"Cô nàng đỏng đảnh" mang tên Condotel!
Xuất hiện tại Đà Nẵng gần 2 năm nay, sản phẩm BĐS Condotel nhanh chóng trở thành làn sóng đầu tư mới tại Đà Nẵng bên cạnh những sản phẩm BĐS truyền thống.
Theo số liệu nghiên cứu 9 tháng đầu năm 2016 của CBRE, thị trường bất động sản Đà Nẵng chứng kiến sự ra đời của hơn 2.800 căn hộ khách sạn được chào bán ra thị trường trong quý 3/2016, đưa tổng nguồn cung trong năm 2016 lên hơn 5.750 căn. Số lượng này gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016 đã bằng tổng số nguồn cung của tất cả các năm về trước.
Nhưng thị trường căn hộ, nhà ở nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn tại Đà Nẵng đang phát triển mạnh nhất trong tất cả các loại sản phẩm cả số lượng chào bán cũng như giao dịch thành công. Đặc biệt, chương trình cam kết lợi nhuận với mức dao động từ 8% đến 12% trên tổng giá trị căn hộ cho mỗi năm trong vòng 3-10 năm khiến thị trường sản phẩm này ở Đà Nẵng tăng tốc đáng kể.
Mặc dù cơ quan chức năng Đà Nẵng đang siết chặt danh sách các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn đủ điều kiện bán trong tương lai, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của loại hình căn hộ này.
"Đà Nẵng đang có tốc độ tăng trưởng nguồn cung đối với sản phẩm này nhanh cả về tốc độ và số lượng, chỉ đứng sau Nha Trang và vượt cả 2 đầu là Hà Nội và TP HCM. Và với chương trình cam kết lợi nhuận với mức dao động từ 8% đến 12% trên tổng giá trị căn hộ cho mỗi năm trong vòng 3-10 năm mà các nhà đầu tư đưa ra được xem như một cam kết đảm bảo mức lợi nhuận cho khoản đầu tư khiến thị trường sản phẩm này ở Đà Nẵng trở nên thu hút. Nguồn cung của căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng bán hiện nay đã tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Và chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016 số lượng này đã bằng tổng nguồn cung của tất cả các năm về trước" - bà Dương Thùy Dung, Phó Giám đốc, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE cho biết.
Mặc dù vậy, các vấn đề cạnh tranh đối với phân khúc sản phẩm này tại Đà Nẵng đã bắt đầu xuất hiện. Và sự "đỏng đảnh" của loại hình BĐS này đang cho thấy những tiềm ẩn khó dự báo khi nguồn cung tiếp tục ra đời. Nhất là từ khi một loạt dự án như: Hoa Binh Green, Central Coast, Coco Skyline Resort và Ariyana Beach Resort (Tòa Bắc)...đưa hơn 5.000 căn ra thị trường từ năm sau trở đi. Số lượng này đẩy thị trường Đà Nẵng lên vị trí thứ 2 cả nước về nguồn cung sản phẩm Condotel.
"Số lượng nguồn cung tăng trưởng là rất lớn và các nhà đầu tư liên tiếp đưa ra những cam kết lợi nhuận hấp dẫn cho thấy sức ép cạnh tranh không hề nhỏ đối với dòng sản phẩm này. Không chỉ vậy, sự giảm về giá bán trong quý 3/2016 vừa qua lên đến 14,7% so với quý trước đã cho thấy các chủ đầu tư đang chịu áp lực cạnh tranh và họ đã có sự chủ động trong việc này nên hạ giá bán nhằm thu hút người mua bên cạnh chính sách cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Cuối năm nay, đầu 2017 cho đến vài năm sau, thị trường sản phẩm này sẽ cạnh tranh rất mạnh mẽ. Khi đó, thành công sẽ đến với các chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết về chất lượng cũng như lợi nhuận" - chuyên gia phân tích bất động sản của CBRE phân phân tích.
Khách sạn, nghỉ dưỡng tiếp tục hấp dẫn!
Sự tăng trưởng của lượng khách du lịch đến Đà Nẵng khiến sản phẩm BĐS khách sạn, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng tiếp tục hấp dẫn. Trong 9 tháng đầu năm 2016, Đà Nẵng đã chào đón khoảng 4,41 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 29%. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách quốc tế tăng 48% và lượng khách nội địa tăng 9%.
