NHNN: lãi suất cho vay khó giảm trong 2016

 Lạm phát năm 2015 chỉ tăng 0,64% so với cuối 2014, nhưng lãi suất cho vay hiện vẫn rất cao, từ 7 đến 10%. Song Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, năm 2016 sẽ có nhiều yếu tố tác động tới lạm phát nên khả năng giảm lãi suất cho vay là rất khó.
Bà Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo - Ảnh: Thùy Dung
Bà Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo - Ảnh: Thùy Dung

Tại buổi họp báo tổng kết hoạt động ngân hàng 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 diễn ra ngày hôm nay 24-12, rất nhiều câu hỏi được gửi đến lãnh đạo NHNN về chính sách điều hành tỷ giá và lãi suất. Trong đó có một câu hỏi là liệu lãi suất năm 2016 còn có dư địa để giảm không khi lạm phát năm nay chỉ khoảng 1%.

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho hay, lạm phát 2015 thấp, chỉ khoảng đâu đó 1% (con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố là 0,64%-PV), nhưng lạm phát năm 2016 lại không thể chủ quan. Theo các tổ chức quốc tế, trong đó có IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) đánh giá xu hướng lạm phát giảm ở nhiều nước trên thế giới không phản ánh sự giảm phát của nền kinh tế. Do đó, các nước cần thông tin truyền thông về vấn đề này để tránh đánh giá sai lầm về kỳ vọng của lạm phát.

Thực tế, lạm phát năm 2015 thấp có tác động bởi giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu. Cuối 2015, giá dầu đã gần đạt mức đáy. Do đó, lạm phát năm 2016 sẽ không thuận lợi như năm 2015 vì nếu giá dầu tăng trở lại, thậm chí tăng nhanh sẽ tác động lớn tới lạm phát. Hơn nữa, năm 2016 sẽ là năm thực hiện lộ trình điều chỉnh nhiều mặt hằng thiết yếu như y tế, giáo dục, giá điện,…sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lạm phát.

Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại vẫn nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ rất lớn. Năm 2016, nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ cũng cao, điều này gây áp lực tới lãi suất. “Do đó năm 2016, lạm phát không thể duy trì thấp như năm 2015. Vì vậy, điều hành lãi suất năm 2016 sẽ là khó khăn và thách thức”.

Bên cạnh lãi suất thì việc điều hành tỷ giá cũng là một trong những nội dung được báo giới quan tâm. Song, bà Hồng không nói rõ là sẽ tăng bao nhiêu, và liệu có thả nổi tỷ giá hay không nhưng bà nhấn mạnh nhiều lần là: “quán triệt phương châm nâng cao vị thế tiền đồng”.

Theo bà Hồng, thị trường ngoại hối và tỷ giá năm 2015 cho thấy thị trường trong nước chịu tác động lớn bởi yếu tố tâm lý và diễn biến thị trường quốc tế như việc Fed (Cục dự trữ liên bang Mỹ) tăng lãi suất; đồng nhân dân tệ giảm giá…

Trước diễn biến này, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp như đưa lãi suất huy động ngoại tệ về 0% và ban hành Thông tư 15 (hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ) để ngăn chặn tình trạng tạo cầu ảo về ngoại tệ; yêu cầu tổ chức tín dụng báo cáo trạng thái ngoại hối. Trong khi đó diễn biến thị trường lại rất tích cực như xuất siêu tháng 10 là trên 500 triệu đô la, tháng 11 là 260 triệu đô la; dòng vốn FDI tiếp tục giải ngân tăng 17% so với cùng kỳ; kiều hối vẫn tiếp tục vào nhưng tỷ giá vẫn tiếp tục tăng.

Do đó, theo bà Hồng, năm 2016, NHNN đang hoàn thiện để tiến tới cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, cân nhắc cả yếu tố trong nước và quốc tế để giảm kỳ vọng và tâm lý găm giữ ngoại tệ, gây khó khăn cho việc điều hành. Hiện nay, NHNN đang tổ chức triển khai và tiếp tục triển khai linh hoạt các công cụ về tài chính và tiền tệ, quán triệt phương châm nâng cao vị thế đồng Việt Nam.

Theo TBKTSG