10 startup Việt nhận vốn đầu tư ‘khủng’ năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong năm 2021, nhiều startup Việt huy động được hàng chục đến hàng trăm triệu USD.

Ví MoMo: 300 triệu USD

MoMo vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) trị giá 200 triệu USD, dẫn đầu bởi Mizuho – Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản. Dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng đại diện MoMo xác nhận công ty được định giá hơn 2 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới. Với mức định giá này, MoMo hiện là kỳ lân Fintech thứ hai của Việt Nam, sau VNLife.

Hồi đầu năm, công ty cũng công bố hoàn thành vòng gọi vốn Series D, với sự tham gia của các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu bao gồm Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management. Vòng gọi vốn này cũng có sự tham gia của các quỹ đầu tư như Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital. Số tiền cụ thể không được MoMo tiết lộ tuy nhiên theo thông tin của Bloomberg, con số này lên đến hơn 100 triệu USD.

Như vậy chỉ riêng trong năm 2021, MoMo đã nhận được đầu tư đến 300 triệu USD. (Ảnh: MoMo)

Tiki: 258 triệu USD

Nền tảng thương mại điện tử Việt Nam Tiki đã huy động thành công 258 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E do AIA dẫn đầu. Các nhà đầu tư tham gia vòng này còn có UBS AG London Branch, Taiwan Mobile, Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund và cổ đông hiện hữu STIC GIGF.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập và CEO Tiki chia sẻ với Bloomberg rằng vòng gọi vốn mới đã đưa định giá của công ty lên gần 1 tỷ USD. Startup này cũng đang muốn mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.

Tiki được thành lập năm 2010. Ban đầu đây chỉ là một nền tảng bán sách ngoại ngữ online với nhà kho được đặt tại gara của gia đình và văn phòng ở ngay trong phòng ngủ của ông Sơn. Đến nay, Tiki được biết đến là một trong những sàn thương mại điện tử nội địa lớn nhất Việt Nam, với hoạt động kinh doanh trên toàn quốc và khoảng 4.000 nhân viên. Các nhà đầu tư trước đây bao gồm Sumitomo, JD.com và Northstar Group. (Ảnh: Tiki)

VNLife: 250 triệu USD

Cuối tháng 7, VNLife - công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay - thông báo huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, dẫn đầu là các nhà đầu tư Mỹ gồm General Atlantic và Dragoneer Investment Group. Tham gia rót vốn còn có PayPal Ventures và EDBI, cùng với các nhà đầu tư hiện tại GIC và SoftBank Vision Fund 1. Với vòng gọi vốn này, VNLife cũng củng cố thêm vị thế là kỳ lân công nghệ thứ hai của quốc gia.

Năm 2019, một số nguồn tin cho biết VNLife nhận được khoản đầu tư 300 triệu USD từ GIC và SoftBank Vision Fund 1. Tuy nhiên, công ty này không công bố thông tin chính thức về vòng gọi vốn tại thời điểm đó. VNLife ra đời năm 2007, do ông Trần Trí Mạnh và ông Mai Thanh Bình đồng sáng lập. (Ảnh: VNLife)

Sky Mavis: 159,5 triệu USD

Tháng 10 năm nay, Sky Mavis công bố huy động thành công 152 triệu USD trong vòng Series B do quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ Andreessen Horowitz (a16z) dẫn đầu. Một số nguồn tin tiết lộ, công ty được định giá đến 3 tỷ USD trong vòng này.

Sky Mavis đưa ra khái niệm chơi để kiếm tiền (P2E) - nơi mọi người chơi, sống, làm việc và kiếm tiền trong thế giới ảo. Trò chơi P2E đầu tiên của startup này là Axie Infinity - một nền tảng trò chơi dựa trên NFT, lấy cảm hứng từ Pokemon, nơi người dùng có thể kiếm được token thông qua trò chơi và đóng góp cho hệ sinh thái. Cơ chế trò chơi chủ yếu xoay quanh việc thi đấu, thu thập và nuôi thú cưng kỹ thuật số được gọi là Axies.

Trước đó, vào tháng 5, startup này cũng nhận đầu tư 7,5 triệu USD trong vòng Series A, được dẫn dắt bởi Libertus Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm Anh. Vòng đầu tư còn có sự tham gia của tỷ phú Mỹ Mark Cuban và nhiều nhà đầu tư khác. (Ảnh: Nikkei)

EQuest: 100 triệu USD

Tháng 6, KKR, một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới, công bố đầu tư vào Tập đoàn Giáo dục Việt Nam EQuest. Con số cụ thể không được tiết lộ nhưng theo một số nguồn tin, giá trị thương vụ này lên đến 100 triệu USD. Sau Vinhomes và Masan MEATLife, EQuest là doanh nghiệp Việt Nam thứ 3 mà KKR đầu tư.

