Dấu hỏi về hiệu quả kinh tế với dự án Lọc dầu Nghi Sơn

VietTimes -- Dự kiến khi Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, mỗi năm PVN sẽ phải bù lỗ lên tới 3.500 – 4.000 tỷ đồng do bao tiêu sản phẩm và có thể kéo dài trong 10 năm
Dự kiến khi Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, mỗi năm PVN sẽ phải bù lỗ lên tới 3.500 – 4.000 tỷ đồng
Dự kiến khi Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, mỗi năm PVN sẽ phải bù lỗ lên tới 3.500 – 4.000 tỷ đồng

Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) vừa có báo cáo tác động liên quan đến việc thu ngân sách nhà nước khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đi vào hoạt động.

Được biết, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) được thành lập bởi các nhà đầu tư theo hợp đồng liên doanh ký ngày 7/4/2008 và giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 14/4/2008,dự án có có số vốn đầu tư 9 tỷ USD. Các nhà đầu tư góp vốn vào dự án gồm 4 thành viên: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) 25,1%, Công ty Dầu khí Quốc tế, Kuwait (KPI/KPE) 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan, Nhật Bản (IKC) 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%.

Theo kế hoạch, đến tháng 11/2016, dự án sẽ chạy thử và chính thức vận hành vào cuối năm 2017. Đến năm 2020, nhà máy sẽ chính thức vận hành 100%.

Căn cứ báo cáo của Vụ Ngân sách Nhà nước, theo cam kết, Chính phủ sẽ thông qua PVN bao tiêu sản phẩm của nhà máy này với giá nhập khẩu cùng mức thuế nhập khẩu 7% với sản phẩm lọc dầu, 5% với LPG (Khí dầu mỏ hóa lỏng) và 3% với sản phẩm hóa dầu.

Đánh giá về tác động tới ngân sách Nhà nước, khi NSRP đi vào hoạt động, tổng thu ngân sách nhà nước sẽ sụt giảm do số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị giảm. Dự kiến, năm 2017,  tổng thu NSNN  giảm 1.377 tỷ đồng; năm 2018 giảm 10.929 tỷ đồng; năm 2019 giảm 10.632 tỷ đồng và năm 2020 giảm 14.110 tỷ đồng.

Về tác động với địa phương, dự kiến số thu từ NSRP với ngân sách tỉnh Thanh Hóa sẽ phát sinh từ giữa năm 2017, với phương án giá dầu 45 USD/thùng thì số thu nội địa của tỉnh chủ yếu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng từ 2017 - 2020 khoảng hơn 5.800 tỷ đồng. Tính theo hàng năm, số thu từ NSRP chiếm tỷ trọng tăng dần từ 5% lên 34,2% trong tổng số thu nội địa của tỉnh này.

Theo tính toán, với giá dầu ở mức 45 USD/thùng, PetroVietNam phải bù lỗ do bao tiêu sản phẩm cho Nghi Sơn là 3.500 tỷ đồng. Giá dầu càng tăng thì số bù lỗ của PVN càng lớn, nếu giá dầu là 50 USD/thùng, PVN sẽ phải bù lỗ khoảng 4000 tỷ đồng/năm, giá dầu 70USD/thùng, số tiền bù lỗ của PVN sẽ là 4.500 tỷ đồng. Theo báo cáo của PVN, tổng mức hỗ trợ từ PVN cho NSRP để đầu tư các hạng mục công trình trong dự án như đê chắn sóng, hệ thống chiếu sáng, đường nội bộ… sẽ là 3.833 tỷ đồng.

Về cơ bản, dự án Lọc dầu Nghi Sơn số vốn đầu tư là 9 tỷ USD khi đi vào hoạt động, Petro VietNam sẽ phải bù lỗ bình quân khoảng 1.800 – 2.500 tỷ đồng/năm, chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp 3.833 tỷ đồng cho NSRP để đầu tư các công trình bên trong nhà máy.

Hiệu quả kinh tế từ dự án này đang bị đặt dấu hỏi lớn. Và liệu có sai lầm hay không trong quá trình đàm phán, đồng bộ đến các HIệp định về thương mại liên quan?