4 giải pháp được Thủ tướng trao giải Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – 4 giải pháp được vinh danh gồm Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất (MISA AMIS) của MISA; Nền tảng chuyển đổi số (oneSME) của VNPT; Tự động hóa quy trình với trợ lý ảo (FPT akaBot) của FPT IS và Tiết kiệm năng lượng của Benkon.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng giải thưởng cho Top 4 giải pháp xuất sắc nhất tham gia chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) 2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng giải thưởng cho Top 4 giải pháp xuất sắc nhất tham gia chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) 2023.

Tại Lễ khánh thành NIC Hoà Lạc diễn ra sáng nay (28/10/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao giải thưởng Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 cho 12 giải pháp tiêu biểu và vinh danh Top 4 giải pháp xuất sắc nhất tham gia chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC).

Đây là chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Meta phát động từ tháng 10/2022.

Top 4 giải pháp được vinh danh gồm Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất (MISA AMIS) của MISA; Nền tảng chuyển đổi số (oneSME) của VNPT; Tự động hóa quy trình với trợ lý ảo (FPT akaBot) của FPT IS; và Tiết kiệm năng lượng của Benkon.

Các giải pháp đoạt giải thưởng sẽ được Ban Tổ chức tiếp tục đồng hành, triển khai rộng rãi tại các địa phương và doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc đưa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hoà Lạc vào hoạt động đánh dấu một cột mốc quan trọng trên hành trình thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 9/1/2021, NIC Hòa Lạc đến nay đã hình thành với thiết kế hình cánh chim đại bàng cất cánh, là biểu tượng cho sứ mệnh hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, tạo nên các giá trị đột phá, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển vươn xa.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan, khai trương phòng lab của Samsung và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại NIC Hòa Lạc.

Phòng lab Samsung Innovation Campus thể hiện cam kết của tập đoàn Hàn Quốc trong việc hỗ trợ tích cực NIC trở thành cái nôi trong việc đào tạo nhân tài công nghệ, dẫn dắt công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia tương lai.

Trước đó, theo đề nghị của Thủ tướng, Samsung đã cử những chuyên gia của Trung tâm Phát triển sáng tạo thuộc Tập đoàn Samsung Điện tử Hàn Quốc trực tiếp sang Việt Nam và tiến hành đánh giá, tư vấn tổng thể về việc vận hành NIC.

Còn Trung tâm ươm tạo thiết kế chip là bước đi hiện thực hóa thỏa thuận giữa Synopsys và NIC ký kết vào tháng 9 vừa qua nhằm phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế chip tại Việt Nam.

Công bố nghiên cứu thành công chip 5G

Cùng với lễ khánh thành NIC Hòa Lạc, Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) diễn ra từ ngày 28/10 – 1/11/2023. VIIE 2023 năm nay xoay quanh 8 lĩnh vực trọng tâm gồm: Nhà máy thông minh, thành phố thông minh, công nghệ hydrogen, truyền thông số, công nghệ bán dẫn, công nghệ y tế, công nghệ môi trường và an ninh mạng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Viettel hiện đang tham gia cả 8 lĩnh vực này và là doanh nghiệp tiên phong trong các lĩnh vực thành phố thông minh, công nghệ bán dẫn, an ninh mạng. Tại đây, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố nghiên cứu thành công chip 5G và Trợ lý ảo AI cùng thông điệp “Technology with heart – Công nghệ từ trái tim”.

vt_chip.jpg
Dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế.

Dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế. Là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, dòng Chip này đóng vai trò xử lý các thuật toán 5G DFE, điều khiển toàn bộ các hoạt động của 5G RRU (Khối thu/chuyển tín hiệu) và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Chip 5G DFE có mức độ phức tạp tương đương chip Apple A7, có năng lực tính toán 1.000 tỉ phép tính/giây và được các đối tác uy tín như Synopsys đánh giá cao.

Việc làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong bối cảnh thị trường thế giới chưa cung cấp dòng sản phẩm Chip 5G thương mại. Đây là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại Chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT... trong tương lai.

vt_Ai viettel.jpg
Viettel AI Video KYC giúp doanh nghiệp tiết kiệm gần 60 tỉ đồng/năm.

Tại gian hàng, khách tham dự có thể trải nghiệm, tìm hiểu về hệ thống mạng 5G toàn trình được Viettel xây dựng đồng bộ, tự chủ hoàn toàn về công nghệ, đảm bảo an ninh an toàn thông tin cho Việt Nam. Những thiết bị 5G do Viettel sản xuất ứng dụng các công nghệ mới nhất, đạt các tiêu chuẩn của thế giới. Các thiết bị này được sử dụng tại 11 thị trường Viettel đầu tư với gần 200 triệu thuê bao, sẵn sàng để thương mại hóa 5G tại Việt Nam./.