Ấn Độ có kế hoạch trở thành cường quốc chip trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong vài tháng qua, Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đặc biệt quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn, công bố nhiều kế hoạch và hợp tác nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất chip trong nước.
Công nghệ bán dẫn. Ảnh minh họa Tech Asia News
Công nghệ bán dẫn. Ảnh minh họa Tech Asia News

Mặc dù Ấn Độ không có các công ty bán dẫn bản địa khổng lồ, nhưng chiến lược của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi tập trung vào việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ nước ngoài.

Chiến lược này, theo các chuyên gia sẽ thúc đẩy gia tăng nhanh chóng năng lực cạnh tranh kinh tế của Ấn Độ với Trung Quốc, quốc gia đang trong cuộc chiến chip ngày càng căng thẳng với Mỹ.

Cùng với các quốc gia khác như Mỹ, Ấn Độ đang tìm cách thiết lập những liên minh chiến lược xung quanh công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn, đồng thời thực hiện những động thái nhằm đưa hoạt động sản xuất chip về nước trong bối cảnh Ấn Độ không có nhà máy chế tạo hoặc chế tạo linh kiện bán dẫn sản xuất chip. Do đó, New Delhi tìm giải pháp thu hút các nhà sản xuất chip nước ngoài bằng chương trình khuyến khích của chính phủ trị giá 10 tỉ USD, chi trả tới 50% chi phí dự án.

Kể từ đó, đã có hàng loạt thông báo hợp tác đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn Ấn Độ liên quan đến sản xuất chip.

Những liên doanh chip được công bố ở Ấn Độ cho đến nay

Tháng 9/2022, Foxconn, công ty Đài Loan lắp ráp iPhone của Apple và công ty khai thác mỏ Vedanta của Ấn Độ thỏa thuận hợp tác xây dựng một cơ sở sản xuất chip trị giá 19,5 tỉ USD ở phía tây bang Gujarat. Liên doanh đã yêu cầu chính phủ Ấn Độ hỗ trợ thành lập một nhà máy bán dẫn, nhà máy sản xuất mạch tích hợp từ những tấm silicon thô ở Dholera, Gujarat.

Chủ tịch Vedanta Anil Agarwal cho biết, mục tiêu đặt ra là sản xuất 40 000 tấm wafer mỗi tháng trong khoảng hai năm rưỡi. Đồng thời, ISMC Digital, nhóm các nhà đầu tư đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy chế tạo trị giá 3 tỉ USD phía nam bang Karnataka. Công ty Israel Tower Semiconductor sẽ là đối tác công nghệ trong dự án này.

Tập đoàn Tata cũng lên kế hoạch bắt đầu sản xuất chip bán dẫn ở Ấn Độ. Theo báo cáo phương tiện truyền thông, Chủ tịch Tata Sons Natarajan Chandrasekaran cho biết, tháng 12/2022 công ty có kế hoạch xây dựng một “doanh nghiệp thử nghiệm lắp ráp chất bán dẫn” và đang đàm phán với những công ty khác. Những nhà máy đã nêu sẽ là một trong những nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn đầu tiên ở Ấn Độ.

Mỹ cũng có kế hoạch đầu tư

Tháng 1/2023, Mỹ và Ấn Độ đã có những cuộc gặp cấp cao tại Washington giữa các quan chức chính phủ và giám đốc điều hành của một số công ty nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực vũ khí tiên tiến, siêu máy tính, linh kiện bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao khác. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên về chương trình hợp tác phát triển những công nghệ quan trọng và mới nổi mà tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố tại Tokyo vào tháng 5/2022.

Trong cuộc họp khai mạc của Sáng kiến ​​Ấn Độ-Mỹ về Công nghệ quan trọng và mới nổi vào ngày 1/2, hai nước đã thảo luận về “sự hợp tác song phương về chuỗi cung ứng chất bán dẫn linh hoạt” và sản xuất. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ và Hiệp hội Điện tử và Bán dẫn Ấn Độ cũng thành lập một nhóm đặc nhiệm để khám phá những sáng kiến ​​tư nhân trong lĩnh vực bán dẫn.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, mục tiêu đặt ra là quan hệ đối tác công nghệ trở thành “cột mốc quan trọng tiếp theo” trong mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ sau thỏa thuận năm 2016 về hợp tác năng lượng hạt nhân. Ông mô tả nỗ động lực này là “một phần nền tảng cơ bản lớn của chiến lược tổng thể nhằm đưa toàn bộ thế giới dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào vị thế hùng mạnh”.

Ý đồ của chính quyền Joe Biden rất rõ ràng, tăng cường kết nối với các đồng minh châu Á và làm suy giảm sự thống trị của Trung Quốc trong những công nghệ tiên tiến. Theo Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Mỹ cũng đang xem xét hợp tác với Ấn Độ trong một số ngành sản xuất nhất định, thúc đẩy cạnh tranh với Trung Quốc. Raimondo nói với “Mad Money” của CNBC, bà sẽ đến thăm Ấn Độ vào tháng 3 cùng với một nhóm CEO Mỹ để thảo luận về liên minh giữa hai quốc gia trong lĩnh vực sản xuất chip.

Theo Tech Wire Asia