Hết 11 tháng của năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 159,94 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 156,96 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch lớn nhất, với hơn 25,33 tỷ USD, xếp thứ hai là kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng... với 25,24 tỷ USD
Đáng chú ý, trong nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 8,27 tỷ USD, tăng 1,5%, Hàn Quốc đứng thứ 2 với 5,12 tỷ USD, tăng 9,5%...so với năm trước.
Với nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp lớn nhất cho Việt Nam. Cụ thể, hết 11 tháng của năm 2016, Việt Nam đã nhập từ Trung Quốc tới 5,51/9,56 tỷ USD tổng kim ngạch. Số nhập từ Trung Quốc tuy có giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chưa đủ đưa nước này khỏi vị trí đầu tiên trong danh sách nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam.
Nhóm ngành nguyên phụ liệu dệt may… tiếp tục ghi nhận sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhà cung cấp Trung Quốc. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 11 tháng qua (16,17 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước), nhập từ Trung Quốc chiếm hơn 7,3 tỷ USD, tăng 4,5%. Hiện Trung Quốc chiếm tới 42,5% cơ cấu nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam.
Tình hình tương tự cũng diễn ra trong nhóm hàng sắt thép nhập khẩu. Trung Quốc đã cung cấp tới 9,9 triệu tấn thép cho Việt Nam trong 11 tháng của năm 2016, kim ngạch tương đương 4,25 tỷ USD, chiếm quá nửa tổng lượng thép Việt Nam đã nhập khẩu (16,9 triệu tấn sắt thép, với giá trị nhập khẩu là 7,25 tỷ USD)
Tính tổng cộng, trong 11 tháng của năm 2016, Việt Nam đã chi tới 31,08 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Đây cũng chỉ là số liệu được cơ quan Hải quan thống kê từ 6 nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu, và chưa bao gồm số nhập từ các loại hàng hóa khác, cũng như số liệu hàng hóa buôn lậu (ước tính).