Thị trường vừa đón nhận thông tin giảm lãi suất huy động của nhiều ngân hàng, như Agribank khoảng 0,2 – 0,4%, Eximbank giảm khoảng 0,2%, DongAbank khoảng 0,1 – 0,2%, Sacombank khoảng 0,2%, HDBank khoảng 0,2%...
Thực tế, những điều kiện để giảm lãi suất đã xuất hiện, như lạm phát đang ổn định ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định. Chính phủ cũng yêu cầu giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, bởi mức lãi suất hiện nay đang làm giảm khả năng sinh lời và phục hồi của doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có hứa sẽ giảm lãi suất 1% trong thời gian tới nếu lạm phát ổn định.
Lại “cân” lãi suất cho vay
Kỳ vọng giảm lãi suất đã xuất hiện trên thị trường trong tuần qua khi lạm phát tháng 2 tăng nhẹ đạt mức 2,1%. Theo dự báo của HSBC lạm phát toàn phần trong 5 tháng tới sẽ duy trì ở dưới mức 1%. Đây chính là cơ sở để NHNN giảm điều chỉnh lãi suất huy động.
“Với mức lạm phát có khả năng xê dịch giữa 0% và 1% trong năm tháng tới, trước khi đạt mức tăng 2,8% so với năm ngoái vào cuối năm 2015, chúng ta xem xét tới khả năng NHNN cắt giảm lãi suất thêm”, HSBC cho hay.
Tuy nhiên, thời gian qua xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay lại không đồng đều. Trong khi lãi suất huy động đã giảm hết biên độ thì lãi suất cho vay lại chưa giảm nhiều.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongABank, điều chỉnh lãi suất huy động là để tính toán và cân đối lại dòng vốn, sao cho chi phí vốn đầu vào giảm thêm để ngân hàng có thể cơ cấu lại nợ và điều chỉnh lãi suất cho vay. Hiện chênh lệch lãi suất huy động và cho vay của DongABank khoảng 3,5%.
“Lãi suất cho vay sẽ không giảm ngay được vì cần thời gian để cân đối lại dòng vốn. Độ trễ của lãi suất cho vay thường khoảng 5 – 6 tháng so với lãi suất huy động, vì còn tùy thuộc vào kỳ hạn huy động và cho vay kỳ trước. Khi những kỳ hạn đến kỳ đáo hạn thì chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng mới giảm và mới có thể điều chỉnh lãi suất cho vay. Nhưng riêng với những hợp đồng vay mới thì lãi suất sẽ theo hiện hành”, ông Kiêm cho biết.
Một lý do nữa khiến lãi suất cho vay giảm chậm hơn huy động, theo ông Kiêm, đó là khả năng thu nợ của ngân hàng. Nếu ngân hàng nào thu nợ tốt thì lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên, vấn đề này lại phụ thuộc vào từng ngân hàng.
“Quan trọng hơn, để giảm được lãi suất cả ngân hàng và doanh nghiệp cần phải tính toán để giảm chi phí quản lý tài chính và cho vay. Hiện vấn đề quản lý tài chính của doanh nghiệp cũng chưa ổn, mức độ rủi ro cao nên ngân hàng cũng sẽ cho vay mức giá phù hợp. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của nhiều ngân hàng cũng khá cao. Có ngân hàng chi phí còn tăng so với kỳ trước khiến cho việc giảm lãi suất cũng khó khăn hơn. Nếu cắt giảm được chi phí này, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm”, ông Kiêm nhấn mạnh.
Tác động nào từ cơ quan quản lý?
Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, lãi suất cho vay được quyết định bởi vài yếu tố, đó là lãi suất cơ bản và lãi suất trên thị trường OMO, lãi suất đầu vào của ngân hàng và sự thiếu hụt nhu cầu vay vốn của thị trường, doanh nghiệp. Hiện có những doanh nghiệp đang chịu mức lãi suất vay cao là do mức độ rủi ro của họ cao.
Tuy nhiên, tác động chính tới xu hướng giảm lãi suất trên thị trường chính là hành động của Ngân hàng Nhà nước đối với vấn đề này. Cụ thể, khi Ngân hàng Nhà nước nhận thấy lãi suất trong nền kinh tế đang ở mức cao, gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế và khả năng sinh lời của doanh nghiệp thì chính sách tiền tệ cần phải được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hợp lý để tác động tới xu hướng giảm của lãi suất.
Theo đó, chính sách tiền tệ cần được nới lỏng theo hướng hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng bằng cách ngân hàng nào có nợ xấu nhiều thì có thể bán nợ cho VAMC để được cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, cho vay thế chấp trái phiếu đặc biệt.
“Ngân hàng Nhà nước nên sớm có quyết định giảm lãi suất huy động, dự kiến là 1% trong thời điểm lạm phát đang ổn định và điều chỉnh giảm thêm lãi suất trên thị trường OMO. Hiện lãi suất trên thị trường OMO thấp hơn lãi suất huy động trên thị trường 1 khoảng 0,5 – 1%. Tất nhiên, mức giảm cũng cần ở mức hợp lý để tránh tác động tới việc huy động trái phiếu Chính phủ và khả năng cân bằng lãi suất với tài chính”, ông Kiêm bình luận.
Về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng thực tế, việc giảm lãi suất cũng cần phải được cân nhắc trên nhiều yếu tố, đó là mức độ mất giá của tiền đồng và diễn biến của kinh tế vĩ mô. Nhưng rõ ràng, một hành động cụ thể của Ngân hàng Nhà nước có thể khắc phục được sự chênh lệch kỳ hạn huy động và cho vay, nếu cơ quan này thực sự mong muốn giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Nhu cầu vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp là rất cao, nhưng mặt bằng lãi suất này cũng đang ở mức khá cao 10 – 12%/năm. Quan trọng hơn là ngân hàng không hề muốn mở rộng kỳ hạn cho vay này vì nguồn vốn trung và dài hạn eo hẹp, do nguồn vốn đầu vào cũng chỉ ở ngắn hạn.
“Do vậy, nếu cơ quan này có hành động cụ thể bằng chính sách trong việc hỗ trợ nguồn vốn và lãi suất thì việc hô hào, kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất cho vay sẽ rất khó thành hiện thực.
Ví dụ như NHNN có ban hành một quyết định về việc dành một nguồn tiền để cấp vốn cho nền kinh tế mang tính chất trung và dài hạn, tạo điều kiện cho ngân hàng có thêm nguồn vốn kỳ hạn này với lãi suất thấp. Với cách làm này, khả năng giảm lãi suất kỳ hạn này không phải là khó khăn”, vị này bình luận.
Tất nhiên, khoản hỗ trợ này phải kèm theo điều kiện để các ngân hàng tự nguyện giảm lãi suất. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu vốn không cao, các ngân hàng sẽ rất thiện chí trong việc giảm lãi suất để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Nếu ngân hàng nào không giảm lãi suất thì sẽ bị thị trường đào thải.
"Như vậy, NHNN đang là người cầm trịch đối với lãi suất. Lãi suất có giảm hay không là trách nhiệm của cơ quan này chứ không phải là do hệ thống ngân hàng không thiện chí", chuyên gia này nhận định.
Theo Bizlive