Cuộc đối thoại của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN với đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc sẽ bắt đầu vào ngày mai 4.11 ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Giới chức Mỹ và Nhật đang cố thúc giục nước chủ nhà đề cập vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung của cuộc đối thoại bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Reuters ngày 3.11 cho hay.
Trung Quốc hồi tháng 2.2015 tuyên bố Bắc Kinh không muốn vấn đề Biển Đông được đề cập ở cuộc họp này.
“Chúng tôi cùng quan điểm với nhiều nước rằng Biển Đông cần phải được đề cập, nhưng một số nước lại không muốn”, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ.
Một nguồn tin thân cận với hội nghị cho biết một bản thảo về thông cáo chung được nước chủ nhà Malaysia đưa ra không đề cập đến Biển Đông, thay vào đó chỉ nói khủng bố và hợp tác an ninh khu vực, theo Reuters.
Một nguồn tin khác của Reuters cho hay Nhật Bản cũng đang gây sức ép lên Malaysia và đề nghị Kuala Lumpur “cải thiện” bản thông cáo bằng việc đưa vấn đề Biển Đông vào.
Chưa rõ phản ứng của Malaysia trước sức ép của Mỹ và Nhật Bản trong việc yêu cầu đưa vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung của đối thoại quốc phòng ASEAN và đối tác châu Á - Thái Bình Dương.
Trong cuộc đối thoại các bộ trưởng quốc phòng được khởi xướng từ năm 2006, Philippines và Việt Nam phản đối Trung Quốc trong các vấn đề ở Biển Đông trong khi Campuchia ủng hộ Bắc Kinh, cho rằng “Biển Đông không phải là vấn đề cần được thảo luận trong diễn đàn của ASEAN”.
Trong khi đó, Malaysia đang cố gắng trung lập trong vấn đề Biển Đông dù cũng là nước có tranh chấp với Trung Quốc. Hồi tháng 10.2015, một tướng quân đội Malaysia bất ngờ lên tiếng chỉ trích việc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh là hành động “khiêu khích không chính đáng”.
Tuy nhiên, trong buổi khai mạc cuộc họp riêng của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein không đề cập một lời nào liên quan đến Biển Đông, theo Reuters.
Theo Thanh niên