Tờ South China Morning Post đưa tin, mới đây đã có 3 đảng viên CCP được bổ nhiệm vào chức vụ mới. Điều đáng chú ý là, trong số 3 đảng viên này, có một người từng là cấp dưới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian ông Tập còn công tác tại tỉnh Phúc Kiến và 2 người còn lại cũng nằm trong hàng ngũ thân tín của Chủ tịch Tập.
Tờ Strait Times của Singapore thì đánh giá việc theo dõi các động thái điều động nhân sự trước thềm đại hội đảng sẽ giúp giới quan sát phần nào dự đoán được tình hình tại đại hội đảng 19 sắp tới, mà quan trọng nhất chính là 7 nhân vật quyền lực trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc (PSC).
Hiện tại, ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường chắc chắc sẽ còn ở lại PSC, 5 thành viên còn lại, gồm các ông: Trương Cao Lệ, Phó thủ tướng; Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương; Lưu Vân Sơn, Bí thư điều hành Ban Bí thư Trung ương đảng; Du Chính Thanh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân; Trương Đức Giang, Chủ tịch Quốc hội, đều sẽ về hưu trong kỳ đại hội sắp tới, và đây là cơ hội tốt để thăng tiến đối với các nhà lãnh đạo khác.
Giáo sư Chen Daoyin thuộc ĐH Chính trị-Pháp luật Thượng Hải cho biết “một năm trước khi diễn ra đại hội đảng sẽ là thời gian cực kỳ quan trọng cho việc tổ chức cán bộ. Đây có thể được xem là khúc dạo đầu cho công cuộc cải tổ nhân sự trong đại hội đảng sắp tới”.
Người đầu tiên được bổ nhiệm chức vụ mới là ông Lâm Đạt. Từ tháng 3.2016, ông này đã được điều từ tỉnh Liêu Ninh về tỉnh Cam Túc giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, sau đó đến tháng 4 thì kiêm thêm chức quyền Chủ tịch tỉnh. Đến ngày 24.5 thì ông Đạt mới chính thức được bầu làm Chủ tịch tỉnh.
South China Morning Post cho biết việc bổ nhiệm ông Lâm làm Chủ tịch tỉnh là một việc bất thường vì ông chưa hề có kinh nghiệm công tác ở bất cứ tỉnh phía tây nào của Trung Quốc và cũng chưa hề giữ chức Chủ tịch tỉnh trước đây. Tuy nhiên, ông Lâm lại từng có thời gian 4 năm làm Chủ tịch thành phố Bắc Kinh, là cấp dưới đáng tin cậy của ông Vương Kỳ Sơn, một trong những người được ông Tập tin tưởng nhất và cũng là người đã tích cực giúp ông Tập “đả hổ đập ruồi”. Sau đó vào năm 2014, Lâm và Vương cũng đã có thời gian làm việc cùng nhau khi ông Lâm giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật tỉnh Liêu Ninh, còn ông Vương đã là Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương được 2 năm.
Người thứ hai là ông Hồ Hòa Bình, được phân giữ chức Chủ tịch tỉnh Thiểm Tây. Đây là chức vụ thứ 3 của ông trong vòng 2 năm rưỡi qua. Ông Hồ là Chủ tịch tỉnh trẻ thứ 2 sau ông Lục Hạo, 49 tuổi, Chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang.
Điều đặc biệt là ông Hồ chỉ mới bắt đầu tham gia chính trị vào 1 năm rưỡi trước. Ông được xem là người thuộc phái Thanh Hoa theo cách gọi của tờ The Diplomat. Phái Thanh Hoa là cách gọi để chỉ tập hợp những quan chức từng học tại ĐH Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc.
Người “bảo trợ” cho ông Hồ là ông Trần Hy, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng. Trần là người Phúc Kiến và là bạn cùng phòng của Chủ tịch Tập trong hơn 3 năm rưỡi khi 2 người cùng học tại ĐH Thanh Hoa.
Người cuối cùng được thăng chức là ông Vương Tiểu Hồng, Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh. Ông Hồng sẽ kiêm nhiệm thêm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Ông này từng là cấp dưới của Chủ tịch Tập khi ông Tập còn giữ chức Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến.
Bộ Công an là một trong những cơ quan cấp cao có dính líu sâu đến Chu Vĩnh Khang, “hổ lớn” đã bị chiến dịch chống tham nhũng xử lý vừa qua. Để thanh trừng tay chân của Chu tại cơ quan này, ông Tập đã thay 4 trong tổng số 7 thứ trưởng của bộ này.
Lý giải cho việc bổ nhiệm ông Vương, giáo sư Chen cho biết “Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm cho sự an toàn về mặt chính trị. Do đó, sự trung thành tuyệt đối của Bộ Công an dành cho CCP phải được đảm bảo”.
Trong kỳ đại hội đảng sắp tới, gần như chắc chắn rằng ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục giữ chức Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 2.
Theo Strait Times, Một thế giới