Sacombank & Southern Bank: Khi hai ta về một nhà

VietTimes -- Những tưởng Sacombank và Southern Bank về chung một nhà để “mơ cùng một giấc, đi chung một đường”, nhưng thực tại, cuộc hôn nhân này lại đang chỉ  “nước mắt rơi một dòng” - như lời bài hát "Một nhà" của tác giả trẻ Da LAB, vốn đang rất thịnh hành trong giới trẻ.
Số liệu nợ xấu mà Sacombank đang công bố liệu có chính xác?
Số liệu nợ xấu mà Sacombank đang công bố liệu có chính xác?

Nhắc lại là trước khi sáp nhập, hoạt động kinh doanh của Sacombank đang rất tốt, thậm chí là tốt nhất trong nhóm NHTMCP.

Sacombank khi ấy còn tham vọng sẽ vươn tầm khu vực trong thời gian không xa. Nhưng từ khi "về chung một nhà" với Southern Bank, thay vì mang lại giá trị cộng hưởng to lớn, Sacombank lại đang rơi vào hành trình…suy thoái.

Chi phí tăng, lợi nhuận giảm

Báo cáo tài chính công ty mẹ quý II/2016 của Sacombank cho biết, tính đến 30/6, Tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 312 nghìn tỷ đồng, tăng 6,85% so với cuối năm 2015. Tiền gửi khách hàng đạt 279.991 tỷ đồng, Cho vay khách hàng 199.145 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,3% và 7,1 % so với thời điểm 31/12/2015.

Thu nhập thuần từ lãi đạt 1,513 tỷ đồng, tương đương giảm 18,3% so với quý II/2015. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 339 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ. Các hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, hoạt động kinh doanh khác có tín hiệu khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình, hoạt động kinh doanh ngoại hối đem lại cho Sacombank 199 tỷ đồng tăng 166% so với cùng kỳ năm 2015…

Tuy vậy, những điểm sáng này không khỏa lấp được những tồn tại ở Sacombank. Kết thúc quý II/2016, Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng chỉ đạt 147 tỷ đồng, giảm 455,4 tỷ đồng, tương đương 73% so với quý trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sacombank chỉ ghi nhận 309 tỷ đồng LNST, giảm tới 871 tỷ đồng, tương đương giảm 73% so cùng kỳ năm trước.

Lý giải nguyên nhân này, Sacombank cho biết, chi phí lãi tiền gửi và tiền vay tăng tới 1.397 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí trả lãi tăng 1.384 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí dự phòng tín dụng tăng tới 300 tỷ đồng; chi phí hoạt động cũng tăng 91,1 tỷ đồng; chưa kể chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm tới 146,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

“Bóng ma” nợ xấu

Nhìn lại giai đoạn 2013-2015, không thể phủ nhận Sacombank là một trong những ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro được đánh giá là tốt nhất hệ thống ngân hàng. Khi đó, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank chỉ là 1,47% năm 2013, và 1,19% năm 2014, một con số trong mơ với nhiều ngân hàng. Nhất là trong thời điểm các ngân hàng khác đang đau đầu giải quyết “bóng ma” nợ xấu.

Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối 2015, nợ xấu của Sacombank bắt đầu “nhảy múa”.

Chốt 31/12/2015, Sacombank ghi nhận 3.379 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,87% tổng dư nợ. Trong khi thời điểm đầu năm, con số này chỉ là 1.487 tỷ đồng.

Chưa kể, trong số 3.379 tỷ đồng nợ xấu đó, có đến 3.029 tỷ đồng là nợ nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn), chiếm đến 89% số nợ xấu.

Hết quý I, số nợ xấu của Sacombank đã là 4.281 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 2,3%, nợ có khả năng mất vốn  “nhích” lên 3.123 tỷ đồng.

Chưa dừng tại đó, tính đến hết quý II/2016, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đã là 2,83%, tương đương với 5.650 tỷ đồng nợ xấu, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã chạm 3.210 tỷ đồng.

Nói để thấy, nợ xấu đang tăng dần đều tại Sacombank. Nhưng tỷ lệ nợ xấu đó đã thể hiện hết vấn đề nội tại ở Sacombank chưa? Câu trả là chưa. Tỷ lệ nợ xấu đó chỉ là bề ngoài, nợ xấu đang tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trong báo cáo tài chính của Sacombank.

