Nhu cầu về iPhone đang tiếp tục giảm trên toàn cầu. Kho phần mềm App Store vốn là "gà đẻ trứng vàng" cho Apple hiện đang dính vào một vụ kiện do Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình. Mô hình kinh doanh của "Táo khuyết" đang bị các cơ quan quản lý châu Âu chỉ trích. Nhà Táo gần đây cũng đã khai tử dự án ô tô điện từng được coi là một trong những “điều lớn lao tiếp theo” của hãng.
Sau khi đạt mức vốn hóa thị trường 3.000 tỉ USD vào năm 2023, giá trị của Apple đã giảm hàng trăm tỉ USD vào đầu năm 2024. Microsoft đã thay thế Apple trở thành công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới.
Dưới đây là những rào cản mà Apple đang phải vượt qua trong năm 2024:
1. Doanh số iPhone sụt giảm
Các lô hàng iPhone xuất khẩu của Apple đã giảm 10% trong quý 1/2024 (kết thúc vào tháng 3), một phần do doanh số bán hàng chậm chạp ở Trung Quốc. Theo công ty phân tích thị trường IDC, đây là mức giảm mạnh nhất của iPhone so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tin đáng lo ngại khi iPhone chiếm gần một nửa doanh thu của Apple. Trong bối cảnh đó, báo cáo quý tiếp theo của Apple được coi là một liều thuốc khó khăn đối với các nhà đầu tư. Công ty đã cảnh báo rằng các con số sẽ không tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà phân tích ước tính rằng tổng doanh thu iPhone đã giảm 5% trong kỳ. Điều đó có nghĩa là doanh số bán hàng của Apple giảm 5 trong 6 quý vừa qua.
2. Vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ
Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) và 16 luật sư đã đệ đơn kiện vào tháng 3 cáo buộc rằng Apple đã áp đặt các hạn chế về phần mềm và phần cứng khiến các đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng khó chuyển đổi điện thoại hơn.
Đơn khiếu nại nêu bật 5 ví dụ về công nghệ mà DOJ cho là đã ngăn chặn sự cạnh tranh bình đẳng: siêu ứng dụng, ứng dụng trò chơi phát trực tuyến trên nền tảng đám mây, ứng dụng nhắn tin, đồng hồ thông minh và ví kỹ thuật số.
Đáng chú ý, Apple đang giải quyết một số vấn đề này. Công ty gần đây đã bổ sung hỗ trợ cho các dịch vụ chơi game dựa trên đám mây và cho biết họ sẽ áp dụng tiêu chuẩn nhắn tin đa nền tảng RCS vào cuối năm nay. Apple lập luận rằng vụ kiện là “sai về sự thật và luật pháp” và thề sẽ chống lại. Nhưng cuộc chiến pháp lý dự kiến sẽ kéo dài nhiều năm.
3. Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của châu Âu
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của khu vực có hiệu lực vào đầu tháng 3, đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với sản phẩm và dịch vụ của Apple khi hoạt động tại thị trường này.
Apple đã buộc phải chiều theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) khi cho phép khách hàng có thể tải xuống phần mềm từ bên ngoài App Store. Người dùng cũng có thể khai thác các hệ thống thanh toán thay thế Apple Pay và dễ dàng chọn trình duyệt web mặc định khác Safari.
Apple từ lâu đã phản đối những thay đổi như vậy, cho rằng chúng sẽ làm suy yếu trải nghiệm người dùng và tính bảo mật của phần mềm của họ. Phil Schiller, một giám đốc điều hành kỳ cựu của Apple hiện đang điều hành App Store, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Giêng: “Apple đang phải tạo ra công nghệ cho phép một ứng dụng cài đặt các ứng dụng khác và điều đó tiềm ẩn rủi ro".
Công ty đã đồng ý thu một khoản hoa hồng nhỏ hơn cho các giao dịch mua hàng trên Apple Store, nhưng vẫn bổ sung một số khoản phí bổ sung khiến các nhà phát triển phẫn nộ. Nguy hiểm lớn hơn đối với Apple là sự tan vỡ của mô hình kinh doanh tạo ra hàng chục tỉ USD mỗi năm.
Ngoài ra, vào ngày 4/3, EU đã phạt Apple 1,8 tỉ euro (2 tỉ USD) vì cuộc điều tra cáo buộc hãng này cản trở các đối thủ phát nhạc trực tuyến, bao gồm cả Spotify Technology SA .
4. Bắt kịp cuộc đua AI tạo sinh
Kể từ khi ChatGPT của OpenAI bùng nổ trong nhận thức của công chúng vào năm 2022, các công ty công nghệ đã chạy đua để bổ sung nhiều tính năng AI tạo sinh hơn.
Rõ ràng là Apple đã chậm chân trong cuộc đua này, làm dấy lên lo ngại rằng "Táo khuyết" đang tụt lại phía sau trong một lĩnh vực mới quan trọng. Công ty đã đảm bảo với các nhà đầu tư rằng AI từ lâu đã được tích hợp vào phần mềm và dịch vụ của mình, nhưng rõ ràng là Apple cần phải tạo được tiếng vang lớn hơn.
Để giúp đẩy nhanh tiến độ, Apple có thể tranh thủ một số trợ giúp. Theo một số nguồn tin, Apple đang đàm phán để tích hợp công cụ AI Gemini của Google vào iPhone. Apple cũng đã thảo luận với các công ty AI khác, cho thấy rằng Táo khuyết có thể đang có nhiều lựa chọn.
Apple đang chuẩn bị tích hợp AI vào iOS 18 – phiên bản tiếp theo của hệ điều hành iPhone. Những cải tiến đó sẽ tập trung vào các tính năng hoạt động trên thiết bị của hãng, thay vì các tính năng được cung cấp qua đám mây. Vì vậy, Apple đang tìm kiếm một đối tác để thực hiện công việc nặng nhọc về AI, bao gồm các chức năng tạo hình ảnh và viết bài luận.
5. Sự suy thoái của thị trường Trung Quốc
Apple đã phải vật lộn với tình trạng suy thoái ở Trung Quốc trong nhiều tháng và vấn đề này dường như vẫn chưa dừng lại. Theo số liệu từ Counterpoint Research , doanh số bán iPhone tại Đại lục đã giảm 24% trong 6 tuần đầu năm 2024. Và những con số điện thoại thông minh mới nhất của IDC cho thấy sự sụt giảm vẫn tiếp diễn.
Apple cũng đang mất dần vị thế vào tay các đối thủ địa phương. Theo dữ liệu của Counterpoint, hãng điện thoại Vivo, có trụ sở tại thành phố công nghiệp Đông Quan của Trung Quốc, đã nổi lên trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho đất nước này.
Trong nỗ lực thúc đẩy nhu cầu, Apple đã tung ra các đợt giảm giá hiếm hoi trên cửa hàng trực tuyến của mình trong năm nay, và các đại lý địa phương đã giảm giá iPhone tới 180 USD .
Đáng lo ngại hơn là những hạn chế về việc sử dụng công nghệ nước ngoài tại các văn phòng chính phủ Trung Quốc đang ngày càng lan rộng. Khi căng thẳng địa chính trị với Mỹ ngày càng gia tăng, sự phụ thuộc của Apple vào quốc gia này - vừa là thị trường vừa là trung tâm sản xuất - trở nên rủi ro hơn.
6. Hủy bỏ dự án xe điện
Sau khi Bloomberg đưa tin vào tháng 2 rằng Apple quyết định chấm dứt dự án xe điện của mình, các nhà đầu tư đã tỏ ra vui mừng trước thông tin này. Suy cho cùng, Apple sẽ không còn phải chi hàng tỉ USD cho nỗ lực nghiên cứu xe điện nữa.
Nghiên cứu chế tạo một chiếc xe điện thông minh tốn kém đến mức Apple có thể phải trả 100.000 USD cho một sản phẩm như vậy. Việc từ bỏ nghiên cứu xe điện cũng làm dấy lên lo ngại rằng Apple đang chơi an toàn thay vì dũng cảm dấn thân vào các danh mục mới. Công ty gần đây cũng đã từ bỏ nỗ lực nhằm thiết kế và phát triển màn hình đồng hồ thông minh của riêng mình.
Tuy nhiên, Apple có các nhóm đang nghiên cứu nỗ lực phát triển robot cá nhân, một lĩnh vực có tiềm năng trở thành “điều lớn lao tiếp theo”.
7. Cải tiến kính Vision Pro
Apple đã ra mắt một sản phẩm mới vào năm 2024, đó là mẫu kính thực tế hỗn hợp Vision Pro - một thiết bị mà Apple gọi là “điện toán không gian”.
Vision Pro, ra mắt vào ngày 2/2, đã gây ấn tượng mạnh với những người đánh giá và thu hút những người dùng đầu tiên. Nhưng nó vẫn là một sản phẩm đắt đỏ với giá thành 3.500 USD, không phải là một sản phẩm dành cho mọi người. Kính Vision Pro quá nặng để đeo trong thời gian dài và nhiều nhà phát triển phần mềm đã trì hoãn việc tạo các ứng dụng dành riêng cho nó.
