đại diện sàn đấu giá nghệ thuật Chọn Auction House cũng công khai xin lỗi gia đình họa sĩ Vũ Giáng Hương vì sự cố đáng tiếc bức tranh giả được cho là họa sĩ Vũ Giáng Hương vẽ con gái nhà văn Dương Thu Hương, và tuyên bố phản đối hành vi làm giả tranh dưới mọi hình thức; sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để đưa các đối tượng làm giả tranh ra ánh sáng; cam kết tăng cường các khâu giám sát kiểm tra trong quy trình tuyển chọn và giới thiệu tác phẩm đến với các nhà sưu tầm và công chúng yêu nghệ thuật.
Lối vào tư duy nghệ thuật Nguyễn Như Huy là nghệ sĩ thị giác, giám tuyển độc lập, nhà phê bình nghệ thuật. Ông cũng là giám đốc nghệ thuật Trung tâm nghệ thuật độc lập Ga 0 (ZeroStation), dịch giả của hai đầu sách của nghệ thuật đương đại: “Thế mà là nghệ thuật ư” (2009) được gọi là cuốn sách sống động và thông tuệ, cung cấp lối vào lý tưởng cho việc tư duy về nghệ thuật; và “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật”. “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật” là một cuộc du hành vào thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu. Qua bảy chương sách đã cung cấp những trải nghiệm giúp người đọc dù ở bất kì đâu trên thế giới đều cảm thấy như thể tự mình đang đi dạo vào thế giới nghệ thuật: buổi bán đấu giá, buổi phê bình nhóm, hội chợ nghệ thuật, giải thưởng nghệ thuật, tạp chí nghệ thuật, thăm xưởng nghệ sĩ, triển lãm lưỡng niên… |