Tạp chí Bulletin of Atomic Scientist đã công bố rằng họ quyết định chỉnh lại “Đồng hồ Tận thế” thành ba phút trước lúc nửa đêm, tức là gần với “thảm họa diệt vong” hơn. Mặc dù năm nay, tạp chí này tập trung nói về mối lo từ biến đổi khí hậu, một phát ngôn viên của họ cho biết: “Một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và quá trình hiện đại hóa kho vũ khí là một mối đe doa không phải bàn cãi đối với sự tồn vong của nhân loại”.
Hiện nay, vũ khí hạt nhân đóng vai trò rất hạn chế (nhưng cũng rất đắt đỏ) đối với an ninh quốc gia Mỹ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội công bố rằng Mỹ sẽ chi tiêu khoảng 350 tỉ USD trong vòng một thập niên tới để nâng cấp và bảo trì kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, đã có những quan niệm sai lầm về mục đích, tình trạng và tính hiệu quả của vũ khí hạt nhân. Dưới đây là 5 trong số đó.
Vũ khí hạt nhân là ưu tiên hàng đầu của lực lượng quân sự Mỹ
Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chuck Hagel đã làm dấy lên quan niệm này trong một cuộc họp báo công bố về kết quả của một cuộc kiểm tra vũ khí hạt nhân: “Khả năng tấn công hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, và đây là ưu tiên lớn nhất của Bộ Quốc phòng. Chúng ta không có vũ khí nào khác quan trọng hơn thế”. Mặc dù vũ khí hạt nhân là một phần của chính sách quốc phòng Mỹ kể từ Thế chiến II, nó rõ ràng không phải là ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng nếu nói về sự chú ý, kế hoạch hay ngân sách dành cho nó.
Vũ khí hạt nhân không giải quyết được vấn đề phiến quân IS ở Syria và Iraq, đại dịch Ebola, hoạt động khủng bố ở Afghanistan và việc Nga sát nhập bán đảo Crimea. Lực lượng quân đội chính quy, hỗ trợ y tế và hoạt động ngoại giao mới là quan trọng để giải quyết những vấn đề trên và xứng đáng được ưu tiên để dành cho những mối đe dọa hiện tại và tương lai đối với Mỹ và các đồng minh.
Thực tế, giá trị của vũ khí hạt nhân đã giảm bớt kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh. Một nghiên cứu tiến hành vào năm 2012 được thực hiện bởi một nhóm gồm các cựu quan chức quốc phòng và đứng đầu bởi Phó Chủ tịch Văn phòng Tham mưu Hoa Kỳ, tướng James Cartwright và cả ông Chuck Hagel, khẳng định rằng “không có một tranh luận nào đưa ra việc sử dụng vũ khí hạt nhân để giải quyết các vấn đề chính của thế kỷ 21 mà chúng tôi phải đối mặt, bao gồm những mối đe dọa từ các quốc gia nguy hiểm, quốc gia thất bại, gia tăng dân số, xung đột khu vực, khủng bố, chiến tranh mạng, tội phạm có tổ chức, buôn lậu ma túy, di dân do xung đột, bệnh dịch hay thay đổi khí hậu… Thực tế, vũ khí hạt nhân về cơ bản cũng trở thành một trong những vấn đề của chúng tôi hơn là giải pháp”.
|
Mặc dù tên lửa hạt nhân là một trong những vấn đề nóng của thế giới, tầm ảnh hưởng của nó đã không còn như trước. |
Mối đe dọa của một cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ cũng lớn như thời Chiến tranh Lạnh
Mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Nga đang rạn nứt, nó chắc chắn sẽ không thể dẫn đến hiểm họa hạt nhân như thời Chiến tranh Lạnh. Theo tướng James Kowalski, phó chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ, một cuộc tấn công hạt nhân của Nga vào Mỹ là “khả năng xa vời” đến mức “không đáng phải nói đến”. Điều mà tướng Kowalski lo ngại không phải là một cuộc tấn công hạt nhân, mà là sai lầm trong nội bộ: “Vấn đề lớn nhất đối với lực lượng chúng tôi là làm điều gì đó ngu ngốc”.
Theo đó, đã có rất nhiều tranh luận về việc kho vũ khí hạt nhân nên lớn đến đâu để đảm bảo an toàn. Trong thời Chiến tranh Lạnh, tổng số vũ khí của Mỹ và Liên Xô đã lần lượt lên đến mức 30.000 và 45.000. Giờ đây, Mỹ và Nga chỉ có số lượng vũ khí khoảng 5.000. Nghiên cứu vào năm 2012 đã nói ở trên cũng ghi nhận số lượng đầu đạn hạt nhân trần là 900 là đủ để đảm bảo an ninh của Mỹ, và một nghiên cứu khác nói rằng chỉ cần 311 đầu đạn.
