41 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam có doanh thu trên 1 tỷ USD

Trong Bảng xếp hạng VNR 500- Top 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam và Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2014 do Công ty Vietnam Report công bố ngày 26-1-2015, có 41 DN lọt vào “CLB tỷ đô” (có tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ USD)...
Viettel có bước phát triển ngoạn mục trong nhiều năm liên tiếp
Viettel có bước phát triển ngoạn mục trong nhiều năm liên tiếp

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt trong năm 2014 vừa qua khi mà tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5,96% và tỷ lệ lạm phát thấp, khoảng 4%, các DN lớn Việt Nam cũng đã dần khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng DN nước nhà.

Theo thống kê của Vietnam Report, nếu so sánh với Bảng xếp hạng (BXH) Fortune 500 của Hoa Kỳ, thì năm nay có 8 DN trong BXH VNR500 hoàn toàn đủ tiêu chí để lọt vào BXH này (Trong BXH VNR500 năm 2013, có 7 DN đủ tiêu chí doanh thu để lọt vào BXH Fortune 500 – 2013 của Hoa Kỳ).

Thành phần chủ đạo của BXH 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2014 vẫn là khối DN Nhà nước. Điều này cho thấy quá trình cổ phần hóa DN Nhà nước mặc dù được tập trung hơn cả trong năm vừa qua nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Xét về ngành nghề, ngành khoáng sản – xăng dầu vẫn là ngành “giàu nhất” trong Bảng xếp hạng. Đây sẽ là một thử thách cho các nhà điều hành kinh tế, bởi rõ ràng nền kinh tế hiện nay vẫn bị phụ thuộc vào nhóm ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặt trong bài toán tăng trưởng bền vững thì thời gian tới cần khuyến khích phát triển các ngành tiềm năng của Việt Nam như ngành chế biến, chế tạo và công nghệ thông tin…

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, nhu cầu về vốn của các DN tư nhân đang rất cao. Việc thiếu vốn kinh doanh đã làm hạn chế khối DN này phát huy hết tiềm năng của mình, lấy đi sự tự tin của các DN vốn được đánh giá là năng động và sáng tạo nhất của nền kinh tế.

Bởi lẽ nhìn vào khối DN tư nhân trong nước hiện có nhiều DN lọt vào BXH VNR500 năm 2014 nhất, chiếm khoảng 44%, nhưng tổng doanh thu lại ở mức thấp nhất với 18,6% tổng doanh thu toàn bảng, giảm 0,8% so với BXH năm 2013. Điều này, cho thấy hoạt động của các DN tư nhân trong nước trong thời gian qua đang có dấu hiệu đi xuống.

Xét về tỷ số lợi nhuận ròng trên tổng tài sản, khối tư nhân trong nước có hệ số ROA trung bình đạt 5,7%, đồng nghĩa với mỗi 100 đồng tài sản sẽ tạo ra chưa đến 6 đồng lợi nhuận. Đây là mức thấp nhất so với các khối doanh nghiệp FDI (13%) và Nhà nước (6,2%). Điều này sẽ là một thách thức mới cho DN tư nhân tăng trưởng trong năm 2015.

Đây là năm thứ 8, Vietnam Report công bố BXH VNR 500 nhằm ghi nhận cũng như đánh giá khách quan kết quả hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam đã đạt được trong mỗi năm tài khóa.

Được xây dựng dựa trên phương pháp luận của mô hình Fortune0- Hoa Kỳ, BXH VNR500 đánh giá thứ hạng của DN dựa trên tiêu chí chủ yếu là tổng doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như: Lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, lao động, tài sản và uy tín truyền thông cũng được sử dụng như các nhân tố bổ sung góp phần tạo nên vị thế xứng tầm DN lớn.

Tiêu chí lựa chọn Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam là các DN có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%.

Theo Hải quan