59 tên lửa Tomahawk Mỹ tấn công Syria: Nga trên cơ phương Tây

VietTimes -- Lần này, Nga đã trên cơ phương Tây, người dân Syria đã ủng hộ chính quyền khi quân đội nước ngoài không kích ngay chính nước họ để trả đũa lại cuộc tấn công hóa học bị cáo buộc do chính quyền Assad thực hiện. Dù tên lửa Tomahawk Mỹ khiến sân bay hỏng hóc nghiêm trọng, nó vẫn không làm thay đổi hướng đi của chính phủ Syria, Foxtrot Alpha (Mỹ) phân tích.
Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahăk tấn công căn cứ không quân Syria rạng ngày 7/4
Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahăk tấn công căn cứ không quân Syria rạng ngày 7/4

Hải quân Mỹ đã phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân ở Syria đêm 6 rạng ngày 7/4, để trả đũa lại cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học mà Mỹ cho là chính phủ Syria đã thực hiện đối với chính người dân nước này. Tuy nhiên tên lửa hành trình Tomahawk không phải là loại vũ khí lý tưởng để tấn công một căn cứ không quân, Foxtrot Alpha (Mỹ) đánh giá.

Các tên lửa Tomahawk từ tàu khu trục Porter (DDG-78) và Ross (DDG-71) của Mỹ đã tấn công căn cứ không quân Shayrat ở trung tâm Syria. Đây là căn cứ không quân bị Mỹ cáo buộc chứa những máy bay thực hiện vụ tấn công vũ khí hóa học đã làm bị thương và làm chết hơn 100 người ở thành phố Khan Sheikhun trước đó.

Quân đội Mỹ đã cảnh báo Nga trước khi tấn công tên lửa bằng cách sử dụng kênh liên lạc vốn được thiết lập để làm giảm xung đột giữa hai nước. Cuộc tấn công này vốn được Mỹ thực hiện theo cách làm giảm thiểu tối đa con số thương vong cho Nga.

Các mục tiêu ở căn cứ không quân Shayrat, một trong những căn cứ lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất trong không quân Syria, gồm nhiều máy bay, nhà chứa máy bay, kho nhiên liệu, radar, kho đạn dược và hệ thống phòng không. Nhưng đường băng sân bay lại không được liệt vào mục tiêu trong khi đáng lẽ đường băng mới là mục tiêu tấn công chính để quân đội Nga và Syria không thể sử dụng căn cứ này, dù là trong ngắn hạn.

Theo Foxtrot, lý do chính là vì Tomahawk không phải công cụ phù hợp để thực hiện nhiệm vụ này. Dù có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng loại tên lửa này không phù hợp để phá hủy các đường băng nhằm vô hiệu hóa một sân bay trong thời gian dài.

Tên lửa Tomahawk vốn được đưa vào sử dụng từ những năm 1980, là một tên lửa hành trình tầm xa, có khả năng phóng từ trên không, trên biển và trên bộ từ khoảng cách hơn 1.000 dặm. Với các đầu đạn nặng hơn 1000 pound, công cụ này rất hiệu quả trong nhiệm vụ phá hủy các tòa nhà ở khoảng cách xa mà không làm tổn hại đến bên thực hiện tấn công.

Nhưng các đường băng sân bay lại là mục tiêu quá khó để Tomahawk vô hiệu hóa chúng trong thời gian dài. Ngay cả khi Tomahawk tấn công trực tiếp vào bề mặt đường băng thì cũng chỉ tạo ra một hố lớn trên bề mặt và hố này có thể dễ dàng khắc phục bởi một chiếc máy ủi.

Vậy cần công cụ gì để vô hiệu hóa một phi trường trong một thời gian dài? Câu trả lời chính là bom xuyên phá đường băng BLU-107 của Pháp, thường được gọi là Matra Durandal. Theo GlobalSecurity, loại bom này hoàn toàn có khả năng phá hủy đường băng vì khi tấn công, nó có thể tạo ra một miệng hố rộng 200m2, rất khó và mất rất lâu thời gian để sữa chữa và khắc phục. Không chỉ tạo ra một hố rộng như miệng núi lửa, loại bom này còn làm phá hủy cấu trúc các tấm bê tông trên đường băng, khiến quá trình sửa chữa mất rất nhiều thời gian. Loại vũ khí này cũng có thể phân tán rải rác mìn xung quanh khu vực bị phá hủy, khiến đội sữa chữa rất khó tiếp cận.

Nhưng bom Durandal lại không thể được phóng từ một tàu khu trục cách xa mục tiêu hàng nghìn dặm. Nó chỉ có thể được thả từ trên không bằng máy bay ở khoảng cách rất gần mục tiêu.

Do đó Mỹ không còn lựa chọn nào khác là phóng tên lửa Tomahawk, hơn nữa sử dụng Tomahawk lại giúp làm giảm nguy cơ đối đầu trực tiếp với quân đội Nga ở Syria.

