Theo RAND, nhiều nước châu Âu đã giảm chi tiêu trong những thập kỷ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, do đó việc chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể sẽ xảy ra với người láng giềng có quân đội hùng mạnh như Nga không đơn giản như việc trang bị đạn dược cho binh sĩ và tập diễu binh.
Sau đây là những gì mà 8 nước Đông Âu đang chuẩn bị để sẵn sàng cho một cuộc chiến tiềm tàng với Nga.
1. Ukraine
Ukraine là nước trong danh sách hiện đang khủng hoảng quan hệ với Nga. Trong khi quân lính Ukraine đang chiến đấu với dân quân ly khai ở miền đông mà Kiev cáo buộc là quân tình nguyện của Nga, các tướng hàng đầu Ukraine vẫn lo lắng về một cuộc không kích và tấn công toàn diện từ phía Nga (Mátxcơva luôn bác bỏ khả năng này và tố cáo NATO liên tục mở rộng sang phía đông, áp sát biên giới Nga. Nga chỉ áp dụng các biện pháp phòng vệ).
Để chuẩn bị, Ukraine đang đào chiến hào và xây dựng hệ thống phòng thủ cố định như bẫy xe tăng và lô cốt. Ukraine cũng luyện tập tác chiến hệ thống phòng không di động và các đơn vị khác. Cuối cùng, Ukraine đang lên kế hoạch mở rộng lực lượng hải quân một cách mạnh mẽ để thay thế nhiều tàu bị Nga thu giữ trong vụ sáp nhập Crimea năm 2014.
2. Estonia
Quân đội Estonia chỉ gồm 6.000 lính và chắc chắn sẽ bị đánh bại chỉ trong vài ngày nếu Nga tấn công. Nhưng Estonia cũng đã lên kế hoạch khiến đối phương sẽ phải hối tiếc nếu chiếm đóng nước này, RAND cho biết.
Estonia đang tổ chức các cuộc thi đấu “thể thao quân đội” và khuyến khích người dân giữ vũ khí trong nhà. Các sự kiện thể thao bao gồm các cuộc hành quân 25 dặm, diễn tập chống xâm lược, nhận dạng và các hình thức khác kiểm tra các kỹ năng cần thiết cho lực lượng phòng thủ.
3. Latvia
Giống như Estonia, Latvia trông chờ vào việc huấn luyện người dân chống xâm lược. Họ đang tiến hành các kế hoạch cho phép cảnh binh giữ súng đạn và các thiết bị nhìn ban đêm tại nhà. Latvia cũng đặt cược rất nhiều vào lực lượng đặc nhiệm.
Giống như các thành viên NATO khác, Latvia đang cố gắng chèo kéo thêm quân NATO vào đóng trên lãnh thổ để ngăn nguy cơ bị xâm chiếm. Anh đã cử quân đội đến tham gia diễn tập, Đan Mạch và Pháp cũng đã cam kết sẽ đưa quân đến Latvia.
4. Lithuania
Lithuania đã phát sách hướng dẫn phòng thủ cho người dân trong đó hướng dẫn chi tiết cách để tồn tại trước cuộc tấn công, bao gồm cả số điện thoại mà người dân có thể gọi để báo cáo những đối tượng nghi ngờ là gián điệp.
Nước này cũng đang lên kế hoạch bắt đầu lại chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với lứa tuổi từ 19 đến 26.
5. Na Uy
Na Uy tin rằng Ukraine đã bị Nga chiếm đóng một cách bất hợp pháp. Sau đó Nga đã thêm Na Uy vào danh sách mục tiêu của các loại “vũ khí chiến lược”. Nga đã sử dụng từ “chiến lược” để phân biệt vũ khí thông thường với vũ khí có khả năng hạt nhân.
Na Uy đã mời quân NATO bao gồm cả thủy quân lục chiến Mỹ đến luyện tập tại nước mình. Na Uy cũng bắt đầu ngăn chặn máy bay Nga bay ở khu vực gần bờ biển nước này. Hiện máy bay F-16 của Na Uy duy trì cảnh giác 24/24 giờ. Nước này cũng đang mở lại các căn cứ từ thời Chiến tranh Lạnh ở phía bắc.
6. Ba Lan
Ba Lan, nước được coi là một trong những thành viên NATO cứng rắn hơn cả với Nga và đã vài lần cảnh báo về mối đe dọa từ Matxcơva. Trong những năm qua, nước này đã đạt được thỏa thuận an ninh khu vực với các nước láng giềng và cố gắng thay đổi hình thái hợp tác giữa Ba Lan với NATO.
Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, Ba Lan đã tăng cường mua sắm thiết bị quân sự như các tàu ngầm tàng hình mới và các máy bay trực thăng S-70 do Ba Lan sản xuất để trang bị cho các binh lính đặc nhiệm.
7 và 8: Phần Lan và Thụy Điển
Phần Lan và Thụy Điển là những nước nổi tiếng là không thích liên minh, nhưng lo sợ chiến tranh đã thúc đẩy các nước này quan tâm tới những hiệp ước phòng thủ hạn chế, giúp quân lính NATO dễ dàng hơn trong việc triển khai quân đến các nước này nếu chiến tranh xảy ra.
Anh và Mỹ đã ký thỏa thuận với hai nước Phần Lan và Thụy. Điểm trọng yếu là cả 4 quốc gia sẽ tăng cường khả năng tương tác bằng cách tập trận huấn luyện chung cũng như tham gia vào các dự án nghiên cứu, phát triển và mua sắm trang thiết bị.