Trong tháng cuối cùng của năm 2015, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hứng chịu nhiều thất bại liên tiếp như bị quân đội Iraq đánh bật khỏi thành phố chiến lược Ramadi, mất nhiều thị trấn ở Syria và ít nhất 10 thủ lĩnh bị tiêu diệt trong các trận không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Theo giới quan sát, nguyên nhân là ngoài sức ép mạnh mẽ từ Mỹ lẫn Nga cùng các lực lượng tại chỗ ở Iraq và Syria, IS còn đang phải chống đỡ những đòn tấn công quyết liệt từ al-Qaeda và Taliban.
Cuộc đua khủng bố Al-Qaeda và IS chính thức bước vào thế đối đầu sau lời tuyên chiến của thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri hồi tháng 9. Trong một tuyên bố công khai hiếm hoi, al-Zawahiri gọi thẳng kẻ cầm đầu IS Abu Bakr al-Baghdadi là “tên nổi loạn” và khẳng định “sẽ không ngồi yên nữa”.
Tình hình này dẫn đến những diễn biến khó lường và không kém phần nguy hiểm khi cả hai nhóm có thể tăng cường các vụ tấn công hơn nữa để cạnh tranh về uy danh.
Bằng chứng là khoảng một tuần sau khi IS tuyên bố đứng sau đợt tấn công đẫm máu khiến 130 người chết tại Pháp, chân rết tại Bắc Phi của al-Qaeda là AQIM gây ra vụ tấn công ngày 20.11 tại khách sạn Radisson Blu ở thủ đô Bamako của Mali, khiến 20 người chết, bao gồm nhiều người nước ngoài.
“Al-Qaeda đang cố tăng cường tấn công nhằm phô trương thực lực”, chuyên gia Fawaz A.Gerges tại Đại học Kinh tế và Chính trị London (Anh) nói với tờ The Washington Post.
Bên cạnh đó, al-Qaeda cũng “học tập” đối thủ khi đẩy mạnh xua quân tiến chiếm lãnh thổ ở những quốc gia Trung Đông đang bất ổn. Một trong những chiến trường lớn hiện nay là Yemen. Nước này đang chìm trong cuộc nội chiến đã kéo dài 9 tháng qua giữa lực lượng nổi dậy Houthi được cho là thân Iran và liên minh do Ả Rập Xê Út dẫn đầu. Lợi dụng tình hình này, nhánh al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) đã chiếm phần lớn Hadramout, tỉnh lớn nhất của Yemen, làm bàn đạp tiến xuống miền nam nhằm đánh bật một chân rết của IS đang manh nha hình thành.
Mặt khác, al-Zawahiri lâu nay liên tục chỉ trích những hành động tàn sát, xử tử dã man của IS và cho rằng điều này chỉ gây tổn hại đến hình ảnh của các “chiến binh thánh chiến”. Để làm nổi bật “sự khác biệt”, al-Qaeda đối xử tương đối nhẹ tay với tù binh, con tin và thậm chí vừa tung một đoạn phim chiếu cảnh các tay súng tham gia cứu trợ nạn nhân thiên tai ở Yemen.
Tại Syria, phân nhánh Mặt trận al-Nursa của al-Qaeda hồi tháng 9 đã cùng một số nhóm vũ trang liên minh khác chiếm được TP.Idlib từ tay quân chính phủ, theo tờ The Telegraph. Như vậy, sau một thời gian dài phân tán, có thể nói al-Qaeda đã có được một địa điểm tạm coi là cứ điểm lớn để kình chống với lực lượng IS ở tây bắc Syria. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin tiết lộ IS cũng đang ra sức lôi kéo Mặt trận al-Nursa về phe mình.
Đối thủ trực tiếp
Một mối lo lớn của al-Qaeda hiện nay là ý đồ vươn vòi sang Nam Á của IS nên tổ chức này vừa lập chi nhánh mang tên al-Qaeda ở tiểu lục địa Ấn Độ (AQIS) để ngăn chặn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, IS sẽ không dễ dàng chiếm đất xưng vương tại Afghanistan và Pakistan như đã làm ở Trung Đông vì ngoài al-Qaeda, tại đây còn tồn tại một thế lực nguy hiểm khác: Taliban.
Hôm qua 30.12, Hãng tin Sputnik dẫn lời Đặc sứ LHQ tại Afghanistan Nicholas Haysom cho hay IS và Taliban đã trở thành đối thủ trực tiếp. “Trong 1 - 2 tháng qua, chúng tôi ghi nhận đụng độ ác liệt giữa 2 phe tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, dữ dội nhất là ở tỉnh miền đông Nangarhar”, ông Haysom cho hay. Tương tự, giới sĩ quan thuộc lực lượng NATO ở Afghanistan tiết lộ IS tiến hành nhiều trận tấn công nhằm chiếm quyền kiểm soát vùng biên giới với Pakistan. Đây là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Taliban lẫn al-Qaeda và là nơi nhiều thủ lĩnh cấp cao của 2 nhóm đang ẩn náu.
Mới đây, theo The New York Times, đích thân lãnh đạo tối cao Taliban Mullah Mansour đã chỉ huy một “đội đặc nhiệm” bao vây tiêu diệt Mullah Dadulla, kẻ cầm đầu một phân nhóm muốn đi theo IS. Nhiều nguồn tin tiết lộ nhóm này đã nhận lệnh từ al-Baghdadi tìm cách ám sát Mansour nhưng không thành.
Hiện nhiều nước đang tìm cách tận dụng cuộc “nội chiến khủng bố” để hướng tới tiêu diệt IS cũng như thực hiện những tính toán khác.
Tờ The Independent dẫn nguồn từ phương Tây loan tin trong số những nhóm nổi dậy Syria được Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ có cả Mặt trận al-Nursa. Nga thì công khai cho biết đã tìm cách chia sẻ thông tin với Taliban để chống IS vì hai bên “có lợi ích tương đồng” trong việc này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo các nước cần đề phòng phản tác dụng vì chiến thuật này là “một con dao hai lưỡi rất bén”.
IS quy định về quan hệ tình dục với nữ nô lệ
Theo Reuters, IS đã ban hành đạo luật quy định chi tiết về đối xử với những phụ nữ bị bắt làm nô lệ với những điều luật bệnh hoạn.
Chẳng hạn, cha của một tay súng không được quan hệ tình dục với nô lệ do con mình bắt về, nhưng nếu hai cha con cùng bắt một người thì vẫn được quan hệ vì đó là “tài sản chung”.
Đạo luật còn cấm quan hệ qua đường hậu môn, và nếu đã quan hệ với mẹ thì không được đụng vào con hoặc ngược lại. Cũng theo luật IS, phải đối xử tốt, không sỉ nhục, không bắt nô lệ làm những việc quá sức và không được bán nô lệ cho kẻ mà mình biết chắc là sẽ ngược đãi cô ta. Những học giả Hồi giáo trên thế giới đã lên án dữ dội đạo luật này, khẳng định nó bóp méo lời dạy trong kinh Koran và đi ngược lại tinh thần chống chủ nghĩa nô lệ của Hồi giáo.
Theo Thanh Niên