Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có quyết định ban hành khung phát triển hạ tầng số Việt Nam. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ các thành phần, yêu cầu phát triển hạ tầng số Việt Nam. Khung phát triển hạ tầng số cũng phản ánh sự tiến hoá, mở rộng từ hạ tầng viễn thông truyền thống đến các hạ tầng mới theo cách tiếp cận riêng của Việt Nam.
Theo quyết định, hạ tầng số Việt Nam bao gồm 4 thành phần chính: Hạ tầng viễn thông và Internet; Hạ tầng dữ liệu; Hạ tầng vật lý - số; Hạ tầng Tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ.
Trong đó, hạ tầng số Việt Nam phải đáp ứng 8 yêu cầu sau:
1. Dung lượng siêu lớn
Hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng truyền tải, lưu trữ, tính toán dữ liệu siêu lớn, nhằm sẵn sàng cho các xu hướng công nghệ mới và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.
Cụ thể: Dung lượng cáp quang quốc tế tối thiểu 350 Tbps vào năm 2030.
Dung lượng truyền dẫn trong nước đáp ứng khả năng phổ cập kết nối Gigabit đến hộ gia đình.
Tổng công suất của các trung tâm dữ liệu, bao gồm các trung tâm dữ liệu siêu lớn đạt mức 870MW vào năm 2030
2. Băng thông siêu rộng (Bandwidth)
Băng thông siêu rộng bảo đảm cung cấp kết nối tốc độ Gigabit đến hộ gia đình, phủ sóng 5G toàn quốc,...
3. Phổ cập
Dịch vụ hạ tầng số được phổ cập để thúc đẩy và duy trì sự công bằng, hòa nhập và khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người, đảm bảo một xã hội kết nối và không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.
Phổ cập dịch vụ dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, dịch vụ IoT, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ tiện ích số, dịch vụ công nghệ số...
4. Bền vững
Các hệ thống thành phần của Hạ tầng số Việt Nam được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong thời gian dài, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
Hạ tầng số Việt Nam hoạt động an toàn, có khả năng phục hồi nhanh chóng sau sự cố và ứng phó với các thảm họa. Hạ tầng số được xây dựng bảo đảm dự phòng, tránh gián đoạn dịch vụ trên diện rộng.
5. "Xanh"
Sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu tác động môi trường, tối ưu hóa hiệu suất năng lượng và áp dụng các công nghệ giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Trung tâm dữ liệu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số PUE (Power Usage Effectiveness) của các trung tâm dữ liệu mới không vượt quá 1,4.
“Xanh” hoá phần mềm (Greening Software) bao gồm: tối ưu hóa mã nguồn để giảm thiểu lượng điện năng tiêu thụ của phần mềm; nghiên cứu và phát triển các mô hình AI sử dụng ít dữ liệu hơn, cần ít sức mạnh tính toán hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn để huấn luyện và vận hành,...
6. Thông minh
Hạ tầng số thông minh có khả năng tự học, tự điều chỉnh, tự nâng cấp dựa trên dữ liệu. Tích hợp giải pháp AI vào quá trình phát triển, quản lý, vận hành các thành phần của hạ tầng số.
7. Mở
Các hệ thống thành phần của hạ tầng số Việt Nam được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn mở, cho phép tương tác và kết nối dễ dàng giữa các thiết bị, phần mềm và dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Sử dụng tiêu chuẩn mở làm giảm chi phí phát triển, triển khai và duy trì hạ tầng số, không phụ thuộc vào các giải pháp độc quyền, khuyến khích cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, tăng cường tính minh bạch và an toàn.
8. An toàn
An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết đối với hạ tầng số trong toàn bộ quá trình thiết kế, thử nghiệm, đánh giá, vận hành, khai thác. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, xuyên suốt, không thể tách rời với phát triển hạ tầng số.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hạ tầng số bao gồm việc triển khai các biện pháp bảo vệ nhiều lớp, giám sát, cảnh báo sớm, ứng cứu sự cố, phục hồi 6 hệ thống kịp thời.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu