Bà Park Geun-hye bị luận tội khiến cục diện địa chính trị Đông Á bị chấn động

VietTimes -- Nhiều mối quan hệ hợp tác bị ảnh hưởng do bà Park Geun-hye bị luận tội như quan hệ Nhật - Hàn, quan hệ Trung - Nhật - Hàn cùng nhiều mối quan hệ song phương phức tạp khác, trong đó có liên quan đến Triều Tiên và Trung Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye (ảnh tư liệu)
Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye (ảnh tư liệu)

Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 10/12 cho biết sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua quyết định luận tội Tổng thống Park Geun-hye, Chính phủ Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ tình hình Đông Á có thể xuất hiện "khoảng trống quyền lực".

Do Trung Quốc và Triều Tiên có khả năng có các động thái mới trong thời gian tới, sự cân bằng sức mạnh Đông Á có thể sẽ tiếp tục bị phá vỡ, điều này gây lo ngại cho dư luận về nguy cơ khu vực xuất hiện sự bất ổn.

Hơn nữa, trong thời gian tới, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có khả năng sẽ không tiếp tục thực hiện phương châm coi trọng châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, điều này đã làm tăng thêm tính bất định cho tương lai của khu vực này.

Trong cuộc họp báo ngày 9/12, khi đề cập đến ảnh hưởng của vụ luận tội Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đối với tình hình khu vực, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản ông Yoshihide Suga chỉ cho biết "vẫn cần theo dõi chặt chẽ".

Nhưng, trên gương mặt của các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản lại đầy u ám. Họ cho rằng việc luận tội này có thể trở thành quân bài Domino đầu tiên gây bất ổn tình hình khu vực.

Tầm quan trọng của Hàn Quốc trong cục diện địa - chính trị Đông Á vượt xa tầm ảnh hưởng của nền kinh tế có GDP đứng thứ 11 thế giới này.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn (ảnh tư liệu)
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn (ảnh tư liệu)

Ở cấp độ an ninh, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật luôn phát huy vai trò quan trọng đối với sự ổn định của tình hình châu Á - Thái Bình Dương. Ở cấp độ ngoại giao, Nhật Bản và Hàn Quốc càng có thể tăng cường hợp tác thì càng có thể duy trì thuận lợi sự cân bằng sức mạnh với Trung Quốc trỗi dậy.

Nếu những hợp tác này bị suy yếu, sự cân bằng tinh tế của khu vực này sẽ bị phá vỡ, có thể sẽ tạo ra không gian lớn hơn cho các hoạt động và hành động "khiêu khích" của Trung Quốc và Triều Tiên.

Chính phủ Nhật Bản cảm thấy lo ngại đối với triển vọng hợp tác an ninh và vấn đề "nô lệ tình dục" vốn đạt được tiến triển trong nhiệm kỳ của bà Park Geun-hye. Vì vậy, người kế nhiệm của bà Park Geun-hye có thể sẽ làm đảo ngược những thành quả này.

Tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ trông đợi: "Quan hệ Nhật - Hàn cực kỳ quan trọng, hợp tác trên các lĩnh vực đều sẽ không thay đổi".

Nhưng lời nói của quan chức Bộ Ngoại giao lại khó che đậy tình hình lo ngại: "Nếu Hàn Quốc tổ chức bầu cử, tất cả các ứng cử viên chắc chắn đều sẽ bắt đầu từ phủ định chính quyền hiện nay".

Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 10/12, do Quốc hội Hàn Quốc thông qua quyết định luận tội đối với bà Park Geun-hye, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cảm giác khủng hoảng tăng cường về hợp tác an ninh Nhật - Hàn sẽ sụp đổ.

Do nội bộ Hàn Quốc có dư luận phản đối hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, sau khi bà Park Geun-hye, người tích cực thúc đẩy ngoại giao với Nhật Bản bị đình chỉ chức vụ, Thủ tướng - quyền Tổng thống Hàn Quốc hiện nay và Tổng thống kế nhiệm đều có khả năng không tiếp tục kế thừa chính sách của bà Park Geun-hye.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yosshihide Suga. Ảnh: The Japan Times
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yosshihide Suga. Ảnh: The Japan Times

Bà Park Geun-hye từng có thái độ nghiêm khắc trong quan hệ với Nhật Bản, lấy đạt được thỏa thuận với Nhật Bản về vấn đề "nô lệ tình dục" vào cuối năm 2015 làm thời cơ, chuyển trọng tâm sang con đường tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản và Mỹ.

Để đối phó Triều Tiên, Hàn Quốc đã điều chỉnh phương hướng, quyết định triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD), đồng thời phê chuẩn Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự giữa Nhật - Hàn.

Hàn Quốc thay đổi đường lối thân Trung Quốc làm cho quan hệ Trung - Hàn xấu đi, nhưng cuối cùng lại mở ra cục diện ngoại giao đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, việc bà Park Geun-hye bị luận tội có thể khiến cho hợp tác Nhật - Hàn bị ảnh hưởng, đảng đối lập Hàn Quốc giữ thái độ “phủ định” đối với hợp tác an ninh với Nhật Bản.

Còn về cuộc hội đàm cấp cao Nhật - Trung - Hàn đang phối hợp để tổ chức ở Nhật Bản, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 10/12 cho biết rõ là rất khó được tổ chức trong năm 2016, hiện đã lùi sang năm 2017.

Theo tờ Asahi Shimbun ngày 10/12, do Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị chấm dứt quyền hạn Tổng thống, cuộc hội đàm cấp cao Nhật - Trung - Hàn dự định tổ chức từ ngày 19 - 20/11/2016 theo kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản sẽ không thể tổ chức.

Nhật Bản có ý định tìm kiếm khả năng để Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn, người thay quyền bà Park Geun-hye thăm Nhật Bản, nhưng đây là hy vọng xa xôi. Chiến lược ngoại giao của Nhật Bản có thể buộc phải tiến hành điều chỉnh.

Trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng, ngoại giao cấp cao Đông Á (lấy Nhật - Trung - Hàn làm trung tâm) đối mặt với nhiều tính bất định hơn.