Lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ đã kìm hãm tiêu dùng hậu đại dịch Covid-19. Nó buộc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất với tốc độ chưa từng có.
Chiến dịch của các ngân hàng trung ương đang phát huy tác dụng nhưng kinh tế thế giới có thể phải trả giá. Một cuộc suy thoái trong năm 2023 là điều mà nhiều nhà kinh tế, tổ chức dự báo. Nhưng vẫn còn những động lực có thể giúp nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi một cuộc suy thoái.
VietTimes trân trọng giới thiệu bài chuyển ngữ nêu quan điểm của ông Gregory Daco – kinh tế trưởng của Ernst & Young (EY) – trên tờ Barron's về nội dung này.
Nền kinh tế toàn cầu ngày càng khó giải mã hơn khi chúng ta bước vào năm 2023 với quan điểm được đồng thuận rộng rãi về một cuộc suy thoái nhẹ trong những tháng tới. Lý do rất đơn giản. Dù cuộc suy thoái nhẹ thể hiện một dự báo tốt nhưng đó không phải là điều có khả năng xảy ra nhất.
Ông Gregory Daco – kinh tế trưởng của Ernst & Young (EY) |
Thử hình dung kịch bản cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và lệnh trừng phạt với Nga, mặt bằng lãi suất cao trong nhiều năm, giá cổ phiếu toàn cầu giảm, biến động thị trường tài chính gia tăng, nó sẽ đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái năm 2023. Trong kịch bản này, các điều kiện thương mại, đầu tư và thị trường tài chính xấu đi sẽ khuếch đại cú sốc sẽ khiến suy thoái toàn cầu sẽ lớn hơn tổng các cuộc suy thoái ở từng quốc gia riêng lẻ.
Trong kịch bản hạ cánh mềm – khi hoạt động kinh tế hạ nhiệt vừa đủ để cho phép lạm phát quay trở lại mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương – nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nửa đầu năm 2023 và kéo dài đến năm 2024.
Người ta đã tốn nhiều giấy mực về những rủi ro tiêu cực đối với triển vọng nền kinh tế, vì vậy, điều quan trọng là phải làm nổi bật 3 yếu tố chính có thể dẫn đến một viễn cảnh lạc quan hơn. Làm như vậy không phải là nhìn nhận mọi thứ qua lăng kính màu hồng, mà là quan sát những diễn biến toàn cầu gần đây với sự hiếu kỳ về những điều có thể xảy ra.
Điều gì sẽ giúp kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái?
3 yếu tố cần theo dõi chặt chẽ là khả năng phục hồi tương đối trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng ở Mỹ, mùa đông ôn hòa ở châu Âu, và việc Trung Quốc từ bỏ chính sách zero Covid.
Ở Mỹ, nhu cầu tiêu dùng đang giảm rõ rệt. Chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang buộc các giám đốc điều hành doanh nghiệp phải đánh giá lại các quyết định đầu tư và nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao của họ trong năm 2023.
Tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp và thay vào đó, các công ty đang xem xét giảm tuyển dụng cùng với việc nén tăng trưởng tiền lương để hạn chế chi phí lao động.
Báo cáo việc làm tháng 12/2022 của Mỹ phản ánh nhu cầu lao động giảm nhẹ, số giờ làm việc đã giảm trở lại mức trước đại dịch và việc làm tạm thời bị thu hẹp trong 5 tháng liên tiếp. Với việc nền kinh tế tạo thêm 4,5 triệu việc làm vào năm 2022 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm qua là 3,5%, thị trường lao động vẫn khá mạnh mẽ.
Hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng cũng có dấu hiệu phục hồi. Điều đó đúng ngay cả khi các hộ gia đình - đặc biệt là các gia đình có thu nhập từ thấp đến trung bình - đang thận trọng hơn trong việc mua sắm của mình và tăng cường sử dụng tiền tiết kiệm và tín dụng trong bối cảnh lạm phát liên tục tăng cao. Chi tiêu thực tế của người tiêu dùng Mỹ vẫn tăng với tốc độ ổn định 2% vào cuối năm 2022 so với năm trước.
Thống kê về thu nhập trung bình theo giờ của người lao động trong khu vực tư nhân trong tháng 12/2022 chắc chắn sẽ là một kết quả tích cực đối với các nhà hoạch định chính sách của Fed – những người đang tìm kiếm bằng chứng cho thấy cuộc chiến chống lạm phát của họ đã thành công.
Sự kết hợp giữa động lực tăng lương hàng tháng yếu hơn cùng với tốc độ tăng trưởng tiền lương sau đại dịch thấp nhất ở mức 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái sẽ trấn an Fed rằng, tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ đang tiếp tục chậm lại - với khả năng tăng lãi suất một phần tư điểm vào đầu tháng 2/2023 – được bảo toàn.
Bằng chứng về việc giảm bớt áp lực lạm phát trong những tháng tới có thể sẽ tiếp tục thách thức quan điểm diều hâu của Fed.
Nó thậm chí có thể mở ra cơ hội cho việc điều chỉnh lại chính sách tiền tệ, bao gồm việc cắt giảm lãi suất trước cuối năm - một chất kích thích tăng trưởng khác. Điều này có thể xảy ra bất chấp biên bản của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) gần đây tuyên bố rằng “không có bên tham gia nào dự đoán rằng việc bắt đầu giảm mục tiêu lãi suất quỹ liên bang vào năm 2023 là phù hợp".
Trong khi đó, châu Âu bất ngờ chứng kiến một mùa đông ấm áp nhất trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ.
Mặc dù kiểu thời tiết này chắc chắn sẽ làm gia tăng mối lo ngại về khí hậu, nhưng nhiệt độ ấm hơn đang làm giảm bớt lo lắng về một cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra khi lượng khí dự trữ trên khắp châu Âu vẫn ở mức cao.
Giá khí đốt tự nhiên, dầu và điện thấp hơn đang giảm bớt căng thẳng về chi phí sinh hoạt cho các gia đình trên khắp châu Âu và sẽ hỗ trợ hoạt động sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng.
Các chỉ số quản lý mua hàng trên toàn khu vực đồng EUR cũng chỉ ra sự phục hồi dự kiến trong hoạt động của ngành dịch vụ.
Với việc người tiêu dùng và các giám đốc điều hành doanh nghiệp trở nên ít bi quan hơn về triển vọng và các nền kinh tế khu vực kết thúc năm với tình hình khả quan hơn dự kiến, hoạt động có thể sẽ bớt trầm lắng hơn vào năm 2023.
Với việc các nhà chức trách ở Trung Quốc rõ ràng đã quyết định rằng lợi ích kinh tế của việc nhanh chóng từ bỏ chính sách zero Covid lớn hơn chi phí của một cuộc khủng hoảng sức khỏe, quốc gia này đã trải qua sự gia tăng chưa từng thấy về số ca nhiễm và tử vong do Covid.
Điều này sẽ tác động lớn tới hoạt động kinh tế ở Trung Quốc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc chính phủ ngày càng quyết tâm ủng hộ các chính sách hỗ trợ tăng trưởng cùng với khả năng miễn dịch của người dân tăng lên có thể sẽ hỗ trợ sự phục hồi về việc làm, chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động sản xuất vào mùa xuân và mùa hè.
Nhìn chung, các yếu tố bất định vẫn chiếm ưu thế trong nửa đầu năm nhưng khi những sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế tan biến, các động lực thúc đẩy thị trường sẽ chiếm ưu thế.
Và, nếu kịch bản lạc quan hơn thành hiện thực, thì việc nhận ra rằng môi trường lãi suất cao hơn có thể sẽ tồn tại cùng với việc định giá lại thị trường và thị trường ngoại hối ổn định sẽ có lợi cho các giao dịch lớn hơn được thực hiện./.
Theo Barron's