Năm 2023 là năm khó khăn chung của nền kinh tế và nhiều địa phương. Mặc dù đã nỗ lực, nhưng kinh tế TP Đà Nẵng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Theo báo cáo của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, kinh tế Đà Nẵng vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, tuy nhiên xu hướng tăng trưởng kinh tế thiếu ổn định qua các quý. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 2,58% so với năm 2022. Mức tăng chung cả năm thấp hơn mức tăng bình quân 5,51%/năm của giai đoạn 2021-2023.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương, thứ 4/5 tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thấp nhất trong khối 5 TP trực thuộc trung ương. Để tìm hiểu nguyên nhân việc tăng trưởng kinh tế thấp của Đà Nẵng cũng như hướng đi trong thời gian tới, VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng.
Quy mô nền kinh tế nhỏ, sức chống chịu còn yếu
- Những khó khăn của kinh tế Đà Nẵng trong năm 2023 đã được chia sẻ ở nhiều diễn đàn, trong đó nổi lên là vấn đề cơ cấu kinh tế kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng thấp trong năm qua. Bà có thể chia sẻ về điều này được chứ ạ?
Bà Trần Thị Thanh Tâm: Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng nhỏ, trong đó, dịch vụ chiếm gần 70%, công nghiệp chỉ có 18% và sức chống chịu của nền kinh tế khi có các tác động bên ngoài còn yếu.
Trong các năm 2020, 2021, Đà Nẵng đã bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID. Năm 2022 bắt đầu phục hồi và đến năm 2023, sản xuất, kinh doanh của TP tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng lớn của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Nhiều đơn hàng sản xuất bị cắt giảm, dẫn tới tình trạng thu hẹp quy mô trong hoạt động công nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến chế tạo.
Hoạt động xuất, nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm nhu cầu ở các thị trường quốc tế, nhất là những đối tác lớn, áp lực cạnh tranh từ các nước khu vực, châu Á tăng. Thu nhập giảm đã làm cho đầu tư, tiêu dùng, sức mua giảm mạnh; dịch vụ du lịch trong nước phục hồi khá tốt, nhưng lượng khách nước ngoài đến Đà Nẵng mới bằng 70% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang triển khai thực hiện quy hoạch phân khu, nên một số dự án phải chờ quy hoạch phân khu được phê duyệt mới thực hiện các thủ tục tiếp theo. Nhiều dự án vướng mắc đất đai theo các kết luận thanh tra, bản án đang chờ tháo gỡ. Trong khi quá trình triển khai chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư các khu, cụm công nghiệp, nhà ở xã hội còn chậm do vướng thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra.
Việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 119/2020/QH14 còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai. Vì thế, TP đang đề xuất, kiến nghị với Trung ương xem xét tháo gỡ, cũng như ban hành các chính sách đặc thù để tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển.
11 giải pháp trọng tâm trong năm 2024
- Năm 2023 đã qua, giờ đây, điều quan trọng là chúng ta cùng hướng về phía trước. Bà có thể vui lòng cho biết những giải pháp chính của Đà Nẵng trong năm 2024 nhằm đưa kinh tế Đà Nẵng trở lại tốc độ tăng trưởng đã có?
Bà Trần Thị Thanh Tâm: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện phải quyết tâm giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực tự cường, chủ động thích ứng linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới sáng tạo, nhằm triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành; đồng thời, thực hiện thành công chủ đề năm 2024 là “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Với định hướng đó, UBND TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan thực hiện 11 giải pháp trọng tâm:
Trước tiên, về triển khai thực hiện chủ đề năm 2024, UBND TP Đà Nẵng đã giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xác định một số chỉ tiêu năm 2024 theo ngành, lĩnh vực phụ trách, tham mưu đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu chủ đề năm 2024, đồng thời, lồng ghép vào quyết định về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước TP Đà Nẵng năm 2024 để triển khai ngay từ đầu năm 2024.
UBND TP Đà Nẵng cũng giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp và báo cáo về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; giao Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Ban Quản lý khu CNC và các KCN Đà nẵng và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện; Sở KH&ĐT chủ trì tổng hợp và báo cáo các nội dung về khơi thông các nguồn lực đầu tư (đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, xúc tiến đầu tư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…) và báo cáo các nội dung về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, UBND TP giao Sở LĐ-TB&XH, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan thực hiện.
UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành phê duyệt 9/9 phân khu đô thị, 7/10 phân khu xây dựng khu chức năng; thẩm định các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Giải pháp tiếp theo là tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030, Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, nhất là quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn về chỗ ở; trong đó phấn đấu hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư đối với 3 dự án nhà ở xã hội trong quý II/2023.
Một giải pháp quan trọng được UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo là tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất Trung ương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Giải pháp thứ tư là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng; tăng cường tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp theo lĩnh vực hoặc nhóm doanh nghiệp để thường xuyên lắng nghe và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách kịp thời.
Giải pháp thứ năm của Đà Nẵng là đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông động lực, trọng điểm trên địa bàn TP, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư đối với 3 dự án nhà ở xã hội trong quý II/2024; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các đơn vị liên quan triển khai các dự án giao thông quốc gia, hạ tầng logistics; triển khai đầu tư nâng cấp, cải tạo mạng lưới giao thông nội thị, các bãi đỗ xe, dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh và một số dự án khác.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần tập trung rà soát toàn bộ các điểm ngập úng, đề xuất giải pháp thoát nước phù hợp, từng bước tiến đến giải quyết dứt điểm vấn đề ngập úng đô thị trên địa bàn TP.
Giải pháp thứ sáu là tích cực bám sát các bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ, hướng dẫn trong lựa chọn nhà đầu tư và triển khai xây dựng hạ tầng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2; hoàn tất thủ tục chủ trương đầu tư KCN Hòa Ninh, tháo gỡ vướng mắc dự án mở rộng KCN Hòa Cầm giai đoạn 1; hoàn thành giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư Cụm công nghiệp Hòa Nhơn; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh các thủ tục kêu gọi đầu tư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, đưa Cụm công nghiệp Cẩm Lệ vào hoạt động. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; có phương án chuyển đổi hình thành cụm công nghiệp Hòa Liên (gần khu công nghệ cao) theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giải pháp thứ bảy là tiếp tục triển khai Đề án TP thông minh và Đề án Chuyển đổi số. Hoàn thành nâng cấp, đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng, Công viên phần mềm số 2; triển khai dự án xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh (ENSURE); đồng thời, thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, thiết kế chip vi mạch và AI Đà Nẵng; xây dựng Đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn.
Giải pháp thứ tám là tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND TP sửa đổi, bổ sung các nội dung về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nhằm thực hiện Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người có tài năng để phát triển khu vực công đến năm 2030. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai đào tạo, xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.
Thứ chín là thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, đa chiều, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố; triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em, tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em nhằm hạn chế tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình “Có việc làm của TP giai đoạn 2022-2025”; hoàn chỉnh việc xây dựng phần mềm kết nối cung - cầu lao động để đưa vào sử dụng. Tập trung các nguồn lực triển khai công tác chăm lo Tết nguyên đán Giáp Thìn cho nhân dân và chú trọng các hoạt động vui xuân, đón Tết, đảm bảo an toàn, hiệu quả tạo khởi đầu cho một năm mới của TP.
Giải pháp thứ 10 mà UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo là tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Giải pháp cuối cùng là tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Xin cảm ơn bà!