EQuest hình thành qua chuỗi sáp nhập giữa EQuest Academy (thành lập năm 2003) và các công ty giáo dục khác trong nước từ năm 2013 đến nay. Hiện có hơn 110.000 học sinh, sinh viên theo học mỗi năm tại 18 đơn vị thành viên của EQuest, bao gồm hệ thống trường phổ thông song ngữ từ lớp 1 tới lớp 12, hệ thống trường đại học và cao đẳng dạy nghề, trung tâm đào tạo tiếng Anh và các giải pháp công nghệ giáo dục. (Ảnh: Equest)

KiotViet: 45 triệu USD

Đầu tháng 9, KiotViet, một nền tảng thương mại dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tại Việt Nam và KKR đã công bố việc ký kết các thỏa thuận. Theo đó, KKR sẽ tham gia với tư cách là nhà đầu tư chính trong Series B trị giá 45 triệu USD của startup này.

Vòng huy động vốn của KiotViet còn có sự tham gia của ngân hàng lớn thứ hai tại Thái Lan - Kasikornbank (KBank) cũng như quỹ đã đầu tư vào nền tảng này từ năm 2019 là Jungle Ventures.

KiotViet ra đời năm 2014, là công ty con thuộc công ty phần mềm Citigo. Công ty này đang cung cấp bộ giải pháp phần mềm, bao gồm các công cụ quản lý điểm bán hàng, quản lý tồn kho và quản lý nhân viên cho hơn 110.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. (Ảnh: KiotViet)

Homebase: 30 triệu USD

Tháng 11, Homebase, startup cung cấp giải pháp đầu tư bất động sản cho người vay dưới chuẩn ngân hàng, công bố nhận đầu tư 30 triệu USD. Vòng gọi vốn lần này có sự hậu thuẫn từ nhiều quỹ đầu tư như Y Combinator; Partech Partners; Goodwater Capital...

Thành lập từ năm 2019, Homebase hướng đến người thu nhập không ổn định hay dưới chuẩn ngân hàng. Startup này sẽ cùng hùn vốn với khách hàng để đầu tư vào mọi loại hình bất động sản gồm đất, tài sản gắn liền với đất hay căn hộ chung cư. Người mua có thể sở hữu ngay bất động sản chỉ với 20% vốn góp và có quyền duy trì số vốn này, hoặc góp thêm để đạt 100% quyền sở hữu. (Ảnh: Homebase)

Katalon: 27 triệu USD

Hồi tháng 6, Katalon, giải pháp kiểm thử phần mềm tự động do KMS Technology sáng lập và điều hành, công bố nhận khoản đầu tư vòng series A trị giá 27 triệu USD từ quỹ Elephant Partners (Mỹ).

Katalon cung cấp nền tảng hỗ trợ kiểm thử phần mềm tự động (Software Automation Testing), giúp các doanh nghiệp đang phát triển ứng dụng có thể tối ưu việc kiểm thử tự động để hoàn thiện và phát hành phần mềm nhanh hơn.

Hiện Katalon là công ty công nghệ toàn cầu với nhân sự đa quốc tịch, được vận hành bởi đội ngũ lãnh đạo, kỹ sư, chuyên viên kinh doanh và marketing, làm việc tại Việt Nam, Mỹ và một số quốc gia khác. (Ảnh: Katalon)

Whydah: 25 triệu USD

Đầu tháng 12, Whydah, công ty khởi nghiệp về blockchain, gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư để phát triển mô hình metaverse mở ở Việt Nam.

Whydah do Phạm Minh Trí, một trong những người Việt tiên phong trong lĩnh vực blockchain, thành lập. Ông cũng là nhà đồng sáng lập Kardiachain - nền tảng blockchain phổ biến tại Việt Nam, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ giải trí đến thương mại điện tử.

Số tiền 25 triệu USD được huy động từ các nhà đầu tư lớn của Mỹ, Hàn Quốc, Anh như Morningstar Ventures, Eternity Ventures, Bitscale, Formless Capital, Youbi, Axia 8 Ventures, Polkastarter, Mask Network... (Ảnh: Whydah)

Telio: 22,5 triệu USD

Telio là nền tảng thương mại điện tử B2B liên kết các đơn vị bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung. Tại vòng gọi vốn Pre-Series B công bố vào tháng 11, VNG (kỳ lân đầu tiên của Việt Nam) đã đầu tư 22,5 triệu USD vào startup này.

Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, ngoài các hỗ trợ giúp Telio tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh, VNG cũng sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng Telio trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa các hoạt động đặt hàng và theo dõi đơn hàng. (Ảnh: Telio)

Theo NDH