Trong khi bóng đá nam mới chỉ có 2 HCV AFF Cup và đang trông ngóng chiếc HC vàng SEA Games đầu tiên thì 2 thập kỷ qua, các cô gái Việt Nam đã giành tổng cộng 5 HC vàng SEA Games, 3 chức vô địch Đông Nam Á. Những cô gái vàng Việt Nam đang được sự ngưỡng mộ đích thực của các đội tuyển quốc gia khu vực.
Chuyện về những cô gái Vàng
Giải vô địch bóng đá nữ Việt Nam đã được tổ chức 21 lần. Số CLB từ con số 8 thì giờ chỉ còn 7 đội và chức vô địch cũng gần như chia đều cho Hà Nội (10 lần) và TP HCM (8 lần). 95% quân số của đội tuyển cũng chỉ đến từ bốn đội bóng mạnh nhất là Hà Nội, TP HCM, Than Khoáng Sản và Hà Nam. Khá nhiều sân bóng mở cửa miễn phí mà vẫn không có nhiều khán giả và tài trợ thì mùa giải có, mùa giải không.
2 thập kỷ qua, các cô gái Việt Nam đã giành tổng cộng năm HC vàng SEA Games, ba chức vô địch Đông Nam Á. Ảnh VPF.
|
Nếu như các cầu thủ nam đá V.League ít nhất cũng được 10 triệu đồng/tháng, những cầu thủ đội tuyển quốc gia lương cũng phải 40-50 triệu đồng/tháng. Tiền lót tay khi ký hợp đồng cũng ngót tiền tỷ/năm và hình ảnh các cầu thủ có xe hơi đẹp bên cạnh người bạn gái sang chảnh thì cuộc sống các cô gái đá bóng lại không được một phần mười.
Theo HLV đội trưởng nữ quốc gia Mai Đức Chung, một CLB V.League hiện nay cần khoảng 60 tỷ/năm để duy trì hoạt động, còn với bóng đá nữ, việc có được mức kinh phí khoảng 3 tỷ đồng cũng có thể coi là "sung sướng lắm rồi". Cơ hội xuất ngoại của nữ cầu thủ lại gần như bằng không. Gần 2 thập kỉ thì chỉ có 5 nữ cầu thủ là Trương Thị Kiều, Tuyết Dung, Khổng Thị Hằng, Hồng Nhung, Huỳnh Như được các CLB dừng lại ở mức “nhòm ngó".
Tập luyện và thi đấu ảnh hưởng nhan sắc, hết giải đấu phải bôn ba đủ nghề mưu sinh, giải nghệ thì cuộc sống lại càng bấp bênh. Thế nên ngày càng ít các em nữ muốn tập luyện và gắn bó với bóng đá, việc bỏ ngang cũng xuất hiện nhiều hơn. Ngay cả các đội Hà Nội, TP.HCM cũng chỉ tuyển quân được từ các huyện ngoại thành, các cô gái nội thành thường “chảnh” trước môn thể thao vua này.
Người nghèo chỉ biết khóc
Trong thời điểm SEA Games chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa sẽ chính thức khởi tranh, bóng đá nữ Việt Nam bất ngờ xôn xao trước thông tin cầu thủ đội bóng đá nữ Thái Nguyên phải bỏ tập luyện, đi làm công nhân để trang trải cuộc sống và đội bóng đứng trước nguy cơ giải thể. Nhìn cuộc sống của đàn chị, các nữ cầu thủ trẻ không còn hào hứng tập luyện và thi đấu dù khá đam mê.
Theo lãnh đạo Trung tâm TDTT tỉnh Thái Nguyên, mức lương của các cầu thủ nữ tại CLB chủ yếu đến từ nguồn kinh phí địa phương, không có tài trợ. Mấy năm nay, mỗi ngày, họ chỉ nhận được 160.000 đồng (100.000 đồng tiền ăn và 60.000 đồng tiền công tập luyện).
Ông Mai Đức Chung cho biết: “Bóng đá nữ vốn từ trước đến nay đã khó khăn, đến giờ Thái Nguyên là nổi cộm nhất, rồi đến Sơn La. Cuộc sống của các cháu, các em rất bấp bênh. Lương rất ít, chỉ 1,3 triệu/người, tính ra đủ ăn sáng, chi tiêu lặt vặt thôi chứ không thể giúp đỡ được gia đình”.
Ngay tin về đội Thái Nguyên chưa được giải quyết thì đến lượt HLV trưởng Lường Văn Chuyên của nữ Sơn La xót xa chia sẻ: “Sơn La chúng tôi nhiều khả năng sẽ không tham dự giải VĐQG mùa tới.” Hóa ra, Lãnh đạo Sở TDTT Sơn La đã yêu cầu hết năm sẽ giải tán đội với lý do thiếu lực lượng thi đấu (hiện đội một chỉ còn 10 cầu thủ), không có kinh phí để tham dự giải và mượn cầu thủ.
Việc không đủ số lượng cầu thủ thi đấu, để duy trì Sơn La phải bỏ tiền mượn các cầu thủ của các đội khác dư thừa, nhưng cuối năm có đại biểu HĐND tỉnh yêu cầu giải trình, đầu tư nhiều mà không có thành tích. Thật khó lý giải (??!). Sở TDTT Sơn La giao cho BHL đội bóng tự lo kinh phí để tham dự giải, không có tiền thì chỉ đăng ký tham dự giải U16.
Nhìn sang Thái Lan
Có ai còn nhớ đến những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam? Ảnh VPF
|
Trong khi đó, Thái Lan đã có sự đầu tư lớn cho bóng đá nữ khá bài bản. Nên việc đội tuyển nữ Thái Lan đang đuổi kịp và vượt thành tích chúng ta là điều dễ hiểu. “ Đến bây giờ tôi vẫn đánh giá Thái Lan hơn chúng ta, cả bóng đá nam và nữ. Trang thiết bị, cơ sở hạ tầng của họ đều hơn ta.
Tôi từng sang đó trực tiếp giảng dạy lớp U19 nữ Thái Lan và dưới lớp đó còn đến 5 lớp nữa. Như thế để thấy từ lâu rồi họ đã đầu tư, xây dựng nguồn lực lớn như thế”, ông Mai Đức Chung thành thật.
Nghe chuyện “1 ông bầu, 5 đội bóng” tại V.League không ít cô gái đá bóng chua chát “giá như bóng đá nữ kiếm được 1 ông bầu nghĩa hiệp bao cho cả 7 đội bóng cũng tốt”. Hình ảnh một đại gia xuất hiện sau trận đấu rút tiền thưởng đội Phong Phú Hà Nam, mai thưởng đội Sơn La… chỉ nằm trong giấc mơ.
Biết ai còn nhớ đến những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam?