Mỹ sẽ “san phẳng” toàn bộ đảo Trung Quốc ở Biển Đông nếu xảy ra chiến sự

VietTimes -- Lực lượng tàu ngầm Mỹ sẽ nhằm vào tất cả các mục tiêu quan trọng, từ căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo, đảo Phú Lâm căn cứ Du Lâm quần đảo Hải Nam và ngay cả các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo chống tàu trên bờ biển Trung Quốc.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ

Trong khi quân đội Trung Quốc (PLA) vẫn còn rất xa mới đạt được sức mạnh tổng hợp quân sự Mỹ, trong tương lai gần, PLA đang nỗ lực giành được ưu thế trước sức mạnh của Mỹ trong một khu vực có giới hạn hẹp bên cạnh Trung Quốc.

Đó là một trong những kết luận thuộc một bản báo cáo dài 430 trang của RAND công bố gần đây, được soạn thảo bởi 14 học giả và có tên gọi là  "Tương quan quân sự Mỹ-Trung : Lực lượng, địa lý và sự phát triển cân bằng sức mạnh, giai đoạn từ 1996-2017".

Những nghiên cứu nhấn mạnh rằng Trung Quốc đạt được những tiến bộ với tốc độ đáng ngạc nhiên trong hầu hết các lĩnh vực quân sự, nhưng  nhấn mạnh lực lượng quân sự Mỹ vẫn luôn giữ được ưu thế trong hầu hết các tiêu chí về quân sự và quốc phòng.

Cụ thể hơn, các học giả của RAND phân tích mười tiêu chí khác nhau của năng lực quân sự được cho là rất quan trọng trong những tình huống một cuộc xung đột Trung-Mỹ trên quần đảo Trường Sa, nghiên cứu những khả năng có thể xảy ra trong bốn khoảng thời gian khác nhau từ năm 1996 đến năm 2017. Các phân tích đặc biệt chú ý đến vị trí địa lý và khoảng cách thời gian trong mỗi kịch bản.

Trong các kịch bản xung đột, các chuyên gia RAND đã phân tích ưu thế và nhược điểm của cả hai lực lượng Trung – Mỹ theo mười tiêu chí trong từng giai đoạn thời gian mà theo đó, mỗi bên có thể đạt được mục đích chính trị đề ra, bên còn lại sẽ gặp nhiều khó khăn và không thể đạt được.

Mười tiêu chí đó bao gồm: Tập kích căn cứ không quân Trung Quốc, ưu thế tác chiến đường không của Mỹ  với Trung Quốc, khả năng Mỹ thâm nhập không phận, tập kích đường không không phận Mỹ, chiến tranh chống tấn công bề mặt của  Trung Quốc, chiến tranh chống tác chiến bề mặt của Mỹ, tấn công trên tầng không gian Mỹ, tấn công trên tầng không gian Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc trong chiến tranh mạng, năng lực tấn công hạt nhân.

Xét trên không gian chiến trường Thái Bình Dương, Mỹ chiếm ưu thế vượt trội trên mọi lĩnh vực, nhưng trong không gian chiến trường hẹp như biển Đông và quần đảo Trường Sa, các học giả RAND gặp những khó khăn nhất định.

Nhìn từ góc độ đấu tranh địa chính trị, cả Mỹ và Trung Quốc mặc dù có nhiều mâu thuẫn khác nhau, nhưng cả hai bên đều không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện, nhưng hai lực lượng đang lao vào một cuộc đấu tranh ác liệt giành lợi thế kiểm soát chiến trường đặc biệt quan trọng có trị giá thương mại đến 5000 tỷ USD này.