Theo quan sát của VietTimes, tính đến hết quý 2/2016, ngoài hàng nghìn tỷ nợ xấu đã “chuyển khẩu” sang VAMC (BCTC Sacombank ghi nhận trong 17 nghìn tỷ đồng của khoản mục “Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn”).

Liệu Sacombank có “khéo léo” ghi nhận ở một khoản mục khác?

Nợ xấu ở đâu?

Theo BCTC, thời điểm 31/12/2015, Sacombank bất ngờ ghi nhận “Tài sản có khác” đạt 44.315 tỷ đồng, tăng 33.123 tỷ đồng giá trị tuyệt đối, và 390% giá trị tương đối, vượt mặt tất cả những “ông lớn” trong hệ thống ngân hàng như Vietcombank hay BIDV…

Tính đến 30/6/2016, “Tài sản có khác” của Sacombank xấp xỉ 44.414 tỷ đồng, chiếm tới…14,2% tổng tài sản của ngân hàng. Trong đó, các khoản phải thu đạt 17.187 tỷ đồng, “Các khoản lãi và phí phải thu” đạt 25.814 tỷ đồng. Tổng cộng các khoản phải thu và các khoản lãi và phí phải thu đạt 43.001 tỷ đồng.

Xét theo thực tế, các khoản phải thu; lãi và phí dự thu này đa phần là “của hồi môn” của Southern Bank. Trong báo cáo tài chính, Southern Bank cho biết, tính đến hết quý III/2014, Các khoản phải thu; Lãi và phí dự thu đã lên tới 29.702 tỷ đồng, một con số bất thường trong hệ thống ngân hàng thương mại khi đó.

Trong khi đó, con số này bên phía Sacombank chỉ dao động trên dưới 8.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ quý III/2014 đến quý III/2015 (thời gian sáp nhập 10/2015). Như vậy, tính chung sau sáp nhập, các khoản phải thu, lãi và phí phải thu đã dôi ra hàng nghìn tỷ sau sáp nhập. Một con số đáng phải suy ngẫm.

Theo một chuyên gia ngân hàng, lãi và phí dự thu, các khoản phải thu là nơi “giấu” nợ xấu kín đáo. Lãi dự thu là lãi quá hạn, không thu được. Lãi dự thu có thể có tài sản đảm bảo, tuy nhiên, phí dự thu thường đến từ các khoản do ngân hàng đứng ra bảo lãnh, khi khách hàng không trả được, ngân hàng buộc phải đứng ra trả thay. Đến phí còn không thu được, thì tất nhiên làm sao gốc có thể thu được”

Các ngân hàng đang “giấu nợ xấu” và “báo lãi ảo” khiến thực trạng hoạt động của NH bị sai lệch so với thực tế.

Sự nguy hiểm của lãi và phí dự thu đối với hệ thống ngân hàng cũng được các chuyên gia dự báo từ lâu. Trong hội thảo Công bố báo cáo Tổng quan thị trường tài chính cuối năm 2015,  TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright từng cảnh báo nhiều ngân hàng đang phải huy động tiền gửi mới để lấy tiền trả lãi cho khoản tiền gửi cũ, còn lãi cho vay là tiền thật thì mới chỉ ghi nhận dự thu chứ chưa thu được trên thực tế.

Câu hỏi mà dư luận đang quan tâm, liệu nợ xấu đã dừng lại ở con số mà Sacombank vừa công bố hay chưa? Điều này rất cần các cơ quan chức năng, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN làm rõ để giải đáp những thắc mắc của cổ đông và các nhà đầu tư, tránh những trường hợp đáng tiếc như thời gian qua. Đồng thời cũng giúp Sacombank nhìn nhận thực tại và có hoạch định chuẩn xác hơn trên hành trình sắp tới.

Nhân tố Trầm gia

Nói đến mối “lương duyên” Sacombank và Southern Bank, người ta không thể không nhắc đến nhân tố Trầm gia. Gia tộc họ Trầm mà đứng đầu là ông Trầm Bê là người có công lớn nhất trong việc này.

Tại đại hội thường niên năm 2012 của Sacombank, khi ra mắt HĐQT với 8/10 thành viên là người mới thì có đến 4/8 thành viên mới là người liên quan đến Southern Bank (Trầm Bê, Trầm Khải Hòa, Phan Huy Khang và Dương Thị Quỳnh Như). Kết cục tại Sacombank khi đó đã ngã ngũ chóng vánh, ông Đặng Văn Thành – “linh hồn” của Sacombank từ nhiệm chỉ bằng một bức thư có độ dài nửa trang A4. “Triều đại” Đặng gia kết thúc, đánh dấu một một “triều đại mới” ở Sacombank.

