Nhật báo La Croix ngày 24/8 đề cập đến căng thẳng tại vùng biển phía đông Trung Quốc, nơi Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết vùng này. Trong khi một hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra từ ngày 23/8 tại Tokyo giữa ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
La Croix nhận định các cuộc xung đột quân sự có nguy cơ xảy ra tại khu vực này trong những năm tới và nhấn mạnh: «Vùng biển đông Trung Quốc là một thùng thuốc súng». Theo tờ báo này, ở phía đông khu vực này là mối căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc với tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Từ hai năm nay, giữa hai nước xảy ra vài trăm sự cố cả trên không lẫn trên biển.
Trong bối cảnh căng thẳng trên, cuộc họp giữa ngoại trưởng ba nước vẫn được tiến hành. Bà Valérie Niquet, phụ trách Khu vực châu Á thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris nhận định với La Croix: «Trung Quốc đang thử phản ứng của Nhật Bản, quốc gia có quân đội hiện đại hơn Trung Quốc».
Đáng nói là trong khi ba ngoại trưởng họp với nhau, các cuộc tập trận vẫn diễn ra. Một bên là cuộc tập trận Mỹ-Hàn đã được triển khai ngoài khơi Hàn Quốc nhằm chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công quân sự từ Triều Tiên. Hơn 50.000 quân nhân đã được huy động tham gia chiến dịch, được tổ chức 3 lần/năm, và tiến hành tại vùng biển quốc tế ở Đông Bắc Á.
Còn bên kia là cuộc tập trận Nga-Trung sẽ diễn ra ngoài khơi Vladivostok trong vài ngày tới. Vì cuộc tập trận năm ngoái đã thành công tốt đẹp nên cả hai nước quyết định tiếp tục. Cuối cùng, là các cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật vẫn diễn ra thường xuyên. Vẫn theo chuyên gia Niquet: «Một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra thật sự tại vùng này và ảnh hưởng đến cả miền nam của châu lục».
Nhật báo Pháp nêu rõ, sự bành trướng của Trung Quốc khiến cả châu Á lo ngại và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột trên tuyến đường giao thương huyết mạch của thế giới. Dưới sự thúc đẩy của chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách hung hãn với đòi hỏi chủ quyền một cách phi lý trên hầu hết khu vực chiến lược này mà Bắc Kinh vẫn luôn coi là nằm trong tầm ảnh hưởng và ngang ngược hơn là «lãnh thổ của mình».
Các nước trong vùng đang tìm cách bảo vệ theo khả năng. Indonesia vốn là nước mạnh về hàng hải và có tranh chấp với Trung Quốc, đã quyết định đặt tên vùng biển xung quanh quần đảo Natuna thành Biển Natuna để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Ngoài ra, nhân dịp quốc Khánh 17/8, Jakarta cũng cho phá nổ 60 tàu cá nước ngoài, chủ yếu là tàu Trung Quốc, vì đã đánh bắt trái phép trong vùng biển này.
Hơn nữa, phải kể đến phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye tuyên bố Philippines thắng kiện và bác bỏ yêu sách chủ quyền ngang ngược, phi lý của Trung Quốc với cái gọi là «đường chín đoạn». Bắc Kinh đã ngoan cố bác bỏ phán quyết của tòa và coi phiên tòa là một «trò hề».
Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, không loại trừ nguy cơ xung đột, dù là cục bộ hay trên diện rộng. Chuyên gia Niquet cảnh báo: «Nếu ông Tập Cận Bình cho rằng một cuộc phiêu lưu quân sự có thể có lợi cho ông về mặt chính trị nội bộ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống và bất ổn xã hội đe dọa chế độ, thì ông ấy dám làm lắm».