Ngân hàng nào cho Cà Ná vay?

Một quỹ đầu tư nước ngoài thâm niên nhất thị trường tài chính Việt Nam năm 2014 đã quyết định thoái hết vốn khỏi một tập đoàn tư nhân tầm cỡ. Hỏi vì sao thoái, người đứng đầu ban đầu giải thích là do tập đoàn nọ không còn là doanh nghiệp bất động sản!!! 
Bãi biển Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: diadiemdulich.com
Bãi biển Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: diadiemdulich.com

Nghe không ổn chút nào, nhưng đúng là tập đoàn đã chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp. Sau này khi đã bán hết cổ phiếu, ông mới bật mí “có vấn đề liên quan đến môi trường”.

Năm ngoái quỹ trên lại rút hết vốn khỏi một tập đoàn lớn khác. Đại diện quỹ nói thẳng: “Chuyện môi trường. Các nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền vào quỹ yêu cầu không giải ngân bất cứ đồng nào vào doanh nghiệp làm tổn hại môi trường”. Thông điệp rõ ràng thế, nên từ đầu năm nay quỹ chú trọng vào các doanh nghiệp làm năng lượng sạch kiểu điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...

Tập đoàn Hoa Sen (HSG-Hose) đang “gây bão” trên các phương tiện truyền thông với dự án hơn 10 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào Cà Ná (Ninh Thuận). So với dự án của Hoa Sen, câu chuyện môi trường liên quan đến hai tập đoàn nói trên chỉ là hạt muối bỏ bể. Một số cổ đông tổ chức bắt đầu thấy “choáng” dù họ vẫn còn tin rằng ông Vũ (ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HSG) cam kết bảo vệ môi trường.

Cho vay dự án Cà Ná là đụng chạm đến trách nhiệm xã hội của ngân hàng. Ngân hàng nào “dũng cảm” vượt rào làm việc ấy?
Nhưng mấu chốt của dự án Cà Ná là Hoa Sen có đủ tiền để theo đuổi không? Hôm đại hội đồng cổ đông HSG họp mới đây, ông Vũ trả lời cổ đông: “Tiền tôi đã lo đủ cả rồi. Hàng chục ngân hàng đặt vấn đề cho vay. VietinBank sẽ tài trợ 500 triệu đô la Mỹ”. Mở báo cáo tài chính hợp nhất kết thúc vào ngày 30-6-2016 của HSG ra xem thì thấy tập đoàn này có vốn điều lệ 1.965 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 3.689 tỉ đồng và tổng vốn vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn là 4.639 tỉ đồng. Danh sách các ngân hàng cho HSG vay có đủ mặt, cả quốc doanh và nửa quốc doanh, có cả bốn “ông lớn” Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank; nước ngoài có HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank, UOB; ngân hàng cổ phần có Á Châu, Quân đội, Bản Việt, VPBank; lại có cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam (chủ yếu cho vay chính sách).

HSG niêm yết trên sàn Hose về cơ bản là một cổ phiếu với các chỉ số tốt. Năm nay lợi nhuận của doanh nghiệp tăng vọt, nên nhiều tổ chức tín dụng cho vay cũng không có gì lạ. Nhưng cho vay để tập trung sản xuất kinh doanh như hiện tại là một việc, tài trợ cho dự án Cà Ná là việc khác.

Hoa Sen chỉ có 15% vốn tự có cho dự án Cà Ná, phần còn lại tất phải đi vay. Những ngân hàng nào đủ sức thẩm định tác động đến môi trường của một dự án thép khổng lồ như Cà Ná khi mà “tấm gương” của Formosa còn nhãn tiền ra đấy? Bản thân các ngân hàng đang phải khoanh, giãn nợ và giảm lãi cho hàng ngàn ngư dân đang vay vốn bị thiệt hại bởi hậu quả môi trường của Formosa. Giảm lãi vài trăm tỉ đồng có thể không nhằm nhò gì, nhưng thu số cho vay gốc hàng ngàn tỉ đồng mới là vấn đề. Và đến khi nào người vay trả được đây khi mà biển ở bốn tỉnh miền Trung không còn như trước, cá tôm, hải sản không còn như trước, tiêu thụ trong nước khó khăn, xuất khẩu ngập ngừng.

Các ngân hàng hiểu hơn ai hết bản chất của nợ xấu nằm ở đâu và tác hại của chúng ra sao đối với nền kinh tế. Một dự án mà hiệu quả vẫn còn là dấu hỏi trong bối cảnh thị trường thép thế giới nói chung lao đao, thì thu hồi gốc và lãi vay thế nào? Quan trọng hơn nguy cơ của một Formosa thứ hai hiện hữu, có ngân hàng nào chịu “rót” tiền cho doanh nghiệp để nhìn con nợ có khả năng gây ra những cú sốc môi trường cho cộng đồng? Cho vay dự án Cà Ná là đụng chạm đến trách nhiệm xã hội của ngân hàng. Ngân hàng nào “dũng cảm” vượt rào làm việc ấy?

Ai có thể ngăn chặn khả năng xảy ra một Formosa thứ hai với dự án của Hoa Sen? Không phải chỉ dư luận xã hội, mà chính là các ngân hàng, các nhà tài trợ tài chính. Lãnh đạo một ngân hàng nói: “Giả sử các ngân hàng không cho vay, doanh nghiệp vẫn có thể tìm được nguồn tài trợ khác như vốn ODA chẳng hạn”. Vay vốn nước ngoài, cho dù là vay ưu đãi, giờ đây cũng phải được các cấp có thẩm quyền xem xét bởi nó sẽ làm nợ công tăng lên. Quốc gia phải vay nợ để bù đắp bội chi ngân sách, chủ yếu cho chi thường xuyên chưa đủ hay sao, mà còn đi vay để phá hoại môi trường?

Bỗng nghĩ đến Israel với những miền sa mạc mênh mông, ngút ngàn chỉ toàn cát và đá sỏi. Không có nơi nào trên thế giới giọt nước được quay vòng, từ sử dụng đến tái chế và sử dụng lại nhiều như ở Israel. Cũng không nơi nào công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt phổ biến như ở Israel. Nhưng người Israel không đầu tư sản xuất thép. Ở những sa mạc không nước, không điện, không sự sống, họ đã và đang đầu tư trí tuệ và tiền bạc để tạo nên những làng mạc xanh với sản phẩm nông nghiệp như ở những vùng phù sa màu mỡ châu Âu, châu Mỹ, những thành phố thông minh.

Với 10,6 tỉ đô la Mỹ dự kiến cho dự án Cà Ná, Hoa Sen đủ sức hợp tác với các đối tác trong, ngoài nước xây dựng một Ninh Thuận trù phú và xanh tươi với công nghệ lọc, tưới nước hiện đại và một bờ biển đẹp cho du lịch. Nếu được thế, không chỉ những đứa trẻ, mà cả những người già ở cát cháy Ninh Thuận cũng phải ngả nón trước Hoa Sen. Há đó chẳng phải là lợi nhuận hay sao? Lợi nhuận cho một vùng đất, cho miền Trung và cho cả đất nước, nó mang tầm chiến lược và ý nghĩa hơn rất, rất nhiều lợi nhuận của một doanh nghiệp, của một người giàu đã trở nên “nổi tiếng” nhờ câu nói: “Ngu gì không làm thép”!.

Theo TBKTSG