Ba năm sau, vào cuối quý III/2015, có 2 sự kiện mà giới tài chính khi đó không khỏi bất ngờ.

Sự kiện thứ nhất: ngày 12/8/2015, NHNN chính thức quyết định chấp thuận việc sáp nhập Southern Bank và Sacombank. Hai nhà băng này chính thức được “về chung một nhà” sau mọi đồn đoán.

Sự kiện thứ hai: Chỉ sau đó đúng một ngày, ngày 13/8/2015, thông tin được phát đi rộng rãi: “Ông Trầm Bê tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của Southern Bank, Sacombank, sau khi nhận sáp nhập Southern Bank đối với toàn bộ cổ phần tại Southern Bank, Sacombank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.

Ông Trầm Bê cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ, thì bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông”. Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập.

Theo lẽ thường, người ta thích cầm hơn buông, những ai biết buông đúng lúc … sẽ không bị chìm trong bể khổ.

Đến đây, người ta mới thấy được hết “tầm” của nhà tài phiệt gốc Khơ-me này. Tuy chỉ giữ vị trí là cổ đông, là Phó chủ tịch HĐQT ở cả hai ngân hàng Southern Bank và Sacombank nhưng luôn có tinh thần cao nhất trong việc … xử lý nợ xấu.

Với cuộc “hôn nhân” của Southern Bank và Sacombank, vai trò của ông Trầm Bê là không thể phủ nhận. Nhưng không thể không nói đến vai trò của những cá nhân khác trong gia tộc họ Trầm.

Sacombank & Southern Bank: Khi hai ta về một nhà ảnh 1

 Gia tộc họ Trầm ở Southern Bank và Sacombank

Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016 của Sacombank cho biết, hiện ông Trầm Bê với tư cách TV HĐQT vẫn nắm giữ 27,6 triệu CP tương đương 1,467%, ông Trầm Trọng Ngân (con ông Trầm Bê) nắm giữ 89 triệu CP (tương đương 4,73%), bà Trầm Thuyết Kiều (ái nữ ông Trầm Bê) nắm giữ 27 triệu cổ phiếu (tương đương 1,43%), ông Trầm Khải Hòa (con ông Trầm Bê) nắm giữ 33,3 triệu CP (tương đương 1,77%), ông Lê Trọng Trí (con rể ông Trầm Bê) nắm giữ 2 triệu CP ( tương đương 0,11%). Như vậy tính thời điểm 31/6/2016, gia đình ông Trầm Bê vẫn nắm giữ 9,512% số cổ phần tại Sacombank, người nắm giữ nhiều nhất là ông Trầm Trọng Ngân với 89 triệu CP.

Trước đó, 20/12/2012 – 19/1/2013, ông Trầm Trọng Ngân từng đăng ký bán toàn bộ 48 triệu CP (tương đương với 4,93%) nhưng không bán được do “diễn biến thị trường không như mong muốn”.

Ở một diễn biến khác, theo tìm hiểu của VietTimes, sau thời điểm đó, ông Trầm Trọng Ngân đã nhiều lần cầm cố, thế chấp cổ phiếu STB tại các ngân hàng như Kienlongbank – CN Sài Gòn. Đặc biệt, ông Ngân cũng không ít lần thế chấp, cầm cố cổ phiếu STB ngay tại chính ngân hàng Sacombank – CN Sài Gòn. Có thể kể đến như lần "cắm" 17 triệu cổ phiếu STB vào thời điểm giữa năm 2013, hay gần đây nhất là tháng 3/2016 với gần 6,6 triệu cổ phiếu của nhà băng này.

Được biết, thân phụ của ông Ngân - đại gia Trầm Bê - cũng từng nhiều lần sử dụng các nghiệp vụ tương tự trong quá khứ, với sự hợp tác của các ngân hàng như NH TMCP Phương Đông (OCB); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).

Có lẽ, không chỉ bây giờ mà thời gian sắp tới báo chí sẽ còn tốn nhiều giấy mực để nói về gia tộc họ Trầm và thương vụ hậu sáp nhập Sacombank và Souther Bank này.

Hoàng Nguyên - Ninh Giang