Vũ khí hạt nhân không tốn nhiều ngân sách
Thực tế, kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân Mỹ có thể tiêu tốn đến 1 nghìn tỉ USD trong vòng 3 thập kỷ tới. Tướng Mark A.Welsh, tham mưu Không quân Mỹ, giải thích: “Giá thành của việc hiện đại hóa các hệ thống hạt nhân không hề nhỏ. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ dẫn đến một tranh luận về việc chúng ta có thể hoặc phải đầu tư vào đâu, và điều đó có liên quan đến những chiến lược có lợi cho đất nước như thế nào?”
Việc tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch hiện đại hóa vũ khí hạt nhận hiện tại sẽ bòn rút ngân sách cần thiết dành cho các lực lượng chính quy, khiên cho quân đội Mỹ không có đủ tài chính để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động quân sự cần thiết. Cả Không quân và Hải quân Mỹ đang yêu cầu lập ra các quỹ riêng để chi trả cho các thiết bị hạt nhân để những khoản đó không ảnh hưởng đến toàn lực lượng.
Vũ khí hạt nhân hiện đang được bảo vệ chặt chẽ, và hiếm khi có tai nạn
Kho vũ khí hạt nhân càng lớn thì càng khó bảo vệ, càng tiêu tốn nhiều tiền để bảo dưỡng, và càng có nhiều khả năng xảy ra tai nạn. Mỹ vốn có tiền sử quản lý vũ khí hạt nhân không hề hoàn hảo: ít nhất đã có 1.200 vũ khí hạt nhân có liên quan đến những vụ tai nạn “nghiêm trọng” từ năm 1950 đến năm 1968. Nổi bật nhất trong số những sai sót đối với vũ khí hạt nhân của Mỹ là sự việc năm 1980 khi một cái cờ lê đã khiến một tên lửa hạt nhân phát nổ tại Arkansas và một cuộc khủng hoảng được giữ kín mới được tiết lộ khác, diễn ra vào năm 1961 khi Không quân Mỹ đã vô tình thả 2 quả bom hạt nhân xuống bang North Carolina (có sức công phá lớn gấp 260 lần quả bom được thả xuống Hiroshima) nhưng may thay lại không phát nổ.
|
Tai nạn liên quan đến vũ khí hạt nhân vẫn luôn thường trực xảy ra. Đây là hình ảnh một phi cơ chở vũ khí hạt nhân bốc cháy trong một tai nạn đã từng xảy ra năm 1980 tại Grand Folks, bang North Dakota, Mỹ. |
Mặc dù một số người cho rằng đây là những sự cố trong quá khứ, nhưng sai lầm vẫn tiếp diễn khi sử dụng vũ khí hạt nhân. Mới đây nhất là việc hai chỉ huy vũ khí hạt nhân của Không quân Mỹ bị sa thải cùng với nhiều sĩ quan khác do không đủ năng lực, những vụ gian lận trong các chương trình vũ khí hạt nhân của Hải quân và Không quân, và một vụ việc nghiêm trọng xảy ra khi 6 tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân vô tình được phóng đi khắp nước Mỹ mà không có sự cho phép hay sự theo sát cẩn thận, tất cả đều cho thấy những nguy cơ trong việc có một kho vũ khí hạt nhân lớn. Ngoài ra, những vụ việc này cũng là nguyên nhân việc lực lượng này không có những sĩ quan trẻ.
Tiền có thể sửa chữa vấn đề đối với vũ khí hạt nhân
Nhiều báo cáo mới đây đã ghi nhận hơn 100 lần sửa chữa vũ khí, tiêu tốn hàng tỉ USD trong khoảng thời gian 5 năm và xác dịnh được một vài vấn đề sau rất nhiều cuộc điều tra. Mặc dù các đánh giá và ghi nhận có thể cải thiện công tác quản lý của lực lượng hạt nhân Mỹ, việc đầu tư tiền bạc vào vũ khí hạt nhân sẽ không thể giải quyết được vấn đề trọng yếu do sự lạc hậu của các thiết bị hạt nhân, vốn được thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh để đối đầu với Liên Xô. Không có việc nâng cấp thiết bị hay tái tổ chức có thể tạo nên giá trị cho các loại vũ khí sẽ không bao giờ được sử dụng.
Do đó, những người thuộc Không quân Hoa Kỳ thường không tìm được sự thỏa mãn và thăng tiến sự nghiệp khi phải trông coi những loại vũ khí không thuộc ưu tiên hàng đầu trong thế giới hiện đại. Khi nhiệm vụ của các loại vũ khí này thay đổi, kích cỡ kho vũ khí hạt nhân cũng thay đổi theo. Cho đến lúc đó, chúng ta sẽ còn phải nhận thêm những báo cáo về bê bối và sự thiếu hiệu quả của lực lượng hạt nhân Mỹ.
Theo: InfoNet