“Nếu bán hết tất cả, có thể bây giờ tôi đang nắm trong tay gần 300.000 USD”, Duncan (47 tuổi, sống tại Edinburgh, Scotland) chia sẻ. Ông là một trong những “tay mơ” đầu tư tiền số kể từ khi giãn cách đại dịch Covid-19 diễn ra.
Làm giáo viên tại một trường tiểu học, ông đã đổ toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình vào thị trường với hy vọng sẽ phất lên nhanh chóng. “Tôi muốn thu về khoảng 500.000 USD, sau đó sẽ rút ra một nửa”, ông nói. Vào thời điểm Giáng sinh 2021, lượng tài sản của người đàn ông đã đạt hơn 300.000 USD.
Song, với tình trạng lao dốc của thị trường gần đây, ông gần như mất trắng khối tài sản của mình. Bắt đầu với 46.000 USD, giờ đây Duncan chỉ còn lại 4.600 USD. “Bạn tôi còn lỗ nặng lên đến 8 con số”, ông nói.
Đặt niềm tin vào Bitcoin
Theo Guardian, Duncan lần đầu biết đến Bitcoin là nhờ lời giới thiệu của một người bạn vào năm 2010. Khi đó, đồng tiền này chỉ có giá vài trăm USD. Sau khi chứng kiến Bitcoin tăng giá vào năm 2017, thậm chí còn chạm mốc 10.000 USD, người đàn ông tin rằng đồng tiền này rất đáng tin cậy và ông nên mua nó.
Tham gia vào thị trường tiền số, Duncan gần như mất trắng số tiền tiết kiệm của mình. Ảnh: The New York Times. |
“Suốt bao năm nay, tôi đã sống một đời tự do, không lo nghĩ tiết kiệm cho tương lai. Giờ đây, tiền mã hóa chính là cơ hội để tôi làm điều này”, Duncan chia sẻ với Guardian. Duncan cho biết ông thích việc có thể tự do kiểm soát tài chính hơn là cứ tiết kiệm tiền một cách nhàm chán.
Năm 2017, ông đã đầu tư hơn 100 USD vào nhiều sàn khác nhau. Nhưng đến năm 2018, khi thị trường xuống dốc, Duncan đã ngừng đổ tiền vào Bitcoin một thời gian. Một năm sau, người đàn ông lại tiếp tục đầu tư vào tiền số thường xuyên hơn. Đến năm 2020, ông có thể kiếm được gần 500 USD/tháng từ thị trường này.
Ban đầu, ông chỉ đầu tư vào Bitcoin và Ethereum. Nhưng vào năm 2021, Duncan đã mua 2.000 đồng LUNA và chúng nhanh chóng mất giá khi Terraform Labs sụp đổ.
Duncan cho biết khi khoản đầu tư vào Bitcoin trở nên khấm khá, ông bắt đầu chi mạnh tay hơn trên thị trường này. “Nếu tôi rút hết tiền vào tháng 4, tôi có thể có đến 250.000 USD”, ông nói. Nhưng điều ông không ngờ đến là thị trường này lại bước vào “mùa đông” lần thứ hai.
Ván cược đầy rủi ro
Khoản lỗ do Bitcoin khiến Duncan rất đau đầu. Ông đã nghỉ việc tại trường học và buộc phải về sống cùng gia đình. Giờ đây, ông còn không muốn bán thêm Bitcoin vì càng bán lại càng lỗ.
Nhưng người đàn ông vẫn tin tưởng rằng đồng tiền này sẽ sớm hồi phục. Duncan cho rằng ai rồi cũng phải có một lần thua lỗ trên thị trường và mọi người sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn này.
Dù thua lỗ, Duncan vẫn tin tưởng Bitcoin sẽ hồi phục. Ảnh: Alamy. |
Theo Duncan, hình thức tài chính phi tập trung (DeFi), vốn được sử dụng trong giới tiền số, trở thành một đề tài hấp dẫn hơn bao giờ hết. “Ở thế giới DeFi, bạn có thể làm những điều vốn không thể xảy ra ở hệ thống tài chính truyền thống”, ông nói.
Theo ước tính của Cơ quan quản lý tài chính Anh (Financial Conduct Authority - FCA), kể từ đầu năm 2021, khoảng 2,3 triệu người Anh đã đầu tư vào thị trường tiền mã hóa. Đa số nhà đầu tư là nam giới trung niên, thu nhập trung bình khoảng 350 USD. Họ thường chỉ đầu tư thăm dò thay vì đổ toàn bộ số tiền của mình vào tiền số.
Nghiên cứu của FCA cũng chỉ ra mọi người không còn nghĩ tiền mã hóa là một ván cược có tính rủi ro cao. Thay vào đó, họ cho rằng đây là một hình thức đầu tư mới và có thể thay thế cho các loại hình tài sản truyền thống như vàng hay chứng khoán. Tuy nhiên, với số lượng nhà đầu tư ngày một tăng, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ mình đang đổ tiền vào điều gì.
Theo Alice Haine, chuyên gia tài chính tại Bestinvest, giữa bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế gia tăng, nhiều nhà đầu tư đã bán tài sản của mình vì sợ mất giá, đồng thời chi trả chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
“Nếu có ý định đầu tư tiền số, các nhà đầu tư nên cảnh giác rằng thị trường này đầy tính biến động và giá đồng lên xuống thất thường”, chuyên gia nói.
Theo ZingNews