Ấn Độ mạnh tay chi tiêu để gia tăng khả năng "tìm - diệt” tàu ngầm Trung Quốc

VietTimes -- Ấn Độ quyết định mua thêm 4 máy bay săn ngầm P-8I, đồng thời đang mời thầu mua sắm 50 máy bay do thám không người lái trên biển để phối hợp với máy bay P-8I và trực thăng săn ngầm.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ.

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 16/8 dẫn tờ The Diplomat Nhật Bản ngày 13/8 đăng bài viết “Muốn trở thành lực lượng săn ngầm sát thủ, Hải quân Ấn Độ cần phải xem xét không chỉ máy bay săn ngầm P-8I” của tác giả Pushan Das.

Bài viết cho hay Chính phủ Ấn Độ quyết định thông qua kế hoạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ mua thêm 4 máy bay tuần tra săn ngầm P-8I để bổ sung cho khả năng tác chiến săn ngầm trên không của họ.

Những máy bay săn ngầm P-8I mới này sẽ tăng cường khả năng cho Hải quân Ấn Độ, nhưng cần mua sắm hệ thống đồng bộ để gia tăng sức chiến đấu, phát triển chiến thuật tương ứng, khai thác tối đa tiềm lực của loại phương tiện đắt đỏ này.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ. Ảnh: The Diplomat

4 máy bay mua mới sẽ được bàn giao trong 3 năm tới, khi đó Ấn Độ sẽ sở hữu tổng cộng 12 máy bay tuần tra săn ngầm P-8I. Những máy bay trên biển này có thể thông qua cụm phao sonar nhanh chóng tìm kiếm một vùng biển rộng lớn và chỉ dẫn cho các lực lượng khác đến địa điểm tình nghi có tàu ngầm xuất hiện.

Khả năng được tăng thêm này rất quan trọng, bởi vì ở đại dương rộng lớn, tàu chiến thậm chí tàu ngầm rất khó phát hiện, theo dõi và bao vây tàu ngầm hiện đại của đối phương.

Trách nhiệm của Ấn Độ ở khu vực ngày càng lớn, cũng cần duy trì lực lượng quân sự tin cậy ở quần đảo Andaman - Nicobar và khu vực Ấn Độ Dương.

Muốn tăng cường hiệu quả tác chiến và tính linh hoạt của trang bị săn ngầm trên không có hạn, cần đổi mới tư tưởng tác chiến và khái niệm hành động cụ thể, để các trang bị có người và không có người điều khiển phối hợp thống nhất trong hành động.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.

Mong muốn ban đầu trong thiết kế máy bay P-8 của Quân đội Mỹ là hiệp đồng hành động với máy bay không người lái MQ-4C Triton do Công ty Northrop Grumman sản xuất.

MQ-4C là phiên bản trinh sát trên biển của máy bay không người lái MQ-4 Global Hawk rất thành công, thời gian hoạt động liên tục dài, có thể trinh sát vùng biển trên phạm vi lớn. Điều này có thể làm cho máy bay P-8 đặt trọng điểm vào tác chiến săn ngầm và tác chiến mặt nước.

Nhưng, do Ấn Độ không có nhiều khả năng mua sắm máy bay không người lái đắt đỏ MQ-4C để phối hợp hành động với máy bay P-8I, Hải quân Ấn Độ cần tìm được máy bay không người lái thích hợp để phối hợp với P-8I, làm cho P-8I phát huy vai trò hiệu quả hơn trong các hành động tương lai.

Đồng thời, Ấn Độ có kế hoạch mua sắm máy bay không người lái hải quân. Nhập khẩu máy bay không người lái sử dụng cho tàu chiến có thể phối hợp hành động với máy bay săn ngầm P-8I và máy bay trực thăng săn ngầm trên phương diện thu thập tình báo và tuần tra trinh sát trên biển, có lợi cho nâng cao khả năng trinh sát chiến trường và khả năng khóa mục tiêu.

