Ấn Độ có thể chi 5 tỷ USD mua máy bay không người lái Predator Mỹ

VietTimes -- Hãng tin Press Trust of India ngày 22/6 cho biết tuần trước Ấn Độ đã chính thức đề xuất nguyện vọng mua máy bay không người lái với Mỹ. 
Máy bay không người lái Predator B của Mỹ. Ảnh: AFP.
Máy bay không người lái Predator B của Mỹ. Ảnh: AFP.

Máy bay Ấn Độ muốn mua là máy bay không người lái phiên bản trên biển của Predator B do công ty General Atomics sản xuất, máy bay này có thể hoàn thành bay dài tới một ngày đêm. 

Đề nghị mua sắm này được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama vài ngày. 

Có nguồn tin cho rằng trong tuyên bố chung, nhà lãnh đạo hai nước đều đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của an toàn đi lại trên biển.

Được biết, trước đây rất lâu, Ấn Độ đã bày tỏ quan tâm đến loại máy bay không người lái này, nhưng do Ấn Độ không phải là nước thành viên của "hệ thống kiểm soát tên lửa và công nghệ của nó", không thể mua máy bay này.

Năm 2015, Ấn Độ đã đưa ra đề nghị gia nhập tổ chức này, Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm vào tháng 6/2016 giữa ông Narendra Modi và ông Barack Obama cho hay, hai bên trông đợi Ấn Độ sớm gia nhập "hệ thống kiểm soát tên lửa và công nghệ của nó". 

Bài viết dự đoán, Ấn Độ có thể sẽ chi 5 tỷ USD trong vài năm tới để mua 250 máy bay không người lái phiên bản trên biển của Predator B.

Máy bay không người lái Predator B của Mỹ. Ảnh: Hindustantimes.
Máy bay không người lái Predator B của Mỹ. Ảnh: Hindustantimes.

Khả năng lắp ráp máy bay chiến đấu F-16 ở Ấn Độ

Ngoài ra, tờ The Hindu Ấn Độ ngày 22/6 còn cho hay, tận dụng cơ hội ngày 20/6 Chính phủ Ấn Độ tuyên bố nới lỏng điều kiện đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà chế tạo vũ khí Mỹ Công ty Lockheed Martin sẽ nhanh chóng sản xuất máy bay chiến đấu F-16 ở dây chuyền lắp ráp tại Ấn Độ.

Nếu máy bay chiến đấu này trang bị cho Không quân Ấn Độ sau khi tiến hành nội địa hóa ở Ấn Độ, nó sẽ cho thấy tình hình quân sự của Ấn Độ đã có sự “chuyển đổi lịch sử”, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc, Pakistan và các nước khác. 

Có ít nhất hai quan chức cấp cao Chính phủ Ấn Độ phụ trách vấn đề này đã xác nhận, trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của Thủ tướng Narendra Modi, hai bên đã thảo luận đề nghị thiết lập dây chuyền lắp ráp máy bay chiến đấu F-16 tại Ấn Độ.

Một quan chức cho biết, việc mua sắm 36 máy bay chiến đấu Rafale và các cuộc đàm phán với Chính phủ Pháp vẫn chưa đạt thành công về bảo đảm sức cạnh tranh giá cả. 

Ông nói: "Trên phương diện này, Công ty Lockheed Martin đang cấp bách mong muốn đóng cửa nhà máy chế tạo máy bay chiến đấu F-16 tại Mỹ. Đồng thời, các cuộc đàm phán mời công ty này chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất F-16 đến Ấn Độ luôn được tiến hành". 

Quan chức này còn cho hay: "Điều này sẽ phục vụ cho mục đích kép: Nó không những sẽ trở thành một câu chuyện thành công của kế hoạch Made in India do Thủ tướng Ấn Độ Modi đưa ra, mà còn đáp ứng yêu cầu xây dựng một biên đội máy bay chiến đấu mới của Bộ Quốc phòng Ấn Độ".

Máy bay chiến đấu F-16 Mỹ.
Máy bay chiến đấu F-16 Mỹ.

Một quan chức khác xác nhận, Ấn Độ đang cùng Công ty Lockheed Martin triển khai đàm phán về vấn đề thiết lập dây chuyền lắp ráp F-16 ở Ấn Độ.

Tháng 5/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết, Ấn Độ đang cân nhắc để các doanh nghiệp công nghiệp quân sự nước ngoài sản xuất máy bay chiến đấu tại Ấn Độ.

Ông nói: "Chúng tôi căn bản không phải đang tìm dây chuyên chuyền lắp ráp. Chúng tôi đang tìm một công ty hợp tác với Ấn Độ, thông qua chuyển nhượng công nghệ chế tạo phần lớn linh kiện ở Ấn Độ. Chúng tôi biết chuyển nhượng 100% công nghệ là không thể, hơn nữa nội địa hóa 100% cũng không thể.

Cho dù bỏ ra nỗ lực rất lớn, máy bay chiến đấu LCA của Ấn Độ cũng chỉ có thể tiến hành nội địa hóa khoảng 40%".
Vài doanh nghiệp quốc phòng nước ngoài đã bày tỏ quan tâm đến việc xây dựng xây chuyền sản xuất ở Ấn Độ, trong đó gồm có Eurofighter và nhà chế tạo máy bay chiến đấu Gripen Thụy Điển. 

Tháng 4/2016, Công ty Lockheed Martin và Công ty Boeing đã tổ chức tham vấn về khả năng sản xuất máy bay chiến đấu tại Ấn Độ. Công ty Lockheed Martin đề nghị sản xuất máy bay chiến đấu F-16 tại Ấn Độ, trong khi đó Công ty Boeing đề nghị sản xuất máy bay chiến đấu F/A-18 tại Ấn Độ.