Mỹ không có sự lựa chọn nào tốt hơn Tomahawk để tấn công căn cứ không quân Syria
Mỹ không có sự lựa chọn nào tốt hơn Tomahawk để tấn công căn cứ không quân Syria

Với các máy bay và hệ thống phòng không hiện đại của Nga hiện nay, Mỹ không có cách nào để tấn công đường băng bằng những loại vũ khí gây thiệt hại nặng nề khiến phi trường không thể hoạt động được. Máy bay ném bom tàng hình B-2 (Mỹ chỉ có 20 máy bay loại này) được trang bị bom JDAM sẽ là phương tiện đắt đỏ và khá nguy hiểm khi đối đầu với các hệ thống phòng không mới nhất và mạnh nhất của Nga, đặc biệt nếu mục đích là để vô hiệu hóa sân bay và đưa ra một lời tuyên bố rõ ràng với Nga.

Lần này, Nga đã trên cơ phương Tây, người dân Syria đã ủng hộ chính quyền khi quân đội nước ngoài không kích ngay chính nước họ để trả đũa lại cuộc tấn công được cho là do chính quyền Assad thực hiện.

Tuy nhiên điều thú vị hơn là Nga sẽ phản ứng ra sao. Nga đưa quân đến Syria từ tháng 9/2015 để ủng hộ chính quyền Assad, đồng minh lâu đời của Nga và cung cấp nguồn lực để đảm bảo Assad không phải chịu số phận tương tự như Muanmar Gaddafi. Đổi lại, Nga cũng sẽ được lợi nếu khiến Syria ổn định trở lại. Syria có vị thế chiến lược ở Địa Trung Hải, cung cấp căn cứ hải quân Tartus cho tàu thuyền của Nga và căn cứ không quân Hmeimim hiện cũng đang được Nga vận hành. Ngoài ra, Nga từ lâu cũng đã tìm cách củng cố uy tín ở Trung Đông. Do đó Nga tuyên bố coi cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ là “hành vi xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền.”

Hiệu quả thực tế của cuộc tấn công này đã gây nhiều tranh cãi. Nhắm mục tiêu vào một sân bay ở Syria trên thực tế không tạo ra nhiều khác biệt. Thậm chí nếu hủy diệt được nhiều máy bay của Syria cũng không tạo ra nhiều khác biệt đối với cuộc xung đột. Do đó cuộc tấn công này mang ý nghĩa chính trị hơn là có tác động về quân sự, Foxtrot nhận xét.

Và tất nhiên truyền thông Nga lại có cách nhìn khác Mỹ. Sputnik cho biết thiệt hại với căn cứ này ít hơn nhiều so với những gì Mỹ tuyên bố, trong khi RT thậm chí còn nêu nghi vấn về số lượng tên lửa Mỹ thực sự tấn công trúng mục tiêu.

Căn cứ không quân Syria sau khi bị Mỹ tấn công tên lửa
Căn cứ không quân Syria sau khi bị Mỹ tấn công tên lửa
Chiến đấu cơ Syria tại căn cứ không quân vẫn còn nguyên vẹn sau cuộc tấn công
Chiến đấu cơ Syria tại căn cứ không quân vẫn còn nguyên vẹn sau cuộc tấn công
Căn cứ không quân Syria trở thành mục tiêu của Mỹ
Căn cứ không quân Syria trở thành mục tiêu của Mỹ

Ý nghĩa duy nhất của cuộc tấn công này là đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ trực tiếp đối đầu với quân đội và chính phủ Syria kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến Syria. Giờ đây, Mỹ đang chiến đấu như một kẻ thù thứ ba là chính quyền Syria, bên cạnh IS và Al Qaeda.

Theo Foxtrot, nếu một cuộc tấn công như vậy diễn ra vào ba năm trước, chắc chắn quân đội Syria sẽ phải chịu nhiều thiệt hại lớn. Nhưng giờ đây, dù tên lửa Tomahawk khiến sân bay hỏng hóc nghiêm trọng, nó vẫn không làm thay đổi hướng đi của chính phủ Syria.

Kể từ cuộc chiến Vùng Vịnh, hơn 2.000 quả tên lửa Tomahawk đã được phóng đi. Trong chiến trận, đây là loại vũ khí hiệu quả phá hủy hầu hết mọi thứ. Tuy nhiên, khi được sử dụng chỉ để gửi thông điệp tới kẻ thù hoặc khiến kẻ thù mất tập trung, có vẻ như tên lửa này lại tỏ ra không mấy hiệu quả, đặc biệt là khi kẻ thù trước đó đã nhận được lời cảnh báo.

Trong quá khứ, Tomahawk luôn là loại vũ khí được lựa chọn để trừng phạt vì nó có thể phóng ở khoảng cách xa, không đe dọa cuộc sống của người dân Mỹ và thể hiện rằng Mỹ đang thực hiện điều gì đó hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong lần này, có vẻ Tomahawk đã không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Và quả thực gần như ngay sau đó, các chiến đấu cơ Nga và Syria tại căn cứ không quân Shayrat đã hoạt động bình thường trở lại.