Máy bay do thám trên biển không người lái MQ-4C do Công ty Northrop Grumman, Mỹ sản xuất.
Máy bay do thám trên biển không người lái MQ-4C do Công ty Northrop Grumman, Mỹ sản xuất.

Hải quân Ấn Độ cho biết có nhu cầu mua 50 máy bay không người lái loại này, nhưng hiện vẫn ở trong giai đoạn mời thầu.

Máy bay không người lái và máy bay săn ngầm của lực lượng đường không trên tàu chiến phối hợp với nhau sẽ giúp cho Hải quân Ấn Độ có khả năng cơ động chiến thuật linh hoạt cao, giảm thấp rủi ro cho thủy thủ trong môi trường nguy hiểm cao, đồng thời ngắm chuẩn mục tiêu nhanh hơn, chính xác hơn.

Mấy năm qua, các nước Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Australia đều tích cực mua sắm tàu ngầm hiện đại. Lực lượng tàu ngầm ngày càng mạnh của Trung Quốc đã thúc đẩy Ấn Độ tăng cường lực lượng dưới mặt nước. Đến năm 2020, Trung Quốc có thể sở hữu trên 70 tàu ngầm.

Ấn Độ lo ngại sự hiện diện ngày càng mạnh của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương, trong khi đó điều gay go hơn là Pakistan đang chuẩn bị mua sắm 8 tàu ngầm diesel-điện Type 039/Type 041 lớp Nguyên của Trung Quốc.

Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên Hải quân Trung Quốc.

Hải quân Pakistan hiện đã sở hữu 3 tàu ngầm Agosta-90B và 2 tàu ngầm Agosta-70 do Pháp chế tạo, cộng với 8 tàu ngầm mua của Trung Quốc, do đó, trong vài năm tới Hải quân Ấn Độ sẽ đối mặt với mối đe dọa dưới mặt biển nghiêm trọng.

Biện pháp có hiệu quả nhất trong việc phát hiện tàu ngầm và triển khai phối hợp tấn công chính là lực lượng máy bay tuần tra trên biển, sử dụng máy bay săn ngầm P-8I phối hợp với máy bay trực thăng săn ngầm trên tàu chiến có thể tăng mạnh khả năng khóa và tiêu diệt các mục tiêu dưới mặt nước cho tàu chiến.

Kéo dài hành trình của P-8I để thích ứng với trinh sát trên biển và tuần tra săn ngầm thời gian dài, cần tăng cường khả năng tiếp dầu trên không. Hiện nay, máy bay tiếp dầu trên không IL-78 của Không quân Ấn Độ không thể tiếp dầu cho P-8I.

Do P-8I sẽ trở thành một bộ phận quan trọng của lực lượng đường không Ấn Độ, trong tương lai cần mua sắm hệ thống tiếp dầu trên không có khả năng tiếp dầu cho máy bay săn ngầm P-8I.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương. Ảnh: Sina Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương. Ảnh: Sina Trung Quốc

Máy bay P-8I của Quân đội Ấn Độ trang bị tên lửa chống hạm AGM-84L Harpoon Block II, ngư lôi hạng nhẹ Mk-54 và bom phá tàu ngầm Mk-82. Trong tương lai, máy bay này còn có thể trang bị vũ khí săn ngầm phóng từ trên cao, phối hợp với vũ khí phóng ngoài khu vực phòng thủ và tên lửa chống hạm tầm xa.

Thông qua áp dụng tư tưởng tác chiến tương ứng, lực lượng đường không của Hải quân Ấn Độ có thể nâng cao khả năng theo dõi và ngăn chặn tàu ngầm tiến vào khu vực Ấn Độ Dương.

Thỏa thuận giữa Ấn Độ và Mỹ có thể giúp cho hành động của Hải quân Ấn Độ thâm nhập sâu hơn ra Ấn Độ Dương.