Tầm nhìn ban đầu của Giám đốc điều hành Tim Cook là bán một chiếc kính thực tế hỗn hợp trọng lượng nhẹ mà người dùng có thể đeo cả ngày. Công nghệ cho một thiết bị như vậy vẫn chưa sẵn sàng, vì vậy Apple phải tạo ra một chiếc kính cồng kềnh hơn, kết hợp thực tế tăng cường với thực tế ảo.
Thách thức của Apple là phải làm cho Vision Pro nhẹ hơn và rẻ tiền hơn, đưa nó đến gần hơn với người tiêu dùng phổ thông. Nhưng quá trình đó sẽ mất nhiều năm.
8. Doanh thu ảm đạm của máy tính bảng
Hơn một thập kỷ sau khi iPad trở thành "cơn sốt", nhiều người tiêu dùng đã không còn yêu thích máy tính bảng nữa. Theo công ty nghiên cứu IDC, năm 2023 tổng doanh số bán thiết bị này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Tất nhiên, đó không chỉ là vấn đề đối với Apple khi mà "Táo khuyết" chiếm 40% thị phần doanh số máy tính bảng xuất khẩu.
Một số người tiêu dùng đã chuyển sang điện thoại có màn hình lớn hoặc quay lại với máy tính xách tay, nhưng việc Apple không phát hành một mẫu iPad mới nào trong năm vừa qua đã cho thấy sức hút của máy tính bảng đã không còn. Chưa bao giờ có "đợt hạn hán" như vậy kể từ khi Steve Jobs lần đầu trình làng thiết bị này vào năm 2010.
Tin tốt là các mẫu iPad mới của Apple sẽ có bước đột phá . Lần đầu tiên, iPad Air cập nhật sẽ có hai kích cỡ và mẫu Pro sẽ có màn hình OLED.
9. Cuộc chiến pháp lý về đồng hồ thông minh
Trong một động thái hiếm hoi, Apple đã phải ngừng bán các phiên bản Apple Watch có tính năng đo nồng độ oxy trong máu - kết quả của cuộc chiến pháp lý với nhà sản xuất thiết bị y tế Masimo Corp.
Đồng hồ thông minh là sản phẩm chính của dòng thiết bị đeo, đồ gia dụng và phụ kiện của Apple. Nó đã tạo ra hơn 10% doanh thu cho "Táo khuyết" vào năm ngoái, tương đương gần 40 tỉ USD.
Mặc dù Apple đã vô hiệu hóa tính năng này và đưa đồng hồ của mình trở lại thị trường nhưng đó là một trở ngại pháp lý đáng xấu hổ đối với một công ty hiếm khi phải chịu đựng những điều đó. Việc mất khả năng đo oxy trong máu cũng có thể cản trở nỗ lực của Apple trong việc bổ sung các chức năng trong tương lai cho Apple Watch, chẳng hạn như chức năng đo huyết áp và ngưng thở khi ngủ.
10. Cạn kiệt tài năng
Việc thay đổi nhân sự điều hành là chuyện thường xuyên ở Apple và công ty có rất nhiều nhà quản lý. Nhưng gần đây, công ty đã mất đi một số nhà lãnh đạo xuất sắc nhất - đặc biệt là trong đội ngũ thiết kế, chẳng hạn như Bart Andre, nhà thiết kế công nghiệp cao cấp phục vụ lâu nhất của công ty và là một trong những người nắm giữ nhiều bằng sáng chế nhất của Apple.
Các nhà thiết kế hàng đầu Colin Burns, Shota Aoyagi và Peter Russell-Clarke cũng đã rời đi vào khoảng cuối năm ngoái.
Đội ngũ từng được dẫn dắt bởi "phù thủy thiết kế" Jony Ive – một nhóm đã giúp định hình nên nét thẩm mỹ của Apple – gần như đã biến mất hoàn toàn. Người kế nhiệm Ive với tư cách là trưởng bộ phận, Evans Hankey, cũng đã rời đi vào năm ngoái.
Hiện tại, nhóm thiết kế công nghiệp và giao diện người dùng nằm dưới sự lãnh đạo của Jeff Williams, giám đốc điều hành của công ty. Tuy nhiên, việc ông Jeff lên nắm quyền ở bộ phận thiết kế cũng khiến một số nhân viên khó chịu. Việc một người phụ trách vận hành giám sát một bộ phận chuyên thiết kế và đổi mới không phải là một cách hay. Ông Jeff cũng có những biện pháp cắt giảm chi phí làm tăng thêm sự bất mãn.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu