Ngày 12/8/2021, Công ty TNHH Điện Gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 (Duyên Hải 1) đã phát hành thành công 13 lô trái phiếu, hút về 710 tỉ đồng.
Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 12-156 tháng, lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10,75%/năm, được phân phối hết cho một tổ chức tín dụng trong nước.
Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã CK: SHS) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu được Công ty TNHH Tư vấn & Thẩm định giá Vaska (Vaska) định giá ở mức 1.240,9 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Duyên Hải 1 là doanh nghiệp dự án nhà máy điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1, có công suất 30MW, tổng vốn đầu tư 1.260 tỉ đồng, toạ lạc tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Bình Thuận.
Dự án này từng bị UBND tỉnh Ninh Thuận đánh tiếng thu hồi do chậm tiến độ. Tuy nhiên, kể từ sau một loạt động thái ‘thay máu’ cơ cấu cổ đông ở Duyên Hải 1, việc triển khai dự án đã có nhiều chuyển biến, phần nào được thể hiện qua thương vụ trái phiếu nêu trên.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Duyên Hải 1 được thành lập vào tháng 8/2020 với quy mô vốn điều lệ 20 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty TNHH Hưng Tín (95% VĐL), ông Lê Trung Tín (4% VĐL) và ông Nguyễn Thái Hà (1% VĐL).
Đến tháng 2/2021, Công ty TNHH Hưng Tín và ông Nguyễn Thái Hà đã chuyển nhượng 96% cổ phần Duyên Hải 1 cho ông Trịnh Văn Quang và bà Nguyễn Thị Kiều Trang. Khoảng 7 tháng sau đó, ông Lê Trung Tín cũng chuyển nhượng 4% cổ phần cho ông Trần Đức Việt, hoàn tất quá trình ‘thay máu’ cổ đông của Duyên Hải 1.
Cập nhật tới ngày 7/9/2021, Duyên Hải 1 đã tăng vốn điều lệ lên 260 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Trần Đức Việt (45% VĐL), ông Trịnh Văn Quang (45% VĐL) và bà Nguyễn Thị Kiều Trang (10% VĐL).
Ông Trần Đức Việt (SN 1976) còn là cổ đông nắm tỉ lệ sở hữu chi phối tại CTCP Đô thị sinh thái Việt Nam. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2013, từng tiến hành nghiên cứu, khảo sát và lập hồ sơ đầu tư dự án Resort and Spa Phú Quý (2,7ha) tại tỉnh Bình Thuận.
Ít tuần sau thương vụ trái phiếu của Duyên Hải 1, ngày 30/8, SHS và SHB cũng thu xếp cho Công ty TNHH Điện gió Hoà Đông 2 (Hoà Đông 2) phát hành 11 lô trái phiếu, kỳ hạn 12-132 tháng, hút về 1.165 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu này cũng do Vaska định giá, ở mức 3.183,2 tỉ đồng. Trái chủ là một công ty chứng khoán trong nước.
Hoà Đông 2 là chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió cùng tên, công suất 72MW tại phường Khánh Hoà, xã Hoà Đông và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Theo dữ liệu của VietTimes, công ty này được thành lập vào tháng 8/2020, với quy mô vốn điều lệ 390 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn (55% VĐL) và CTCP Đầu tư bất động sản STC Golden Land (45% VĐL).
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hoà Đông 2 là ông Nguyễn Nam Chung. Vị doanh nhân sinh năm 1972 đóng vai trò quan trọng trong ‘hệ sinh thái’ Hoàng Sơn Group của ‘đại gia’ Nguyễn Cao Sơn.
Tuy nhiên, chưa đầy 1 tháng sau khi thành lập, cơ cấu cổ đông của Hoà Đông 2 được thay mới, với sự góp mặt của CTCP Phong Điện Sóc Trăng (99,999% VĐL) và bà Đào Bích Liên (0,001% VĐL).
CTCP Phong Điện Sóc Trăng được nhóm Hoàng Sơn Group thành lập vào tháng 9/2020, song các cổ đông sáng lập cũng thoái vốn khỏi doanh nghiệp này chỉ một tháng sau đó. Đến tháng 3/2021, ông Cao Văn Hùng (SN 1982) đã thay thế ông Nguyễn Nam Chung đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này./.