Tầm tấn công của các tên lửa đạn đạo Trung Quốc

Tình đến giai đoạn năm 1996, Mỹ đã thành công trong việc thiết lập một vành đai bao vây kiềm chế Trung Quốc bằng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ các nước đồng minh và đe dọa kiểm soát mọi hoạt động phát triển kinh tế và sức mạnh quốc phòng. Sự phát triển nhanh chóng sức mạnh quân sự Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa đạn đạo, không quân, hải quân và các lĩnh vực khác dường như đã đẩy tầm ảnh hưởng của Mỹ khỏi vùng nước biển Đông, các tàu sân bay Mỹ đang nằm trong tầm tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc, sự xuất hiện những đảo nhân tạo có đường băng quân sự tiếp tục củng cố vững chắc quan điểm chiến lược 2D/AD của Bắc Kinh trên vùng nước Biển Đông.

Từ góc độ nhận xét của các học giả RAND, có thể nhận thấy: Nếu trong một cuộc xung đột cục bộ thời gian ngắn trên một vùng nước hẹp như biển Đông, Trung Quốc dường như có thể đẩy lùi được các cụm tàu sân bay tấn công chủ lực ra khỏi vùng nước biển Đông và khống chế toàn bộ khu vực bằng lực lượng không quân hải quân xuất phát từ các sân bay mới được xây dựng.

Nhưng lực lượng thực sự ngăn cản hải quân Trung Quốc thực hiện điều này nằm sâu trong lòng biển Đông, đó là hạm đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ, lực lượng mà sức mạnh hỏa lực có thể nhanh chóng phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạ tầng quân sự, căn cứ sân bay và các đơn vị tên lửa chiến lược của Trung Quốc trong loạt phóng tên lửa hành trình Tomahawk đầu tiên.

Nếu trong tính toán của các học giả RAND có đưa yếu tố tàu ngầm tấn công hạt nhân vào bài toán chiến lược chiến dịch Biển Đông, khả năng Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc xung đột giới hạn hẹp là rất thấp:

Tương quan lực lượng tàu ngầm

Tương quan lực lượng tàu ngầm: Trung Quốc hiện có 70 chiếc tàu ngầm, trong đó có 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Hán Type 091 phát triển từ những năm 1970, 6 chiếc lớp Thượng Type 093 phát triển từ những năm 1980 và gần đây nhất đã phát triển thêm 3 chiếc lớp Thượng Type 093G , Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển tàu ngầm nguyên tử tấn công Type – 095 với số lượng 5 chiếc đến năm 2020.

Ngoài ra Trung Quốc có khoảng 12 tàu ngầm diesel điện lớp Kilo, 13 chiếc lớp Tống, 2 chiếc lớp Nguyên Type 041, 6 chiếc lớp Romeo Type 033, 17 chiếc lớp Minh Type 035G, 1 chiếc SSG (mang tên lửa dẫn đường)- Tổng số tàu ngầm diesel điện khoảng 51 chiếc các loại.

Tất cả các tàu ngầm Trung Quốc, ngoại trừ Type 095 đều là những chiến hạm đã có nhiều thời gian sử dụng, nếu không tính các tàu ngầm diesel điện lớp Kilo của Nga thì các tàu của Trung Quốc có đặc điểm là tiếng ồn lớn, rất dễ bị phát hiện. Các tàu ngầm tấn công của Trung Quốc được mang tên lửa chống tàu, nếu tính cả tên lửa Club – S do Nga cung cấp thì tầm bắn đến khoảng 300 km.

Tương quan lực lượng Mỹ - Trung Quốc

Hoạt động trực tiếp trên chiến trường Biển Đông, lực lượng tàu ngầm Mỹ có thể tham chiến nhanh chóng là lực lượng tàu ngầm Hạm đội 7 có 4 chiếc tàu ngầm nguyên tử lớp Los Angeles, ngoài các vũ khí trên biển thông thường còn có 12 ống phóng tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn từ 1.300 km đến 1.700 km. Lực lượng chủ lực trên Biển Đông là lực lượng tàu ngầm của hạm đội 3 với 22 tàu ngầm lớp Los Angeles và Virgina mang được tên lửa hành trình Tomahawk, 3 chiếc Seawolf chống ngầm và hai chiếc tàu ngầm lớp Ohio mang 154 tên lửa hành trình Tomahawk.

