ACIT: Hé mở một "đại gia" ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tủ trung thế, tủ hạ thế, trạm kios hợp bộ, thang máng cáp, thi công các công trình điện, doanh thu của CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) luôn đạt ổn định hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.

ACIT là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận (Nguồn: acit.com.vn)
ACIT là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận (Nguồn: acit.com.vn)

Vài năm gần đây, hàng loạt ông lớn đổ xô đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời với quy mô mỗi dự án lên đến cả chục nghìn tỉ đồng.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị điện do đó cũng được hưởng lợi khi nhu cầu về trạm biến áp, trạm phân phối hay đường dây tải điện ngày càng tăng.

Một trong số đó có thể kể đến là CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT).

Theo giới thiệu trên trang chủ, ACIT là doanh nghiệp chuyên sản xuất tủ điện, trạm điện và cung cấp giải pháp thiết bị trọn bộ cho các trạm biến áp truyền tải, phân phối điện cũng như các hệ thống điện cho khu công nghiệp, tòa nhà cao tầng và các công trình trọng điểm quốc gia.

Hiện nay, ACIT sở hữu 3 nhà máy sản xuất, gồm: Nhà máy Quất Động số 1 (Lô CN3A, Cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội); Nhà máy Quất Động số 2 (Lô CN1B, Cụm công nghiệp Quất Động); và Nhà máy Hoà Lạc (Lô CN1-11B-3, Khu CNC1, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thạch Thất, TP. Hà Nội).

Các công trình trọng điểm sử dụng thiết bị điện do ACIT cung cấp có thể kể đến như: Nhà máy ô tô Vinfast, Nhà máy Samsung Bắc Ninh, Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, Tòa nhà Quốc Hội… Đồng thời, doanh nghiệp này cũng góp mặt tại hàng loạt dự án về năng lượng tái tạo.

Đơn cử như tại Dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW của Trungnam Group, ACIT là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ thiết bị công nghệ cho nhà máy điện mặt trời 450 MW và toàn bộ thiết bị của trạm biến áp 500kV.

Ngoài cung cấp các thiết bị điện, ACIT cũng đảm nhiệm vai trò là chủ đầu tư khi thực hiện phát triển dự án Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn. Dự án này có quy mô 29 ha tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, với công suất nhà máy hơn 25 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng. Nhà máy chính thức vận hành thương mại (COD) vào ngày 5/8/2020.

Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong vài năm gần đây, ACIT luôn duy trì doanh thu đạt con số nghìn tỉ, song lợi nhuận thu về lại ở mức hạn chế.

Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của ACIT lần lượt đạt 1.294 tỉ đồng và 1.967 tỉ đồng, lãi thuần tương ứng chỉ ở mức 5,7 tỉ đồng và 7,56 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận khoảng 0,4%. Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của ACIT lần lượt là 2.055 tỉ đồng và 38 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,8%.

Sang năm 2019, ACIT bất ngờ báo lỗ 22,69 tỉ đồng, trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng 26% lên đạt 2.601 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của ACIT đạt 1.973 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 242,4 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 34% và âm 9% so với thời điểm đầu năm.

ACIT của ai?

Theo tìm hiểu của VietTimes, ACIT được thành lập vào tháng 11/2006, trụ sở chính đặt tại số nhà 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Tại ngày 22/7/2015, ACIT có vốn điều lệ 17,5 tỉ đồng, trong đó cổ đông duy nhất được tiết lộ là Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Phương (SN 1975) với tỷ lệ sở hữu 60% vốn.

Đến ngày 28/4/2020, trụ sở chính của ACIT được chuyển sang số 99 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. Đồng thời, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cũng được thay thế bởi ông Phạm Đình Thắng (SN 1981).

Cập nhật đến ngày 29/9/2020, ACIT có vốn điều lệ 525,89 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu thời điểm này không được công bố. Dù vị trí chủ chốt của ACIT đã được thay thế, song không loại trừ khả năng ông Nguyễn Ngọc Phương vẫn là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối.

Được biết, ông Nguyễn Ngọc Phương hiện còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Công nghệ Smosa Việt Nam (Smosa). Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2015, với vốn điều lệ ban đầu đạt 9,8 tỉ đồng, trong đó ông Phương góp 8,82 tỉ đồng, sở hữu 90% VĐL. Phần còn lại được chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Hồng Văn và bà Đỗ Thị Trang, mỗi người nắm giữ 5% VĐL. Cập nhật đến cuối năm 2019, Smosa có vốn điều lệ 38 tỉ đồng.

Tương tự ACIT, Smosa cũng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực lắp đặt hệ thống điện, tủ điện. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sản xuất một số thiết bị máy móc như: máy cắt laser, máy cắt CNC, máy chấn CNC, dây chuyền sơn tĩnh điện…

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Smosa luôn tăng trưởng mạnh về doanh thu, song lợi nhuận thu được lại rất thấp. Như năm 2019, Smosa ghi nhận doanh thu thuần đạt 335,5 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 378 triệu đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,1%.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Smosa đạt 131,9 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 38,5 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 23% và 79% so với thời điểm đầu năm.

Không chỉ các đơn vị tư nhân, nên biết rằng, ACIT cũng là nhà thầu/nhà cung cấp quen mặt của EVN và các thành viên trực thuộc.

Gần nhất, ngày 25/06/2020, ACIT đã ký Hợp đồng số 64/HĐ-EVNHANOI với Tổng công ty Điện Lực thành phố Hà Nội để thực hiện gói thầu: “Gói thầu 7.2: Cung cấp thiết bị đóng cắt, bảo vệ” các dự án cải tạo, phát triển lưới điện trung hạ áp khu vực Hà Nội, thuộc chương trình: “Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3-DPL3” vay WB.

Trước đó, ACIT cũng được Ban quản lý Dự án Phát triển Điện Lực lựa chọn để thực hiện gói thầu: NPC-DPL3-CĐ-G05: “Cung cấp VTTB 110kV; cung cấp, lắp đặt hệ thống thông tin Scada”- tiểu dự án: “Đường dây và trạm 110kV Cẩm Điền” thuộc chương trình: Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3 (DPL3), vay vốn WB.

Chưa kể một số gói thầu với EVN Quảng Ninh, EVN Lạng Sơn, EVN Phú Thọ,.../.