Các phương tiện truyền thông Trung Quốc và quốc tế tiết lộ rằng, Nga và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận trong việc cung cấp 4-6 tiểu đoàn S-400 cho quân đội Trung Quốc (PLA), nhưng thời điểm giao hàng chưa được biết chính xác, có thể sẽ chính thức chuyển giao vào năm 2017.
Có nghĩa là phải một năm rưỡi nữa Trung Quốc sẽ được trang bị các hệ thống tên lửa đánh chặn S-400, chúng có thể được đồng bộ hóa với các hệ thống tên lửa, đài radar cảnh giới, đài chỉ huy và hệ thống điều khiển của PLA.
Sau khi PLA có được các hệ thống tên lửa đánh chặn tinh vi hiện đại này, tất nhiên các hệ thống S-400 sẽ lần đầu tiên được triển khai và bao phủ toàn bộ eo biển Đài Loan, nhằm không chế eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông, bao gồm các hoạt động của hạm đội Mỹ ở Đài Loan. Cũng có thông tin chúng sẽ được triển khai trên Biển Đông.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 600 km ở độ cao từ 40-50km, đồng thời theo dõi 300 mục tiêu, tiêu diệt đồng thời 10 mục tiêu, ngoài ra hệ thống này có thể cho phép nâng cấp một cách hiệu quả.
Trước đó Trung Quốc cũng đã được phía Nga cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-300 chưa nâng cấp và các hệ thống S-300PM2 đã nâng cấp, cùng các hệ thống HQ-9 của Trung Quốc, tất cả chúng có thể phối hợp với các hệ thống S-400 mới, giúp PLA có thể tăng cường việc theo dõi và đánh chặn đường không.
Đáng chú ý nhất là sau khi Nga bán cho Trung Quốc các hệ thống S-400 thì Nga cũng sẽ bán cho Ấn Độ và Việt Nam, hai quốc gia cũng đang mong muốn có được các hệ thống phòng không tối tân này. Sau khi nhận được các hệ thống phòng không S-400 này, Ấn Độ sẽ triển khai tại biên giới với Trung Quốc, Quân khu Thành Đô và các đơn vị máy bay chiến đấu của Trung Quốc đóng tại Tây Tạng sẽ phải chịu áp lực rất lớn từ hệ thống S-400 của Ấn Độ.
Không những thế, Nga cũng có thể cung cấp 4 tiểu đoàn S-400 cho Quân đội Nhân dân Việt Nam, các hệ thống này sẽ được đặt ở Vịnh Bắc Bộ và dọc theo Biển Đông, từ đó phía Việt Nam có thể tạo ra những đòn đáp trả tương xứng và gây nên áp lực lớn cho kẻ địch.
Năm ngoái, trang mạng Guancha.cn đưa ra những thông tin trái chiều cho rằng, Nga từ chối bán S-400 cho Việt Nam, trang Guancha cho biết: “Ngày 22/82014, một phái đoàn quân sự Việt Nam cùng Đại sứ Việt Nam tại Nga đã gặp Thứ trưởng Quốc phòng Nga đề cập ý định mua các loại vũ khí: tên lửa phòng không S-400, tàu ngầm Amur, máy bay Su-35, nhưng Nga đã từ chối khéo”.
Trong khi đó, thông tin từ phía Nga cho biết, sau khi Nga xuất khẩu các hệ thống tên lửa đánh chặn S-400 năm 2015, phía Việt Nam đặt mua từ 4-6 hệ thống tên lửa S-400, nhằm đảm bảo khả năng phòng thủ vững chắc đất nước trước mọi tình huống.
Theo QPAN