Hạm đội 3 Hải quân Mỹ là hạm đội có lực lượng tên lửa hành trình tấn công mặt đất mạnh nhất và cũng là hạm đội tàu ngầm có khả năng chống ngầm tốt nhất. Với các tàu ngầm theo biên chế, lực lượng tàu ngầm của hạm đội 3 Hải quân Mỹ và hạm đội 7 hoàn toàn khống chế được vùng nước biển Hoa Đông, Biển Đông và hướng ra eo biển Malacca.

Đại đa số các tàu ngầm lớp Los Angeles được phát triển từ năm 1972 đến năm 1996, là lớp tàu tấn công chủ lực của Hải quân Mỹ và cũng là lớp tàu thành công nhất trong lực lượng tàu ngầm Mỹ.

Sức mạnh lực lượng chống ngầm

Biển Đông, biển Hoa Đông là nơi lực lượng tàu ngầm hạm đội 7 và 3 hoạt động mạnh nhất, trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đến những năm đầu của thế kỷ 21. Vịnh Cam Ranh là quân cảng và cũng là căn cứ của lực lượng hải quân Liên xô, chính vì vậy, tại Biển Đông, Mỹ đã thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tiễu sẵn sàng chiến đấu của tàu ngầm Mỹ, đồng thời các hoạt động chống ngầm ở khu vực đã giúp cho người Mỹ theo dõi rất sát các hoạt động của tàu ngầm đối phương, bao gồm cả tàu ngầm của Liên xô và Trung Quốc

Trong giai đoạn sau này, người Mỹ đã tập trung sự chú ý vào hải cảng quân sự của tàu ngầm Trung Quốc trên đảo Hải Nam, với hệ thống công nghệ chống ngầm hiện đại từ không ảnh vệ tinh, các hệ thống truy tìm, kiểm soát tàu ngầm trên biển Đông. Những vụ va chạm giữa hải quân Trung Quốc và các phương tiện trinh sát, tìm kiếm của Mỹ đã cho thấy rõ điều đó.

Ví dụ: tháng 4.2001, vụ va chạm giữa chiếc máy bay trinh sát điện tử và chống ngầm EP-3 với máy bay tiêm kích J-8 của Trung Quốc, năm 2009 ngư dân Trung Quốc đã tấn công tàu USNS Impeccable và USNS Victorious trong khu vực EEZ, cũng trong tháng 6.2009, một tàu ngầm Trung Quốc đã va chạm với một tàu khu trục Mỹ kéo theo anten sonar mảng pha. Điều đó cho thấy, lực lượng Hải quân Mỹ theo dõi rất chặt chẽ mọi hoạt động của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc trên Biển Đông.

Căn cứ của đồng minh

Ngoài những lợi thế về công nghệ, lực lượng tàu ngầm của Mỹ còn được một lợi thế quan trọng hơn trong cuộc chiến ngầm dưới biển Đông, đó là việc được sử dụng các căn cứ của đồng minh.

Những căn cứ quân sự mà Mỹ có thể sử dụng ở Philippines

Trong điều kiện căng thẳng gia tăng, Trung Quốc sẽ buộc phải đưa lực lượng tàu ngầm của mình vào vùng nước biển Đông đến quần đảo Trường Sa. Các hạm tàu mà Trung Quốc có thể sử dụng được chỉ có thể là lực lượng tàu ngầm chiến thuật bao gồm 06 tàu lớp Minh ES5F (Ming); 10 tàu lớp Romeo -  Type 033; 04 tàu lớp Tống (Song) Type 039G hoặc 039G1; 01 tàu lớp Kilo. Lực lượng này là tàu ngầm lớp diesel điện phát triển từ những năm 1970, trên thực tế đã lỗi thời và rất dễ bị phát hiện đo tiếng ồn lớn và khoảng cách phải cơ động khá xa.