Đây là lý do giải thích cho việc Đà Nẵng hiện đã có hơn 11.400 phòng nghỉ, khách sạn cho các phân khúc 3-5 sao, tính đến thời điểm quý III/2016. Dự kiến thành phố sẽ có thêm khoảng 6.000 phòng được đưa vào hoạt động trong vòng 2 năm sau.
“Đà Nẵng đang trở thành một điểm đến nổi tiếng của cả du khách trong nước và quốc tế. Sự kiện APEC trong năm 2017 là cơ hội tuyệt vời để nâng cao hình ảnh và quảng bá thị trường du lịch của thành phố ra thế giới. Theo đó, không chỉ tổng lượt khách tăng trưởng mà quốc tịch du khách cũng sẽ đa dạng hơn” - Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam nhận định.
Chưa dừng lại, "cuộc đổ bộ" của một loạt tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế như: Wyndham Hotel Group lần đầu gia nhập thị trường với dự án khu phức hợp Soleil, dự kiến hoạt động trong năm 2018; Absolute Hotel Service (AHS) cũng lần đầu tham gia thị trường với dự án Eastin Grand Resort; Cùng với các tên tuổi khác như: Accor Hotel Group, Marriot Hotels, Hyatt Hotel Group and InterContinental,...đến Đà Nẵng cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này.
Việc này khiến đất nền tại khu vực ven biển, nhất là khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn được các nhà đầu tư chọn để xây dựng khách sạn trở nên hấp dẫn chưa từng có. Trước đây, nhà đất trên các tuyến đường Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Hồ Nghinh, Hà Bổng, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng có giá vài chục triệu đồng/m2 thì nay có nơi vượt 100 triệu đồng/m2. Riêng các tuyến đường ven biển tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, giá đất một số nơi tăng đột biến, thậm chí có nơi gần 200 triệu đồng/m2 và tăng gấp 3-4 lần so với những năm về trước.
Việc này được lý giải bằng sự trở lại của giới đầu tư đến từ Hà Nội sau thời gian dài yên ắng do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung. Theo các chuyên gia của Hiệp hội bất động sản Đà Nẵng, liên tiếp từ 2009 đến 2011, dòng tiền từ giới đầu cơ Hà Nội đổ mạnh vào thị trường bất động sản Đà Nẵng, đẩy giá nhà đất tại đây lên cao ngất ngưởng. Có những dự án tăng gấp đôi, thậm chí là gấp 3, gấp 4 giá của chủ đầu tư đưa ra trong thời gian này.
Nhưng khi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung khiến giới đầu cơ phải rút lui khỏi thị trường thì nay các nhà đầu tư này trở lại với sự lựa chọn mới đó là tính thanh khoản và cơ hội đầu tư loại hình khách sạn 3 sao hoặc tương đương để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch khiến thị trường trở nên hấp dẫn.
Trước đó, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2016 do Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng tổ chức diễn ra vào quý II/2016, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã bày tỏ quan ngại về tình hình phát triển nóng của dịch vụ lưu trú, khách sạn từ 2-3 sao với việc mỗi tháng Đà Nẵng có thêm 500 phòng lưu trú, 11 khách sạn ra đời. Và chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, số lượng phòng đã gần bằng số phát triển suốt thời gian qua với 20.166 phòng khách sạn, kéo theo giá bất động sản tăng cao.
Còn theo báo cáo quý III/2016 của CBRE, thị trường nhà ở nghỉ dưỡng bán đã phát triển mạnh mẽ với số lượng căn hộ chào bán mới và giao dịch thành công tăng đáng kể với hơn 2.800 căn hộ khách sạn được chào ra thị trường trong quý, và có đến 70% căn hộ khách sạn cao cấp được bán ra cùng tỷ lệ bán trung bình của phân khúc trung cấp là 30%. Giá của các căn hộ nghỉ dưỡng bán cũng dao động từ 950USD đến hơn 5.500USD/m2 giúp người mua có nhiều lựa chọn hơn khiến thị trường càng trở nên hấp dẫn.
Đặc biệt, condotel được sở hữu riêng. Một khách sạn hay khu trung tâm thương mại có thể có nhiều chủ sở hữu các căn hộ này. Khác với các khách sạn thông thường là các căn hộ, phòng lưu trú do một chủ sở hữu khách sạn sở hữu.
Condotel hoạt động theo hình thức Timeshare, khách hàng sẽ có thể sở hữu để ở, hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng sang cho người khác. Có thể trao đổi kỳ nghỉ, hoặc giao quyền sử dụng cho một đơn vị khác để khai thác, vận hành nhằm chia sẻ lợi nhuận.