Donald Trump “chiến tranh kinh tế” và kịch bản phản công của Trung Quốc

Nếu những tuyên bố của tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhắm vào Trung Quốc thành hiện thực thì một cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung sẽ là điều không thể tránh khỏi. Ngay từ giờ, phác thảo về một chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền ông Trump đã gây lo ngại cho chính giới doanh nghiệp Mỹ.
Ông Donald Trump không đùa về chính sách đối với Trung Quốc
Ông Donald Trump không đùa về chính sách đối với Trung Quốc

Những lời đe dọa đánh thuế nặng vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để giữ công ăn việc làm cho người Mỹ của tổng thống mới đắc cử Donald Trump có thể sẽ gây hậu quả cho chính kinh tế Mỹ, vốn đang phải vất vả cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay. Đó không chỉ là nhận định của các nhà quan sát mà còn là mối lo ngại ngày càng tăng trong giới doanh nghiệp Mỹ.

Từ trong cuộc vận động tranh cử, Donald Trump đã nhiều lần tuyên chiến với Trung Quốc khi thì bằng những lời đe dọa đánh thuế đến 45% vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, lúc thì lên án Bắc Kinh thao túng đồng nhân dân tệ để có lợi trong xuất khẩu… Sau khi đắc cử, ông Trump liên tiếp tung ra các tuyên bố thách thức quan hệ Trung - Mỹ, từ thương mại cho đến ngoại giao.

Giới quan sát lo ngại rằng nếu những tuyên bố của tổng thống Donald Trump nhắm vào Trung Quốc thành hiện thực thì một cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung sẽ là điều không thể tránh khỏi, chưa nói đến các quan hệ địa chính trị khác. Ngay từ giờ, phác thảo về một chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Trump đã gây lo ngại cho chính giới doanh nghiệp Mỹ.

Ông David Shogren, chủ công ty International Food, đang rất lo ngại về một viễn cảnh Trung Quốc phản công chính sách bảo hộ của ông Trump. Từ 5 năm nay, công ty của ông Shogren là nhà cung cấp các sản phẩn nông sản cho các siêu thị ở Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc chiếm một nửa doanh thu của International Food, trong khi doanh số trên thị trường nội địa Mỹ chỉ có 5%.

Công việc làm ăn với Trung Quốc đang phát đạt, nhưng nếu xảy ra chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, International Food sẽ mất tất cả. Ông Shogren giải thích khi đó «các khách hàng của chúng tôi có thể sẽ quay sang các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi là các công ty của châu Âu, Úc, New Zeland hay Nhật Bản».

Ông Trump đang thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông cho đến chính giới Trung Quốc
Ông Trump đang thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông cho đến chính giới Trung Quốc

Ông chủ International Food cũng cho biết đang phải tính chuyện phòng xa, thăm dò một số thị trường mới như Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Singapore hay Philippines. Tuy nhiên theo ông Shogren, phải mất nhiều năm mới có thể tìm được đối tác mới thay thế các khách hàng quen thuộc Trung Quốc.

Còn các công ty lớn, các đại tập đoàn, biểu tượng cho sự thành công kinh tế Mỹ, có bị ảnh hưởng bởi «kịch bản phản công» của Bắc Kinh? Ngay sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng Hoàn Cầu Thời báo đã cảnh báo, nếu những đe dọa về quan hệ làm ăn với Trung Quốc của tổng thống Trump thành hiện thực thì «một loạt các đơn đặt hàng với Boeing sẽ được thay bằng Airbus, các mặt hàng iPhones, xe hơi Mỹ tại Trung Quốc sẽ lĩnh ngay hậu quả, việc nhập khẩu đậu tương và ngô Mỹ sẽ bị ngừng»

Chẳng hạn trường hợp của tập đoàn chế tạo máy bay Boeing, nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ với 70% thu nhập từ nước ngoài. Theo Boeing, trong tổng số 495 chiếc Boeing 737 được giao trong năm 2015, có tới 1/3 được chuyển tới khách hàng Trung Quốc. Trong khi đó, số lượng lao động tại Mỹ chiếm tới 90% trên của tổng số 150.000 nhân công của Boeing trên toàn cầu.

Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, General Motor (GM) sẽ có thể bị mất rất nhiều vì cuộc chiến thuế quan Trung – Mỹ. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, General Motor xuất sang Trung Quốc 2,38 triệu xe, trong khi đó tại thị trường nội địa con số này chỉ có 1,96 triệu xe. GM cũng là tập đoàn bắt đầu cho chế tạo xe tại Trung Quốc để đưa trở lại thị trường Mỹ nhằm hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với làn sóng xe Nhật, Hàn Quốc đang tràn vào Mỹ.

Càng gần đến ngày chính thức bước vào Nhà Trắng, Donald Trump càng chứng tỏ ông không nói đùa trong việc thực hiện một chính sách bảo hộ kinh tế với mục tiêu đầu tiên là nhằm vào cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, thị trường rộng lớn Trung Quốc đang là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn của Mỹ.

Theo giới quan sát, Trung Quốc sẽ không mấy khó khăn để tìm ra biện pháp trả đũa. Khi đó các công ty Mỹ sẽ là đối tượng hứng chịu hậu quả trực tiếp, đe dọa việc làm của người Mỹ. Ý tưởng bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ của ông Trump rất có thể sẽ là trái bóng đá phản lưới nhà.