Các tàu ngầm nguyên tử lớp Los Angeles Mỹ có thể hành trình lâu dài dưới nước tránh sự phát hiện của không quân Trung Quốc, sử dụng các hải cảng quân sự Philippines. Khoảng cách từ hải cảng này đến Trường Sa rất gần và các tàu ngầm nguyên tử Mỹ có khả năng triển khai nhanh sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu trên khoảng cách giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ngoài ra, các tàu ngầm nguyên tử tấn công Mỹ còn có một lợi thế rất lớn là sử dụng các nguồn thông tin tình báo từ các nước đồng minh như Nhật Bản, Philippines, Đài Loan cũng như sự yểm trợ (có thể không tham gia chiến đấu) để phục vụ cho mục đích ngăn chặn tàu ngầm Trung Quốc xuất kích. Không bị ngăn chặn bởi các thành phần lực lượng cấu thành hệ thống AD/2D Trung Quốc, các tàu ngầm nguyên tử Mỹ, trang bị tên lửa Tomahawk có thể tiếp cận được khu vực tấn công thuận lợi nhất, đặt tất cả các cơ sở hạ tầng quân sự và vũ khí trang bị của PLA vào tầm bắn của loại tên lửa hành trình này.

Với những lợi thế trên, trong tình huống xảy ra mâu thuẫn có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát chiến tranh dồn nén thời gian, lực lượng tàu ngầm Mỹ sẽ nhằm vào tất cả các mục tiêu quan trọng, từ căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo, đảo Phú Lâm căn cứ Du Lâm quần đảo Hải Nam và ngay cả các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo chống tàu trên bờ biển Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là, nếu xảy ra xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc, ngay từ loạt đạn đầu tiên xuất phát từ tàu ngầm có thể hủy diệt tất cả các căn cứ quân sự trên các đảo phi pháp đó, bao gồm cả đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và phong tỏa hoạt động của đảo Hải Nam. Khả năng giành thắng lợi như đẩy lùi lực lượng hải quân Mỹ, phá hủy được tàu chiến hoặc tàu sân bay của Mỹ thực sự rất nhỏ.

Trung Quốc "học bài" Mỹ

Trước nguy cơ đe dọa bằng lực lượng tàu ngầm Mỹ, Trung Quốc cố gắng đáp trả bằng giải pháp xây dựng các sân bay trực thăng trên các đảo nhân tạo nhằm tăng cường khả năng tuần thám chống ngầm. Phối hợp cùng các tàu khu trục mang trực thăng vận tải chống ngầm và máy bay chống ngầm tuần tra trên biển Đông. Hơn thế nữa, Trung Quốc đe dọa sẽ đưa tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo đầu đạn hạt nhân vào vùng nước Thái Bình Dương, trên khu vực có thể tấn công vào nước Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn xây dựng một hệ thống chống ngầm tương tự như hệ thống IUSS với thành phần chính là SOSUS của Mỹ trên biển Đông và biển Hoa Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, trong một bài phát biểu ngày 13.5.2016, đề cập đến phương án sử dụng các tàu ngầm không người lái ở Biển Đông, chú trọng đến các vùng nước nông rộng lớn nhằm kiểm soát chặt chẽ lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc trên vùng biển này.

Trong tương lai, Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng sẵn sàng chiến đấu trên biển Đông với mục đích kiềm chế các hoạt động hạn chế Tự do hàng hải mà Trung Quốc có thể đặt ra. Đồng thời các đơn vị Hải quân bao gồm tàu sân bay, khu trục hạm và đặc biệt quan trọng là lực lượng tàu ngầm sẽ là lực lượng then chốt để răn đe, ngăn chặn và sẵn sàng tấn công trong tình huống cần thiết.

TTB